(Tổ Quốc) - Thực hiện chương trình giám sát, hôm nay 13/11, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018.
Theo Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy chữa cháy giai đoạn 2014-2018 cho thấy, từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462 héc-ta rừng. Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 héc-ta rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 09 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 01 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 héc-ta rừng.
Trong đó khu vực thành thị có số vụ cháy nhiều nhất, chiếm 60,11%, ở khu vực nông thôn chiếm 39,89%; cháy tại khu vực nhà dân 5.636 vụ (chiếm 42,86 %), tại cơ sở kinh tế tư nhân 4.861 vụ (chiếm 36,97%).
Các vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện 6.458 vụ (chiếm 57,27%), do sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt 3.291 vụ (chiếm 29,18%).
Cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra 126 vụ, chiếm 0,96% tổng số vụ, làm chết 35 người, bị thương 72 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4.972,7 tỷ đồng, chiếm 76,2% tổng thiệt hại do cháy gây ra. Số vụ cháy có quy mô nhỏ và trung bình chiếm 99%.
Sau khi nghe báo cáo về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy chữa cháy giai đoạn 2014-2018, đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi về trách nhiệm của người đứng đầu ở các địa phương, đơn vị để xảy ra những vụ hỏa hoạn lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.
Thiệt hại từ các vụ cháy nổ là rất lớn nhưng có bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật, mất chức hoặc xử lý liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong PCCC? Đại biểu cho rằng, công tác xử lý trách nhiệm về quản lý nhà nước thời gian qua không tương xứng với những tồn tại, vi phạm, sai phạm trong công tác PCCC.
Từ đây, các đại biểu cho rằng cần giáng chức, thay thế người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra các vụ cháy nổ lớn. Đồng thời, đại biểu Quốc hội cũng cho rằng cần phải gắn trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức cung cấp các nguyên liệu, sản phẩm dịch vụ có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao, điển hình như ngành điện...
Trước đó, báo cáo của Đoàn giám sát cũng cho rằng, nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương nhất là ở quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức đối với công tác PCCC còn hạn chế; chưa làm hết trách nhiệm trong việc quản lý, tổ chức thực hiện các quy định về PCCC, đồng thời cũng thiếu cơ chế để xác định trách nhiệm của người đứng đầu; chưa coi trọng công tác kiểm tra, giám sát; chưa chú trọng công tác đầu tư, trang bị phương tiện cho hoạt động PCCC, tổ chức tập huấn cho lực lượng chữa cháy tại chỗ.
Cũng theo Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy chữa cháy giai đoạn 2014-2018, hiện nay cả nước còn 2.662 công trình nguy hiểm cháy nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt, thiết kế, hoặc đã được thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Tính đến tháng 7/2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy./.