• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội: Khoảng cách giàu - nghèo đang ngày càng gia tăng

Thời sự 08/11/2021 16:52

(Tổ Quốc) - Dẫn đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), ĐB Vũ Thị Lưu Mai cho biết, tình trạng kiệt quệ về tài chính cũng như khoảng cách giàu nghèo sẽ còn gia tăng nếu không có giải pháp hữu hiệu.

Chiều 8/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch COVID-19.

Khoảng cách giàu - nghèo đang ngày càng gia tăng

Trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không "tô hồng, bôi đen", ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng trong Báo cáo số 38 của Chính phủ có đề ra giải pháp hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách - xã hội trong các chính sách thuế. Điều này đồng nghĩa với việc trong 3 năm tới đây sẽ hạn chế tối đa việc miễn giảm thuế.

Đại biểu Quốc hội: Khoảng cách giàu - nghèo đang ngày càng gia tăng - Ảnh 1.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội)

Theo quan điểm cá nhân, ĐB Lưu Mai cho rằng cần hết sức cân nhắc giải pháp trên bởi trong bối cảnh hiện nay thì điều này là khó khả thi. Kể cả khi khống chế được dịch bệnh Covid-19 thì sẽ vẫn còn ảnh hưởng trong nhiều năm tiếp theo.

Nữ ĐB đoàn Hà Nội cũng cho rằng, căn cứ vào tình hình thực tế 3 năm qua, trong chính sách tài khoá việc miễn giảm thuế được áp dụng liên tục như là một giải pháp hữu hiệu. Trong năm 2022, rất nhiều ý kiến đề xuất tiếp tục áp dụng. Nếu như tới đây Quốc hội ban hành gói kích thích phục hồi kinh tế thì dự kiến có thể có những chính sách miễn giảm thuế.

"Tôi cho rằng tại thời điểm hiện nay nên theo đuổi một chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các biện pháp hỗ trợ và phát triển kinh doanh. Điều này là cần thiết và hợp lý hơn là chính sách tận thu", ĐB Vũ Thị Lưu Mai nêu quan điểm.

Nêu vấn đề khoảng cách giàu - nghèo đang ngày càng gia tăng, theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai, hơn 2 năm kể từ ngày dịch bệnh bùng phát khiến kế sinh nhai và việc làm của nhóm nghèo nhất trong xã hội đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Chính phủ, nhóm bị tổn thương nhiều nhất là nhóm nghèo nhất. Đánh giá của WB cũng nêu rõ, tình trạng kiệt quệ về tài chính và khoảng cách giàu nghèo sẽ còn gia tăng nếu không có giải pháp hữu hiệu.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, tốc độ tăng trưởng về thu nhập của nhóm thu nhập thấp chậm hơn nhóm thu nhập cao làm cho khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng, năm 2016 thu nhập của nhóm thu nhập cao nhất gấp 9,8 lần nhóm có thu nhập thấp nhất, năm 2019 gấp 10,2 lần.

Từ đó, ĐB Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, chỉ khi chúng ta có những giải pháp hữu hiệu để phát triển sản xuất kinh doanh tạo công ăn việc làm cho người lao động thì mới có thể thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Ba lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng

Nêu ý kiến về phát triển kinh tế - xã hội, ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng, bên cạnh giải pháp kích cầu truyền thống là đẩy mạnh các hoạt động đầu tư công thì cần có những giải pháp mới mang tính khác biệt là đặt hàng các doanh nghiệp trong nước đầu tư, phát triển các sản phẩm ưu tiên tạo nên những đột phá trong phát triển.

Đại biểu Quốc hội: Khoảng cách giàu - nghèo đang ngày càng gia tăng - Ảnh 2.

ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội).

Có 3 lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng. Thứ nhất là đường sắt, những đô thị lớn ở nước ta đang rất cần phát triển những tuyến đường sắt đô thị; với địa hình kéo dài chúng ta cũng cần phát triển tuyến đường sắt Bắc – Nam.

ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng, chúng ta không thể cứ đi vay tiền về để thuê các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng các tuyến đường sắt riêng lẻ. Hệ luỵ không chỉ là những vướng mắc nhãn tiền như vừa qua và đang để lại hậu quả lâu dài do tính không đồng bộ, thiếu khả năng kết nối, phải phụ thuộc lâu dài vào những nhà cung cấp nước ngoài.

Theo vị ĐB này, nếu được Chính phủ đặt hàng và cam kết dành thị phần, các nhà đầu tư trong nước sẽ hợp tác hoặc mua lại công nghệ của nước ngoài, kết hợp với những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta sẽ có ngành công nghiệp đường sắt hiện đại cho riêng mình.

Lĩnh vực tưu tiên tiếp theo mà ĐB Hoàng Văn Cường nêu đó là kinh tế biển, đây là động lực còn đầy tiềm năng chưa được khai thác. Theo đó, Chính phủ cần đặt hàng để hình thành nên các tổ hợp đầu tư phát triển công nghiệp hậu cần, vận tải biển, bắt tay kết nối các các cảng quốc tế bên bờ Thái Bình Dương để biến Vân Phong thành trung tâm trung chuyển, vận tải biển quốc tế.

Một vấn đề nữa, theo ĐB Hoàng Văn Cường là để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia và bứt phá vươn lên trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chúng ta cần có hạ tầng công nghệ số của riêng mình để đi trước trong chuyển đổi số và chủ động kiểm soát đảm bảo an toàn cho tài sản số quốc gia.

"Nếu được Chính phủ đặt hàng tôi tin rằng đội ngũ kỹ sư tin học và công nghệ của Việt Nam thừa sức phát triển được các sản phẩm để khẳng định được vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ số. Vấn đề đặt ra là nguồn lực từ đâu để hỗ trợ lãi suất và đặt hàng cho các dự án đầu tư mang tính đột phá", ĐB Cường nêu quan điểm.

Khó khăn của nền kinh tế đang ngấm sâu vào người lao động và doanh nghiệp

Cùng phát biểu về kinh tế xã hội trong buổi thảo luận, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cho rằng, những khó khăn của nền kinh tế trong đại dịch đang ngấm ngày càng sâu vào từng người lao động và từng doanh nghiệp. 

Đại biểu Quốc hội: Khoảng cách giàu - nghèo đang ngày càng gia tăng - Ảnh 3.

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn).

Những quyết sách kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ vừa qua đã giúp tháo gỡ một bước khó khăn của người dân, doanh nghiệp để sớm ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, những khó khăn trước mắt còn rất lớn. 

Do đó, nữ ĐB này kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có những giải pháp, chính sách đặc biệt, đặc thù để hỗ trợ người lao động và hỗ trợ doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hiện nay. 

Cùng với đó, Chính phủ cần tăng cường công tác kiểm tra việc triển khai các giải pháp, các gói hỗ trợ để bảo đảm đúng đối tượng, đúng tiến độ. Bởi vì nếu triển khai chậm sẽ có nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường, đồng thời nhiều việc làm sẽ bị mất đi. 

ĐB Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng, chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn như hiện nay. 

Đưa ra một số giải pháp giúp doanh nghiệp vực dậy và trở thành động lực cho phát triển kinh tế, ĐB So đề nghị cần khẩn trương quyết liệt giải ngân các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp đã ban hành trong thời gian qua, đây được ví như là nguồn oxy cho doanh nghiệp đang "hấp hối" trong đại dịch. Đồng thời, nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, tạo cú hích giúp cho các doanh nghiệp tận dụng quãng thời gian còn lại của năm 2021 để tăng tốc hoàn thành kế hoạch.

Cùng với đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ cho doanh nghiệp là trung tâm trong chiến dịch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, phát triển mở rộng thị trường được xác định là nhiệm vụ sống còn của phát triển kinh tế. 

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ