(Tổ Quốc) - Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ tin tưởng, trên cương vị mới, tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ phát huy được những kinh nghiệm đã có ở địa phương, Trung ương để chỉ đạo điều hành Chính phủ đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong nhiệm kỳ sắp tới.
Chiều 5/4, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc bầu Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Phạm Minh Chính. Ông Phạm Minh Chính là người kế nhiệm tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng Chính phủ.
Năng động, sáng tạo trong điều hành
Chia sẻ với Báo điện tử Tổ quốc, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ mong muốn, kỳ vọng trên cương vị mới, tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ năng động, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, thể hiện được vai trò của người đứng đầu Chính phủ.
"Tôi cho rằng, ông Phạm Minh Chính từng nhiều năm đảm nhận chức vụ Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng như các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại địa phương, ông đã có nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo" - đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.
Cũng theo đại biểu này, trong thời gian còn làm lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính đã để lại nhiều dấu ấn, giúp tỉnh Quảng Ninh trở thành địa phương năng động trong phát triển kinh tế. Với kinh nghiệm đã có ở địa phương, Trung ương, Đại biểu đoàn Đồng Tháp tin tưởng tân Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chỉ đạo điều hành Chính phủ đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong nhiệm kỳ tới.
Nhiệm kỳ sắp tới, Chính phủ có tân Thủ tướng và một số Phó Thủ tướng mới. Những người sắp được giới thiệu để bầu giữ chức Phó Thủ tướng là những người có nhiều kinh nghiệm khi đã trải qua các chức vụ quan trọng, tuy nhiên, có thể do mới nhậm chức nên họ sẽ còn gặp một số khó khăn trong chỉ đạo điều hành.
"Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của những lãnh đạo tiền nhiệm, đương nhiệm, sự tin tưởng của cử tri, nhân dân thì các thành viên của Chính phủ sẽ hợp lại thành một sức mạnh tổng hợp để lãnh đạo, chỉ đạo điều hành đất nước vượt qua khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 để tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép" mà Chính phủ đã đề ra", đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ tin tưởng.
Vai trò người thuyền trưởng rất quan trọng
Theo quan điểm của đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị), người đứng đầu rất quan trọng. "Thuyền trưởng" là người chèo lái "con thuyền" nên cần phải biết quần tụ tất cả những thành viên để "con thuyền" đi cùng hướng.
"Vai trò của người thuyền trưởng rất quan trọng, phải giỏi hơn, có tầm nhìn hơn, quyết liệt hơn để dẫn dắt mọi người. Tôi rất kỳ vọng điều này", đại biểu Đỗ Văn Sinh nói.
Về những đột phá trong thời gian tới, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng, Chính phủ phải luôn lấy con người là trung tâm. Con người xây dựng thể chế, con người thực hiện thể chế và phục vụ ngay chính chúng ta. Vì vậy, cần phải nâng cao năng lực quản lý trên tất cả các lĩnh vực.
Cùng với đó là phải nâng cao tầm chiến lược. "Chiến lược tốt thì chúng ta mới xây dựng hệ thống pháp luật tốt, tiếp đến là cần các nhà quản trị tốt, các doanh nghiệp, doanh nhân và thậm chí công nhân lành nghề... Phải như vậy thì chúng ta mới có được hệ thống năng lực trên tất cả các lĩnh vực để hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra, từ đó phục vụ người dân tốt hơn", đại biểu Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh.
Đầu tư nhiều hơn cho văn hóa, giáo dục...
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, chúng ta đã có bài học kinh nghiệm rút ra từ 35 năm đổi mới. Nhiệm kỳ vừa qua, kinh tế Việt Nam cũng đã tạo ra nhiều dấu ấn đặc biệt.
Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII đã đặt ra mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Từ những mục tiêu, khát vọng đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân kỳ vọng tân Thủ tướng sẽ truyền tải được những động lực, bài học của chúng ta trong nhiệm kỳ vừa qua đi vào cuộc sống.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng bày tỏ mong muốn, trong nhiệm kỳ tới, Chính phủ cần tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bởi chính kinh tế vĩ mô ổn định đã giúp Việt Nam vượt qua những thách thức, khó khăn vừa qua. Ngoài ra, thời gian tới Chính phủ cũng cần đầu tư nhiều hơn cho văn hóa, giáo dục, môi trường.
Mục tiêu quan trọng tiếp theo là chúng ta phải tiếp tục tích cực chống tiêu cực, tham nhũng. Để làm được điều này, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, chúng ta phải có đội ngũ cán bộ dám dấn thân vì lợi ích tập thể.
"Chúng ta phải đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực giáo dục, đầu tư ở đây không phải là kêu gọi tiếp tục đổi mới. Đầu tư ở đây là phải toàn diện, đúng mực, theo hướng hiện đại, tập trung giáo dục nhân cách, làm người, phải biết nghĩ cho gia đình, xã hội.
Về văn hóa, đã một thời gian dài chúng ta thiếu những tác phẩm văn hóa có tầm vóc. Phải nghĩ lại chúng ta đã đầu tư cho văn hóa như thế nào? Chúng ta đã tập trung cho đầu tư về hạ tầng kinh tế - điều này là đúng, nhưng đầu tư cho hạ tầng văn hóa thì vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tiễn đặt ra", đại biểu Trần Hoàng Ngân chỉ ra.
Ông nhấn mạnh, Chính phủ nhiệm kỳ mới cần tập trung đầu tư hạ tầng thiết chế văn hóa, trong đó bao gồm các trường đào tạo về lĩnh vực văn hóa. Và cùng với đó là đầu tư cho các tác phẩm văn học nghệ thuật thực sự có tầm vóc./.