• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội lên tiếng tình trạng “Bạo lực học đường”

Văn hoá 18/11/2016 07:00

(Tổ Quốc) - Bạo lực học đường đang là vấn nạn của xã hội. Tình trạng bạo lực ở lứa tuổi vị thành niên ngày một gia tăng theo trào lưu.

Giật mình về bạo lực học đường

Mọi người thường nói “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” để chỉ sự tinh nghịch của học trò. Có thể thấy rằng học trò thời nào cũng có những nét tinh nghịch riêng. Vượt quá sự tinh nghịch ấy là “bắt nạt”, bạo lực.

Thời gian gần đây, trên mạng internet xuất hiện nhiều clip về bạo lực học đường khiến không ít thầy cô, phụ huynh và cả chính bản thân học sinh hoang mang, lo lắng.

Câu chuyện bạo lực học đường giờ đây không chỉ xảy ra ở học sinh nam mà xảy ra cả ở học sinh nữ vốn được coi là chân yếu tay mềm và không ưa giải quyết bằng bạo lực. 

Bạo lực học đường không chỉ dừng lại ở việc bắt nạt mà mức độ tăng tiến và phức tạp ngày càng tăng. Học sinh không chỉ lén lút đánh nhau và có bạn bè cổ vũ, được ghi lại bằng clip rồi tung lên mạng. Người bị đánh không chỉ phải nhận những cú đánh về thể xác mà còn bị tổn thương về tinh thần với sự làm nhục, lột đồ, bắt quỳ lậy... làm ảnh hưởng danh dự của bản thân.

Theo số liệu thống kê đầu năm 2015 của Bộ GD-ĐT, trong một năm học, toàn quốc xảy ra khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở cả trong và ngoài phạm vi nhà trường, tương đương với khoảng 5 vụ đánh nhau trong một ngày. Trong đó, cứ khoảng hơn 5.000 học sinh thì xảy ra một vụ đánh nhau, cứ khoảng 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì tội đánh nhau.

Ảnh minh họa. Nguồn congly.vn

Còn tại cuộc tọa đàm “Bạo lực học đường – Nguyên nhân và giải pháp” do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức năm 2015, tổng hợp kết quả từ khảo sát hơn 700 học sinh và 120 giáo viên của nhiều trường phổ thông, trên nhiều tỉnh, thành cho thấy 51,6% cho biết các em đã từng liên quan tới bạo lực. Trong đó, bạo lực tinh thần như mắng, chửi, đe doạ, bắt phạt, đặt điều, sỉ nhục… là hình thức thường gặp nhất với 73%, thấp hơn là bạo lực thể chất như tát, đá, xô đẩy, kéo tóc, bạt tai, đánh đập.

Theo một số học sinh, thì những con số thống kê trên chỉ là những vụ việc, hành vi được kiểm soát, được phát hiện. Còn thực tế, có cả những vụ mà chỉ có học sinh biết, tự giải quyết với nhau nên có lẽ con số về tình trạng bạo lực học đường thực tế còn cao hơn, đáng sợ hơn.

Đại biểu Quốc hội lên tiếng

Tại kỳ họp thứ 2, Quôc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc – Hưng Yên đã lên tiếng: Bạo lực học đường đang là vấn nạn của xã hội. Tình trạng bạo lực ở lứa tuổi vị thành niên ngày một gia tăng theo trào lưu.

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng bạo lực học đường, đại biểu Phúc cho rằng: có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, vai trò của nhà trường và thầy cô trong việc giáo dục hình thành nhân cách học sinh là rất quan trọng. Tuy nhiên, một khía cạnh mà ngay cả những thầy cô tâm huyết với nghề cũng gặp phải khó khăn; đó là môi trường văn hóa kém lành mạnh đang bủa vây học sinh, ngoài thời gian được quản lý trên lớp phần lớn thời gian còn lại các em sống trong môi trường ảo. Trên mạng bên cạnh những mặt tích cực thì những văn hóa phẩm bạo lực, thiếu văn hóa đang tràn lan trên mạng, không được kiểm soát chặt chẽ đang dần đầu độc thế hệ trẻ đặc biệt là học sinh các cấp. Những trào lưu xấu không lành mạnh lại được lan truyền với tốc độ chóng mặt và được học sinh tiếp cận rất nhanh. Một học sinh ở trên lớp không có biểu hiện hư hỏng nhưng hàng đêm học sinh đó vẫn mở mạng xem phim bạo lực, chơi game, chat online với một số nhóm bạn xấu được thành lập kín. 

Mạng xã hội hay thế giới ảo tưởng chừng không nắm được, không hiện hữu, không gây nên những hậu quả… nhưng thực tế “thế giới ảo, hậu quả thực”, đại biểu Phúc nhấn mạnh: Đến một ngày nào đó, học sinh sẽ biến những điều được tiếp nhận ở thế giới ảo vào đời thực và gây hậu quả nghiêm trọng mà không ai có thể ngờ được.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên). Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội

Chia sẻ thêm về cách mà chỉ có một số ít giáo viên đã và đang làm để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, đại biểu Phúc cho biết: Đã có không ít thầy cô ban ngày tận tụy với bài giảng, đêm về lập nick ảo và điều tra xem nhóm kín của học sinh đang bàn tán vấn đề gì, giờ này học trò còn online chơi game hay chat facebook để kịp thời điều chỉnh. Nhưng dường như cũng không đủ để kiểm soát thông tin đang ngày càng tiêm nhiễm vào đầu các em, môi trường mạng kém lành mạnh là một trong những nguyên nhân chính gây ra biểu hiện xấu của học sinh hiện nay. Điển hình như học trò coi bạo lực học đường là một trào lưu, em thích thú với việc quay clip đánh bạn để giải quyết mâu thuẫn rồi tung lên mạng hưởng ứng trào lưu và làm nhục bạn. 

Để góp phần ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, đại biểu Nguyễn Thị Phúc kiến nghị với Chính phủ, Bộ thông tin và Truyền thông cùng các bộ ngành có sự đầu tư thỏa đáng, thắt chặt an ninh mạng, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa những thông tin trang mạng, trang quảng cáo chứa nội dung không lành mạnh, những trò chơi bạo lực tràn lan, những nhóm được thành lập với mục đích lôi kéo thế hệ trẻ suy đồi đạo đức.

Cùng với đó, khi phát hiện ra những đối tượng vi phạm cần có chế tài nghiêm khắc xử lý và răn đe, có như vậy mới hạn chế tối đa được những hiểm họa tiềm ẩn xung quanh học sinh, tạo môi trường văn hóa lành mạnh để định hướng và hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ - đại biểu Phúc nhấn mạnh.

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ