(Tổ Quốc) - Ngày 10/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Quy định xe chính chủ để tránh “ông đi không phạt lại phạt ông đã bán xe lâu rồi"
Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trước đây còn ý kiến băn khoăn về việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật, song sau đó Quốc hội đã cơ bản thống nhất. Căn cứ pháp lý rất quan trọng là Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư ban hành tháng 5/2023 nêu rất rõ xây dựng 2 luật và trách nhiệm của Quốc hội là thể chế hoá, cụ thể hóa quan điểm của Đảng về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Theo Đại tướng Tô Lâm, quá trình soạn thảo, nguyên tắc luôn được nhấn mạnh là xây dựng luật để quản lý nhà nước, quản trị xã hội nhưng luật phải phục vụ nhân dân.
“Quy định phải thế này, phải thế kia là đúng rồi, để quản lý Nhà nước, quản trị xã hội. Nhưng bên cạnh đó nhấn mạnh lợi ích nhân dân dân, tinh thần phục vụ nhân dân để người dân ủng hộ, tự giác thực hiện đảm bảo quyền lợi của mình” – ông Tô Lâm nói.
Đề cập vấn đề xe chính chủ, Đại tướng Tô Lâm khẳng định điều này là cần thiết để đảm bảo minh bạch, lành mạnh, để tránh “ông đi không phạt lại phạt ông đã bán xe lâu rồi. Tài sản người này lại người kia quản lý. Trước đây bán xe là bán cả biển thì nay định danh theo biển số xe và khi bán xe phải giữ biển lại nên sẽ giải quyết được vấn đề.
Về vấn đề chỉ huy giao thông, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, các nước làm rất chuẩn, ra đường chỉ có 1 luật. Xe ưu tiên có xe cảnh sát dẫn đường nhưng đèn đỏ là dừng lại. “Có nước tôi đi nói vui rằng may toàn gặp đèn xanh, nhưng họ nói không phải may mà đoàn đi đến đâu họ điều hành đèn giao thông đến đó” – ông chia sẻ.
“Chúng ta đèn đỏ thì xe ưu tiên vẫn đi qua, được ưu tiên không thực hiện theo luật lại dở. Cảnh sát phải ngăn người dân để nhường đường rất vất vả, còn người dân phải dừng dù đang đi đúng đường. Do đó điều hành phải đúng” – Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Đại tướng Tô Lâm cũng chia sẻ thêm, mặc dù nhiều nhiệm vụ nhưng biên chế CSGT cũng không được tăng, mà phải áp dụng công nghệ, chuẩn hóa kỹ thuật, thiết bị. Hiện ở đâu cũng lắp camera nhưng chả ai kết nối được với ai trong khi nhiều nước chỉ sử dụng khi đúng tiêu chuẩn, tiêu chí.
“Sang nước bạn muốn tự đi xe của mình cũng không được vì hệ thống nhận diện không đúng biển số xe là không cho lưu thông. Giờ mình biển rởm, biển giả, thậm chí che biển vẫn chạy. Công nghệ này cần phải tiến hành. Làm được thì giảm đi “tiếng ong ve” về CSGT, vì chả ai giao dịch với ai thì tiêu cực thế nào được” – Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ.
"Tối hôm trước liên hoan, sáng hôm sau đo nồng độ cồn vẫn còn mà bị phạt là không thực tế"
Cũng buổi thảo luận tổ, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để nói về quy định nghiêm cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Đây là quy định mà khi trình bày báo cáo thẩm tra, ông Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến cho rằng, quy định này quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam.
Nhóm ý kiến này cũng cho rằng, quy định trên làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Họ đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại phương tiện; đồng thời, bảo đảm tính thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.
Trong khi đó, một số ý kiến khác nhất trí với quy định này, vì cho rằng nội dung trên đã được quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả.
Nói về nội dung này, theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên), quy định hành vi cấm trên là cần thiết nhằm giảm tai nạn giao thông, tuy nhiên cần nghiên cứu mức nồng độ cồn phù hợp với từng loại phương tiện.
Còn theo đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương), nên tham khảo quy định các nước. Ông dẫn chứng ở Phần Lan, lái xe được khuyến cáo nếu uống một chai bia phải nghỉ trong một tiếng, hai chai phải nghỉ ba tiếng, trước khi tham gia giao thông. Lượng chất kích thích này, theo đại biểu, chưa đủ để tác động đến thần kinh và họ vẫn đủ điều kiện điều khiển phương tiện.
“Nhưng nếu quy định cấm, tối hôm trước liên hoan, sáng hôm sau đo nồng độ cồn vẫn còn mà bị phạt, việc này không thực tế. Vì lúc đó, cơ thể vẫn tỉnh táo, đi làm bình thường”, đại biểu nêu ý kiến và nói rằng chúng ta “cảnh giác với cồn còn hơn cả ma túy”.
Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị, quy định rõ “có nồng độ cồn” hay “có nồng độ cồn vượt quá quy định cho phép”.
“Cần thiết kế lại quy định theo hướng chúng ta có thể lựa chọn mức nồng độ cồn thấp để quy định không được vượt quá, nếu không đôi khi không uống gì, thổi cũng lên nồng độ cồn. Quy định này cần có sự hợp lý, có lộ trình cụ thể để người dân dần hạn chế, tiến tới không sử dụng rượu bia trước khi lái xe”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói và cho rằng, sau khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được ban hành, sẽ phải ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.
Nên quy định nồng độ cồn bằng 0
Cùng trao đổi vấn đề này, đại biểu Vũ Xuân Hùng (đoàn Thanh Hóa) đồng tình với quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Theo đại biểu, qua quá trình thẩm tra dự án luật, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về quy định các hành vi bị cấm với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Về ý kiến thứ nhất, đại biểu này cho rằng, dự án luật quy định như Nghị định 100 là yêu cầu nồng độ cồn bằng 0. Điều này có mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông. Quy định này được đa số ý kiến nhất trí, đồng tình.
Về ý kiến thứ hai, đại biểu Vũ Xuân Hùng nói, nhiều ý kiến cho rằng, nên quy định các hành vi bị cấm với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là quy định theo tỉ lệ nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở.
Theo đại biểu, qua khảo sát của 177 nước trên thế giới về quy định phòng chống tác hại rượu bia có 25 nước quy định bằng nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở bằng 0. Như vậy, cứ uống rượu bia vào, có nồng độ cồn trong hơi thở là vi phạm. Phần lớn các nước còn lại có những quy định khác nhau về các hành vi bị cấm với tỉ lệ nồng độ cồn trong máu và hơi thở khác nhau.
Đại biểu Cao Thị Xuân (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, quy định này được luật hóa từ Nghị định 100. Như vậy, tất cả trường hợp tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều vi phạm và bị xử phạt. Vì vậy, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá lại, đánh giá tác động việc thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP trong thời gian qua.
"Quốc hội bấm nút thông qua dự án luật này phải có tính toán, rà soát kỹ lưỡng vì quy định trên có tác động rất lớn", đại biểu Cao Thị Xuân nêu quan điểm.