(Tổ Quốc) - Vấn đề trách nhiệm của những người liên quan đến gian lận thi cử tại Kỳ thi THPTQG 2018 lại một lần nữa làm nóng nghị trường, đặc biệt là trong buổi họp ngày 21/5 của Quốc hội về những nội dung liên quan đến giáo dục.
Theo Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, có 3 chủ thể phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra các vụ việc gian lận thi cử, đó là học sinh và cha mẹ học sinh; nhà trường và giáo viên; và trách nhiệm thuộc về địa phương, cơ quan quản lý giáo dục địa phương.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (ảnh: Quochoi.vn)
Nói về các chủ thể này, ông Lợi cho rằng, cha mẹ biết rõ năng lực của con nhưng vì muốn cho con thi đậu nên đã tìm cách "chạy chọt" cho con mình.
Thứ hai là nhà trường và giáo viên, nếu gia đình có nguyện vọng đề xuất việc "chạy chọt" cho con em nhưng giáo viên không đồng lõa mà để học sinh thi đúng năng lực thì sẽ xảy ra vụ việc gian lận như vừa qua. "Ở đây thậm chí giáo viên còn nhận tiền để nâng điểm", ông Lợi nhận định.
Để xảy ra các vụ việc này có phần trách nhiệm của địa phương, cơ quan quản lý giáo dục, địa phương phải vào cuộc để tổ chức tốt kỳ thi, tạo sự khách quan, công bằng. Ông Lợi cho rằng, khi phát hiện các trường hợp gian lận, các sinh viên gian lận đương nhiên bị đuổi khỏi trường nhưng quan trọng hơn là phải tạo cơ hội cho các học sinh có số điểm cận kề, như vậy mới là sự công bằng xã hội và công bằng trong giáo dục.
Người đứng đầu địa phương, làm công tác quản lý trên địa bàn, chịu trách nhiệm về tổ chức thi ở địa phương, thì đầu tiên là với trách nhiệm quản lý nhà nước cần làm rõ việc tổ chức triển khai công tác thi cử đã quán triệt hết chưa; khi tổ chức thi có thanh tra, kiểm tra, xem xét không; quá trình chấm thi tổ chức giám sát ra sao… Nếu làm chưa tốt đó là trách nhiệm của người đứng đầu.
Rõ ràng để xảy ra sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua có phần trách nhiệm của người đứng đầu địa phương về công tác quản lý nhân sự, vì vậy, địa phương cần phải có những điều chỉnh để đảm bảo kỳ thi 2019 diễn ra an toàn nghiêm túc.
Nhưng cũng theo vị đại biểu này, "với vụ việc gian lận thi cử vừa qua, nếu chúng ta đổ hết cho ngành giáo dục thì oan cho giáo dục. Ngành Giáo dục chắc không có ông Bộ trưởng nào, ông Hiệu trưởng bảo là phải nâng điểm đâu, đây chỉ là ngấm ngầm trong 3 đối tượng: người đi thi muốn đậu, người kiếm tiền lợi nhuận từ việc này và người không kiểm soát tốt."
Trước thực tế là chỉ còn hơn 1 tháng nữa là thí sinh sẽ bắt đầu bước vào kỳ thi THPTQG 2019, trong khi việc giải quyết chậm chạm như vậy, ông Lợi cho rằng, vụ việc gian lận thi cử ở 3 địa phương đã diễn ra từ năm 2018, việc xử lý, trong đó có một điểm chưa kết luận được là chậm, đã sắp đến mùa thi mới rồi. Ở đây chúng ta phải làm rõ để rút kinh nghiệm, theo ông Lợi, "chúng ta không phải bí mật, phải giấu diếm gì việc này cả, cần phải công khai, minh bạch để các em học sinh thấy rõ rằng, các em cần có lòng tự trọng trong quá trình học tập, đây chính là triết lý để dạy học sinh - tạo cho các em sự tự trọng".
Đồng quan điểm với đại biểu Bùi Sỹ Lợi, đại biểu Nguyễn Bá Sơn cho rằng, "Đảng, Chính phủ đều có quy định về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong phạm vi quản lý điều hành của mình. Chỉ có điều họ có thực hiện hay không lại là câu chuyện. Tôi tin Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đang theo dõi. Tôi nghĩ rằng có vấn đề của lòng tự trọng của cán bộ công chức. Nêu gương nhưng phải có lòng tự trọng, nếu không thì có cố nêu gương cũng khó tránh khỏi sự trí trá, luồn lách vì lợi ích đặt ra trước mắt".
Ông Sơn cũng tỏ ra quan ngại "Điều đáng lo ngại nhất qua các vụ việc này là đặt con cháu chúng ta vào thói quen không có lòng tự trọng". Tuy nhiên ông Sơn cũng bày tỏ tin tưởng "Tất cả thiết chế đều nằm trong mối liên hệ với nhân dân, trong phạm vi chức trách quyền hạn công vụ của cấp chính quyền. Nhân dân đòi hỏi phải rõ ràng câu chuyện đó và tôi nghĩ rằng, dù muốn hay không, dù đau đớn cũng phải làm cho ra".