(Tổ Quốc) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (ĐBQH, Anh hùng Lao động, Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) đã bày tỏ những tâm tư, trăn trở của ông với Báo điện tử Tổ Quốc khi nói về thực trạng vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp hiện nay.
PV: Thưa ông, đạo đức xã hội xuống cấp không phải là một vấn đề mới. Tuy nhiên, ở mỗi kỳ họp Quốc hội, các Đại biểu vẫn thường nhắc đến vấn đề này bằng một sự trăn trở, lo lắng. Trên thực tế, hằng ngày, hằng giờ, chúng ta vẫn bắt gặp những hành vi lệch chuẩn, trái đạo đức ở trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Với vai trò là một vị Đại biểu của nhân dân, ông có suy nghĩ gì về tình trạng xuống cấp đạo đức hiện nay?
ĐBQH Nguyễn Anh Trí: Điều đó thì đúng là không còn nghi ngờ gì nữa, qua các hiện tượng xảy ra trong cuộc sống chúng ta đã thấy được rất rõ đạo đức xã hội đang xuống cấp một cách rất trầm trọng.
Việc này thể hiện ở trên nhiều bình diện, nhiều địa phương, tầng lớp và giai tầng của xã hội khác nhau. Ví như ngày xưa đó là chuyên trộm cắp, ham chơi của trẻ con nhưng bây giờ rất nhiều những mối quan hệ thiêng liêng bị xâm phạm. Đó là mối quan hệ của tình mẫu tử, ruột thịt với một loạt bằng chứng mà thi thoảng chúng ta vẫn gặp như bố giết con, con giết bố, anh em ruột thịt đâm chém nhau vì mẫu thuẫn.
Mối quan hệ của tình thầy trò cũng không còn như trước nữa, nhiều vụ việc thầy xâm phạm tình dục học sinh. Qua những câu chuyện đó, chúng ta thấy được điều rất rõ một điều: đó là vấn đề đạo đức xã hội đã thực sự là một hồi chuông cảnh báo hết sức rõ ràng, mạnh mẽ.
Công bằng mà nói, hầu như kỳ họp Quốc hội nào cũng có Đại biểu đề cập đến, tuy nhiên, tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp vẫn diễn ra trầm trọng.
PV: Theo ông, nguyên nhân vì đâu dẫn đến những tình trạng xuống cấp đạo đức hiện nay?
ĐBQH Nguyễn Anh Trí: Theo tôi có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính đó là sự mai một của các giá trị đạo đức đích thực của con người. Sự mai một ấy có nhiều căn nguyên. Đó chính là không được giáo dục, không được tu dưỡng, rèn luyện, bồi bổ.
Một lý do khác nữa là nhu cầu về vật chất bây giờ quá lớn. Như ngày xưa, cuộc sống nghèo khó như nhau, ăn một bữa cơm ba bát, cơm cà cũng cảm thấy hạnh phúc. Nhưng bây giờ, nhu cầu xe hơi, nhà lầu dẫn đến những đòi hỏi quá lớn. Cái này có thể trở thành bức xúc. Bây giờ chúng ta có thể thấy, vì nhu cầu xây nhà cửa nên 1 mét vuông đất cũng khiến anh em ruột trong gia đình có thể lấy mạng của nhau.
Một nguyên nhân nữa đó là pháp luật của chúng ta. Công bằng mà nói chúng ta xây dựng rất nhiều bộ luật. Tôi đã tham dự gần hết một nhiệm kỳ của Quốc hội và thấy rằng, có quá nhiều bộ luật liên quan đến vấn đề đạo đức. Nhưng một vấn đề đó là, việc ban hành Luật nhanh mấy thì nhanh, nhiều mấy thì nhiều, nhưng nó lại chưa theo kịp với sự biến chuyển của xã hội. Điều thứ hai đó là, dù có luật rồi nhưng việc giáo dục, truyền thông để người ta hiểu và sống theo pháp luật chưa thực sự mạnh mẽ.
Vấn đề cuối cùng đó là chúng ta đang lơ là về giáo dục đạo đức. Nó thể hiện ở mấy điểm: trong gia đình bố mẹ là những người trực tiếp nhất, có vai trò to lớn nhất trong vấn đề dạy dỗ đạo đức cho thể hệ trẻ, con cái. Tuy nhiên, do cuộc sống quá bận rộn, hoặc chưa quan tâm và cũng có thể là do bản thân của phụ huynh chưa gương mẫu nên không thể dạy dỗ con được. Đơn giản như việc, bản thân các phụ huynh nói tục thì làm sao dạy con là không nói tục chửi bậy được.
Thứ hai nữa đó là vấn đề giáo dục đạo đức trong nhà trường. Qua những câu chuyện như học sinh đánh nhau hội đồng, thầy cô đánh học sinh, học sinh vô lễ với thầy cô, tôi có cảm giác như các giờ học đạo đức cho học sinh bây giờ là chưa đủ về mặt số lượng và nội dung.
Và ngay cả giáo dục trong cơ quan, công sở cũng có rất nhiều vấn đề. Thời của bọn tôi, ai bị kỷ luật trong cơ quan đó là chuyện vô cùng kinh khủng. Thậm chí, việc kỷ luật đó là một sự xấu hổ không chỉ riêng cá nhân, cơ quan mà cả gia đình, hàng xóm, dòng họ người bị kỷ luật. Phải nói rằng, việc tác động để làm cho người ta biết sợ, biết tu dưỡng là quá ít.
Ngoài ra còn một vấn đề giáo dục trong cộng đồng, thực tế tôi thấy rằng mối quan hệ cộng đồng cũng đang ngày càng mai một. Như ngày xưa, thời chúng tôi nếu có lỡ đụng chạm nhau thì người ta thường tha thứ và cùng lắm thì cau mày, nhăn mặt. Còn bây giờ thì chỉ mới một va chạm nhẹ người ta đã lao vào đánh nhau, thậm chí đâm chém nhau mà không cần thời gian để nghe một lời giải thích.
PV: Vậy thưa ông, chúng ta cần có những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài như thế nào để khắc phục tình trạng xuống cấp đạo đức hiện nay?
ĐBQH Nguyễn Anh Trí: Theo tôi, giải pháp thiết thực và hiệu quả nhất đó là giáo dục về đạo đức, giáo dục các truyền thống tốt đẹp của chúng ta, giáo dục việc tuân thủ pháp luật để cho người ta thấy được đạo đức là một giá trị hơn cả so với những giá trị khác. Đồng thời, phải phục hồi giáo dục trong cơ quan, từng dòng họ, từng gia đình phải phục hồi giáo dục đạo đức.
Có thể thấy rằng, trong gia đình có một người bố, người mẹ gương mẫu thì hình ảnh đối với con sẽ tốt mà không cần phải dạy dỗ bằng roi đòn gì cả. Như bản thân tôi, tôi chưa bao giờ xưng hô "tao - mày" với con, chưa bao giờ đánh đòn roi. Đó là vì tôi nghĩ mình cứ sống mẫu mực để con nhìn vào thì đó là cách dạy dỗ tốt nhất.
Một câu chuyện khác tôi cũng chia sẻ thật. Ngày xưa lúc còn đi xe máy, khi vào gần đến nhà mình mà nếu đèn pha chiếu vào nhà hàng xóm tôi sẽ tắt ngay. Lúc đó, con tôi mới 10 tuổi thấy bố làm vậy thì thắc mắc hỏi tại sao. Tôi trả lời rằng, bố tắt đi khỏi hàng xóm nhà mình thấy chói mắt, khó chịu, như vậy là bất lịch sự. Thế rồi, sau này lúc con 19 – 20 tuổi, tôi để ý thấy con cũng hành động như mình nhiều năm trước. Chính vì vậy, tôi cho rằng giáo dục bằng tấm gương là rất quan trọng.
Một vấn đề nữa mà tôi cho là rất quan trọng, đó là việc giáo dục trong cơ quan, công sở. Việc giáo dục này phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu một cơ quan.
Ngoài ra, hàm lượng, thời lượng giáo dục trong nhà trường cũng cần phải được tăng lên. Trong đó, phải chú trọng giáo dục về luật pháp để các em học sinh được biết.
Nhóm việc khác cũng quan trọng không kém đó là việc thực thi pháp luật phải thật nghiêm, không có vùng cấm. Ví dụ như, vẫn còn tình trạng xử lý vuốt mặt, nể mũi đối với các trường hợp con ông, cháu, cha sai phạm, hư hỏng. Chính vì vậy, tôi cho rằng luật phải nghiêm, phải công minh, công bằng.
Cùng với đó, về công tác quản lý nhà nước thì phải coi vấn đề đạo đức đúng như tinh thần lời dạy của Bác Hồ đó là "có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó". Trong cuộc đời làm lãnh đạo của tôi, đã rất nhiều cán bộ, nhân viên được tôi dạy dỗ vì tôi tin rằng, không có ai là quá kém cỏi mà vấn đề là mình dạy dỗ như thế nào.
Tôi cũng tâm đắc với câu nói khác của Bác Hồ đó là "Có tài mà không có đức là người vô dụng", tức là trong tuyển chọn để đào tạo, huấn luyện, sử dụng và bổ nhiệm thì phải hết sức chú ý đến đạo đức con người.
Cũng phải thừa nhận một điều rằng, việc tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ đã từng có một thực trạng vì quan hệ, vì tiền. Vấn đề bổ nhiệm cán bộ đã từng được nôm na trong câu "Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ và bốn là trí tuệ". Điều đó đã dẫn đến đạo đức bị mai một ngay từ đầu. Tôi cho đây là vấn đề đáng để suy nghĩ.
- Xin cảm ơn ông đã trả lời cuộc phỏng vấn!