• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội hiến kế đẩy nhanh tốc độ phục hồi ngành Du lịch

Thời sự 01/06/2022 15:03

(Tổ Quốc) - Tiếp theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 3, sáng nay (1/6), Quốc hội đã tiến hành thảo luận hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.

Kiến nghị nhiều chính sách phục hồi du lịch

Phát biểu thảo luận, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Duy Minh (Đoàn TP. Đà Nẵng) cho rằng, du lịch là một trong những ngành đang phục hồi, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế ở nhiều địa phương. Nhờ tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao, công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt, phù hợp, kịp thời của Chính phủ, các giải pháp, kế hoạch của các địa phương được ban hành, triển khai nên hoạt động du lịch diễn ra sôi động trên cả nước. Du lịch quốc tế cũng từng bước được khôi phục.

Đại biểu Quốc hội kiến nghị nhiều chính sách đẩy nhanh tốc độ phục hồi ngành Du lịch - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Duy Minh (Đoàn TP.Đà Nẵng)

Tuy nhiên, ĐB này cho rằng, việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới còn một số vấn đề hạn chế như: khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều, số lượng doanh nghiệp trở lại hoạt động chưa cao, nhân lực ngành du lịch vẫn bị thiếu hụt nghiêm trọng, chỉ còn khoảng 25% nhân lực hoạt động trong ngành và 75% đã chuyển sang công việc khác. Việc tuyển dụng lao động ở ngành du lịch gặp khó khăn do người lao động có tâm lý lo lắng, e ngại, không muốn quay lại ngành du lịch.

Từ những khó khăn đó, ĐB Nguyễn Duy Minh đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đánh giá rõ hơn kết quả việc triển khai các chính sách hỗ trợ, các giải pháp cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 trong ngành du lịch. Trong đó, cần làm rõ những vướng mắc, những hạn chế và nguyên nhân để đề ra các giải pháp khắc phục.

Cần nghiên cứu, điều chỉnh một số cơ chế, chính sách, cải cách quy trình, thủ tục hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19, đảm bảo sát thực tế để doanh nghiệp và người lao động tiếp cận được các chính sách hỗ trợ một cách đơn giản, thuận tiện và kịp thời; có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển du lịch như là chính sách visa thông thoáng, tạo thuận lợi đi lại cho khách du lịch; Mở rộng thêm các nước được miễn thị thực vào Việt Nam như Úc, New Zealand và Canada.

Cùng với đó là tăng thời gian miễn thị thực lên 30 ngày; Có chính sách thúc đẩy xúc tiến quảng bá du lịch ra nước ngoài; Chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo gắn với du lịch; Nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch quay trở lại với nghề; Chính sách bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ kỹ năng cho lao động ngành du lịch.

Phí tham quan phải dùng để chi vào việc quản lý và phát huy các giá trị di sản văn hóa

Theo ĐBQH Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam), bảo vệ di sản văn hóa phải được chú trọng tương xứng, hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phải có quy hoạch cụ thể việc bảo tồn, tu bổ, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa thế giới nói riêng.

Đại biểu Quốc hội kiến nghị nhiều chính sách đẩy nhanh tốc độ phục hồi ngành Du lịch - Ảnh 2.

ĐBQH Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam)

Vì vậy, ĐB này đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa. Cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm, có tâm, đảm bảo làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, đồng thời quy định chế tài đủ mạnh để xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi hủy hoại, xâm phạm di sản.

Khẳng định phát huy giá trị di sản văn hóa phải đi đôi với việc bảo tồn, quản lý và tôn tạo di sản, ĐB Dương Văn Phước đề nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ quy định cụ thể việc thu phí tham quan chỉ để chi vào việc quản lý và phát huy các giá trị di sản văn hóa mà không tính vào ngân sách nhà nước theo Điều 58 Luật Di sản văn hóa, Điều 17 Nghị đ ịnh số 109/2017 của Chính phủ.

"Di tích là tài sản của Nhân dân. Bản chất nguồn thu phí tham quan di tích là khách du lịch chi trả. Nhưng thực tế hiện nay nguồn thu phí tham quan này lại nộp vào ngân sách được sử dụng để xác định số thu ngân sách địa phương, cân đối chung cho chi thường xuyên và chi đầu tư, không được sử dụng để chi cho các hoạt động bảo vệ và quản lý di sản văn hóa theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa" - ĐB Dương Văn Phước phản ánh.

Thành công SEA Games góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi du lịch

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM): "Chúng ta đã khép lại một kỳ SEA Games thành công với nhiều ấn tượng đẹp. Thành công không chỉ ở những huy chương mà vận động viên nước ta xuất sắc đạt được mà còn thành công trong khâu tổ chức vận hành an toàn 40 môn thi đấu, với hàng ngàn khán giả cổ động nhiệt tình sôi nổi nhưng rất thân thiện, hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam đã được truyền thông nhiều quốc gia đưa tin, góp phần quảng bá, thúc đẩy quá trình hồi phục, phát triển ngành du lịch nước ta vốn dĩ đã bị tổn thương nặng nề do đại dịch COVID-19".

ĐBQH Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum): "Chúng ta cũng đã tổ chức thành công SEA Games lần thứ 31, đây không chỉ thể hiện thành tích cao của thể thao nước nhà mà còn chứng minh Việt Nam đang tự tin mở cửa du lịch với khu vực và thế giới".

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ