• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội: Quy hoạch tổng thể quốc gia cần đẩy mạnh phát triển đội ngũ các nhà văn hóa

Thời sự 07/01/2023 11:23

(Tổ Quốc) - Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh trong thiết chế văn hóa, con người hoạt động văn hóa phải được đưa lên hàng đầu, khi đó các hoạt động văn hóa mới không hình thức.

Sáng 7/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Con người hoạt động văn hóa phải được đưa lên hàng đầu

Góp ý về dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho biết trong dự thảo Nghị quyết nêu các mục tiêu phấn đấu đạt cao như: dịch vụ xã hội chất lượng cao hơn, tốc độ phát triển cao, tính kết nối cao, khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Đại biểu cho rằng, đây là những mục tiêu chưa định lượng sẽ khó chọn được giải pháp để thực hiện.

Đại biểu Quốc hội: Quy hoạch tổng thể quốc gia cần đẩy mạnh phát triển đội ngũ các nhà văn hóa - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên thảo luận sáng 7/1.

Trong Nghị quyết nêu giai đoạn 2031-2050 phấn đấu chỉ số phát triển con người ở mức rất cao và có chú thích rõ là chỉ số HDI từ 0,8 trở lên. Đây là mục tiêu có định lượng giúp chúng ta có kế hoạch đạt được tiêu chí của chỉ số này. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần rà soát lại để định lượng các mục tiêu, bởi nếu chúng ta đã có những con số rõ ràng sẽ có phương án phù hợp; định lượng mục tiêu giúp dễ dàng đánh giá được mức độ hoàn thành các mục tiêu ở các mốc thời gian.

Quy hoạch nêu mục tiêu phát triển đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao về tầm nhìn đến năm 2050, là nước phát triển thu nhập cao. Đại biểu nêu quan điểm, điều khác nhau dễ thấy giữa nước đang phát triển và nước phát triển đó là chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Đất nước đang phát triển vẫn còn suy nghĩ tiền nào của nấy, nếu sản phẩm trên thị trường mà không cạnh tranh bằng chất lượng thì không chỉ người tiêu dùng bị thiệt hại, mà những người làm ra sản phẩm chất lượng cũng bị cạnh tranh không lành mạnh.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh kiến nghị trong Quy hoạch tổng thể quốc gia cần bổ sung nội dung phát triển hệ thống các trung tâm, cơ sở kiểm định chất lượng sản phẩm tầm cỡ khu vực, có lộ trình hoàn thiện pháp luật về quy chuẩn, tiêu chuẩn tiệm cận với các nền kinh tế mà chúng ta muốn đưa sản phẩm đến.

Đối với vấn đề văn hoá, khẳng định văn hóa phải đặt ngang tầm với kinh tế nhưng hiện Việt Nam chưa có đủ đội ngũ các nhà văn hóa để phát triển văn hóa, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh trong thiết chế văn hóa, con người hoạt động văn hóa phải được đưa lên hàng đầu, khi đó các hoạt động văn hóa mới không hình thức.

Theo đại biểu, đội ngũ văn hóa cần mở rộng hơn đến nhiều đối tượng, họ là những người hiểu biết sâu sắc về văn hoá, những nhà nghiên cứu văn hoá, những người đam mê trong hoạt động văn hoá, họ cũng có thể là những người được cộng đồng tôn trọng, người tiêu biểu ở các hội, họ hoạt động ở nhiều lĩnh vực, nhiều đội tuổi.

Đại biểu cho rằng có thể cần phải có hàng chục nghìn người như vậy trên cả nước, là đại diện ở các vùng miền, các thế hệ khác nhau sẽ đóng góp vào các chính sách về văn hoá, bình luận về những vấn đề văn hóa đương đại, góp phần giải quyết các vấn đề về đời sống tinh thần đặt ra, cũng giúp cho mọi người có cái nhìn rõ hơn về thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, những điều quan trọng nhất trong văn hóa Việt Nam… Vì vậy, trong Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng cần có nội dung phát triển đội ngũ các nhà văn hóa trong giai đoạn mới.

Đại biểu Quốc hội: Quy hoạch tổng thể quốc gia cần đẩy mạnh phát triển đội ngũ các nhà văn hóa - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng nêu các giải pháp nhằm phát triển mạnh về công nghiệp văn hóa, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu, uy tín và tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế.

Theo đại biểu, để sản xuất sản phẩm gì ra thế giới, trước hết sản phẩm đó cần phải đạt chất lượng và được người trong nước ưa chuộng, sản phẩm điện ảnh nghệ thuật thứ bảy có thể xem là đại diện cho sản phẩm văn hoá, chúng ta cần thời gian để đào đạo đạo diễn, diễn viên xứng tầm thế giới để có các sản phẩm điện ảnh có thương hiệu.

Để sớm đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới, đại biểu đề xuất khai thác kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, từ đó có thể "đứng trên vai những người khổng lồ bằng cách" phối hợp với các nhà sản xuất phim lớn trên thế giới để sản xuất các bộ phim, chẳng hạn như tác phẩm Thạch Sanh - Lý Thông để giới thiệu văn hoá, ẩm thực, con người Việt Nam... Từ đó, đại biểu đề nghị trong Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng cần có nội dung hợp tác quốc tế về phát triển văn hoá.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng đề nghị trong Quy hoạch cần có nội dung hình thành thói quen đọc sách và xây dựng mạng lưới cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập…

Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) cơ bản tán thành với dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự thảo đã được xây dựng hết sức công phu, chi tiết trên cơ sở cụ thể hóa chủ trương, định hướng của Đảng cũng như chính sách pháp luật hiện hành về phát triển kinh tế xã hội của quốc gia trong giai đoạn tiếp theo.

Đại biểu Lưu Bá Mạc cũng bày tỏ đồng tình với quan điểm là quan điểm tổng thể quốc gia phải mang tính bao trùm tất cả các lĩnh vực, định hướng phát triển kinh tế xã hội của quốc gia trong 30 năm tới. Đồng thời không phải nội dung chi tiết nào cũng cần đưa vào quy hoạch tổng thể quốc gia này.

Đại biểu Quốc hội: Quy hoạch tổng thể quốc gia cần đẩy mạnh phát triển đội ngũ các nhà văn hóa - Ảnh 3.

Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Góp ý về các vấn đề chung của Dự thảo, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sử dụng hoặc tích hợp một cách phù hợp các cụm từ, nội dung định hướng, cũng như các nhiệm vụ, giải pháp trong các Chiến lược quốc gia về phát triển các ngành, lĩnh vực đến năm 2030 đã được Chính phủ ban hành trong thời gian qua vào trong Dự thảo Quy hoạch tổng thể này.

Về phát triển nguồn nhân lực, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm nội dung về "Phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có trình độ và năng lực sáng tạo cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam" một cách phù hợp vào nội dung Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch về phát triển nguồn nhân lực tại khoản 4 Mục XV trang 35.

Theo đại biểu Lưu Bá Mạc, để đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030 và phù hợp với Quan điểm phát triển trong Dự thảo Quy hoạch tại trang 1 có đề cập là "Phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo...", do vậy, nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có trình độ và năng lực sáng tạo cao để có thể là nguồn lực thực hiện trong giai đoạn tới là một trong các yếu tố quan trọng nhất.

Xuân Trường - Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ