• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội nêu 7 giải pháp căn cơ để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

Thời sự 27/10/2022 12:25

(Tổ Quốc) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 27/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp.

7 giải pháp căn cơ để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

Đóng góp ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) đề cập về việc đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phòng chống lạm phát, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp để đảm bảo sản xuất, kinh doanh...

Đại biểu Quốc hội nêu 7 giải pháp căn cơ để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội - Ảnh 1.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân

Theo đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân đưa ra 7 giải pháp: Thứ nhất, cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh tái cơ cấu mạnh mẽ các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, xử lý nhanh các doanh nghiệp kéo kém hiệu quả, phát huy hơn nữa vai trò của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, hướng đến các công trình, dự án lớn mang tầm quốc gia, nhất là đầu tư cho các ngành công nghiệp nền tảng công nghiệp vật liệu, công nghiệp luyện kim, cơ khí.

Thứ hai, hoạt động sản xuất kinh doanh cho một số ngành, lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn về vốn, tỷ giá, lao động, về thuế và phí. Trong thời gian vừa qua, khi triển khai Nghị quyết 43 thì có nhiều gói triển khai thuận lợi nhưng có gói không thuận lợi, cụ thể như gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Cho đến nay, chúng ta giải ngân chưa đạt so với kế hoạch vì do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, gói hỗ trợ miễn, gia hạn thuế thì chúng ta triển khai thuận lợi hơn và đến nay đã đạt được 72,5 % so với kế hoạch.

Vì vậy, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét nguồn hỗ trợ lãi suất chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thêm thời gian nộp thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn. Như vậy sẽ giúp được nhiều doanh nghiệp, nhiều hợp tác xã và hộ kinh doanh.

Thứ ba, thu hút vốn đầu tư nước ngoài hiện nay tuy vẫn tăng nhưng gặp khó khăn trong chuyển giao công nghệ, liên kết giữa khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước. Vì vậy, trong thời gian tới chúng ta cần thận trọng hơn trong thu hút FDI, không vì tăng trưởng, không vì thành tích địa phương mà cấp phép ồ ạt vì có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an ninh, năng lượng và môi trường. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, liên kết tốt với kinh tế trong nước. Chúng ta cần sớm ban hành Luật Công nghệ hỗ trợ để tăng thêm tỷ lệ nội địa hóa đối với các sản phẩm sản xuất từ các dự án FDI cũng như là các mặt hàng xuất khẩu.

Thứ tư, đời sống của người dân, một bộ phận người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ gia đình có người thân mất do dịch bệnh Covid-19, hộ gia đình bị thiên tai, lũ lụt, cán bộ hưu trí và thu trước năm 1995. Do đó, cần tăng cường chính sách hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, nhất là dịp lễ tết, chồng quan tâm hơn nữa đến thu nhập cán bộ, viên chức, người lao động trong ngành y và ngành giáo dục, đặc biệt là giáo viên mầm non và phổ thông.

Thứ năm là vấn đề thị trường xăng dầu bị đứt gãy chuỗi cung ứng một số nơi. Mặc dù Bộ Công thương đã tích cực vào cuộc nhưng chúng ta cần sớm khắc phục, rút ra bài học kinh nghiệm để không xảy ra tình trạng tương tự. Trong thời gian tới cần xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu.

Thứ sáu, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế một số nơi tại cơ sở khám, chữa bệnh cần có giải pháp cấp bách, quyết liệt. Đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị trong khi chờ đợi các luật ban hành, đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội những giải pháp cấp bách để đưa vào nghị quyết cuối kỳ họp này. Vì bảo vệ sức khỏe nhân dân, tính mạng nhân dân là trên hết và trước hết cử tri đang rất quan tâm vấn đề này.

Thứ bảy, giá cả xăng dầu trong thời gian tới có thể tiếp tục diễn biến phức tạp. Quốc hội cần ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt để kiểm soát lạm phát một cách nhanh nhạy nhất.

Đi một mình, đi nhanh thì cần phân tích, rút ra kinh nghiệm

Phát biểu góp ý tại hội trường, đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) bày tỏ đồng tình với nội dung phát biểu của đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cũng như các ý kiến đại biểu đã phát biểu trước.

Đại biểu Quốc hội nêu 7 giải pháp căn cơ để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội - Ảnh 2.

ĐBQH Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai)

Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đại biểu Lê Hoàng Anh cho biết, năm trước khi thảo luận quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2022, mặc dù có nhiều có niềm tin nhưng cũng không ít lo lắng, ưu tư và quả thật cho đến thời điểm này, chỉ còn hai tháng nữa sẽ kết thúc năm 2022.

"Chúng ta đang đối mặt với những thách thức, khó khăn vô cùng to lớn, khó lường nhưng kết quả 9 tháng đầu năm và dự kiến cả năm 2022 Việt Nam đạt được là những thành tựu rất quan trọng. Chúng ta đã kiểm soát rất tốt dịch Covid-19, đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu Quốc hội giao" - đại biểu nhấn mạnh.

Đồng thời, vị đại biểu này cũng cho rằng, những thành tựu quan trọng cơ bản đó đã chứng minh sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là hiệu quả.

Kết quả đó cũng cho thấy vai trò, trách nhiệm, sự chủ động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội, sự nỗ lực đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, sự hy sinh tận hiến của chính quyền cơ sở, của đội ngũ công chức, viên chức và các lực lượng xã hội khác.

Về hạn chế, bất cập, đại biểu nêu ra nhiều vấn đề, đặc biệt có một số điểm có tính chất ngược, cần phân tích làm rõ hơn. Thứ nhất, cần làm rõ vì sao khi Việt Nam GDP tăng, thế giới lại giảm, khi của thế giới tăng thì Việt Nam lại thấp. Năm 2020, GDP, Việt Nam đạt 2,91% thì thế giới âm 3,1%. Năm 2021, thế giới tăng 5,9 % thì Việt Nam lại giảm còn 2,58%. Năm 2022, Việt Nam tăng 8,0 %, thế giới giảm 3,2 %.

Đại biểu nhấn mạnh, Việt Nam có nền kinh tế rất mở nhưng ta lại đang ngược độ tăng trưởng GDP với thế giới. Nếu chúng ta xác định đi một mình, đi nhanh thì cũng cần phân tích, rút ra kinh nghiệm để chỉ đạo điều hành, bảo đảm tăng trưởng cao nhưng bền vững.


Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ