• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội Phạm Quang Thanh: “Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) phù hợp với tinh thần Chính phủ “kiến tạo’

Du lịch 01/11/2016 06:00

(Tổ Quốc) -Theo kế hoạch, Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận, xem xét vào ngày 14/11 tới. Trao đổi với Báo điện tử Tổ Quốc bên lề Quốc hội, đại biểu Quốc hội Phạm Quang Thanh - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Hà Nội cho biết, Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) phù hợp với tinh thần “chính phủ kiến tạo”, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

- Ông đánh giá như thế nào về sự chuẩn bị của Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL đối với việc soạn thảo Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi)?

Là cơ quan được Chính phủ phân công chủ trì soạn thảo, Bộ VHTTDL (đầu mối là Tổng cục Du lịch) đã có sự chuẩn bị công phu và nghiêm túc cho việc soạn thảo Dự thảo Luật Du lịch. 

Bộ đã tổ chức nhiều hội nghị tổng kết việc thi hành Luật Du lịch 2005 và nhận được sự nhất trí cao về sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Du lịch 2005 cho phù hợp với tình hình thực tế, tương thích với Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật mới ban hành. 

Thạc sỹ Phạm Quang Thanh là đại biểu trẻ nhất của đoàn đại biểu Quốc hội của TP Hà Nội.

Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tổ chức rất nhiều cuộc toạ đàm, hội thảo khoa học để lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia về du lịch, pháp luật; tiến hành khảo sát một số địa phương trong nước; tham khảo pháp luật của các nước... để xây dựng dự thảo Luật.

Các Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) sau đó đã được lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, doanh nghiệp, Hiệp hội, các Bộ, ngành, địa phương. Sau lần dự thảo thứ 5,  dự thảo Luật Du lịch đã được hoàn thiện và có rất nhiều điểm thay đổi so với Luật Du lịch 2005. 

- Hiện nay, Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) đã được hoàn thiện và được trình qua các cấp xem xét, chờ Quốc hội thảo luận và phê duyệt. Theo ông, Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) có những ưu điểm nào được đánh giá cao và nếu được thông qua, có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du lịch phát triển mạnh mẽ?

Tôi đánh giá cao Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) ở một số điểm sau.  Thứ nhất,  Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) đã phù hợp và cụ thể hoá các quy định về quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân... quy định tại Hiến pháp năm 2013; đã đồng bộ, tương thích với các Bộ luật, luật mới được ban hành từ năm 2006 đến nay, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Thứ hai, Dự thảo Luật lần này đã đã thể chế hoá các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, phát triển du lịch theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền, lợi ích quốc gia.

Ngoài ra, Dự thảo Luật (sửa đổi) được bố cục theo hướng hợp lý hơn. Đã có những sửa đổi, bổ sung một số điểm quan trọng về: đối tượng áp dụng, chính sách phát triển du lịch, hành vi bị nghiêm cấm (Chương I); quy hoạch phát triển du lịch (Chương IV); khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch và đô thị du lịch (Chương V); hợp tác và hội nhập quốc tế (Chương VIII); quản lý nà nước về du lịch (Chương IX)...

Đặc biệt, Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) hiện nay thiên về “hậu kiểm” hơn là “tiền kiểm”. Đây là sự điều chỉnh rất đúng đắn, hợp lý trong bối cảnh phát triển du lịch Việt Nam hiện nay. Bởi lẽ, chỉ khi nào công tác “hậu kiểm” thực sự được chú trọng và thực hiện hiệu quả thì chúng ta mới có thể kiểm soát được chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch. Đồng thời, đẩy lùi và ngăn chặn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho du khách – người sử dụng dịch vụ và các DN du lịch làm ăn chân chính. Từ đó, nâng cao chất lượng dịch vụ, uy tín, tính cạnh tranh và hình ảnh của ngành du lịch Việt Nam trên đấu trường khu vực và quốc tế.

Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) phù hợp với tinh thần “chính phủ kiến tạo”, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Trong Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), nhiều thủ tục hành chính được loại bỏ và đơn giản hóa hoặc qui định chi tiết hơn tạo điều kiện cho việc thực hiện rõ ràng, hiệu quả. 

Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) cũng đã đưa ra quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển Du lịch để hỗ trợ nâng cao nâng cao chất lượng du lịch. Quỹ hỗ trợ phát triển Du lịch sẽ tạo điều kiện phát triển hơn nữa cho du lịch Việt Nam. 

- Theo ông, nếu Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) được Quốc hội phê duyệt, chúng ta cần phải làm gì để đưa Luật vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy ngành Du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ đang kỳ vọng?

Nếu Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, công tác tuyên truyền Luật Du lịch (sửa đổi) phải được đẩy mạnh để văn bản này sớm đi vào cuộc sống. Trước tiên, các cơ quan tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật phải là những cơ quan đi đầu trong việc phổ biến chương trình nội dung và tinh thần của Luật. Mặt khác, cũng giống như quá trình xây dựng Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), các cơ quan thông tin đại chúng đã đóng góp rất quan trọng đối với sự thành công của bản dự thảo này. Luật Du lịch (sửa đổi) được thi hành thì vai trò của báo chí càng quan trọng. Báo chí phải góp phần tích cực đưa nội dung của Luật vào từng lĩnh vực của đời sống xã hội, làm cho các cơ quan, tổ chức, DN, tầng lớp nhân dân hiểu một cách đầy đủ, đúng đắn và dễ dàng nhất nội dung Luật.

Ông Phạm Quang Thanh (sinh năm 1981), là thạc sĩ tài chính ngân hàng và hiện là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng công ty du lịch Hà Nội, đồng thời là đại biểu trẻ nhất của đoàn đại biểu Quốc hội của TP Hà Nội. Trước khi chuyển tới công tác tại Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, ông Phạm Quang Thanh đã có gần 10 năm công tác tại Tập đoàn Bảo Việt và giữ các chức danh: Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Bảo Việt; Ủy viên BCH Trung ương Đoàn; Ủy viên BCH Đảng bộ Tập đoàn, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Tập đoàn Bảo Việt.

Quỳnh Anh – Hoàng Hà


NỔI BẬT TRANG CHỦ