• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội tranh luận việc có nên giữ tên Luật Hợp tác xã

Thời sự 10/11/2022 15:09

(Tổ Quốc) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 10/11, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Nên hay không giữ nguyên tên Luật Hợp tác xã?

Tham gia góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, việc xây dưng Luật hợp tác xã sửa đổi là phù hợp, cần thiết nhằm tạo chuyển biến tích cực cho các kinh tế tập thể phát triển năng động, hiệu quả, bền vững; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đại biểu Quốc hội tranh luận việc có nên giữ tên Luật Hợp tác xã - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương)

Về tên gọi của dự thảo Luật, đại biểu cho rằng tên gọi Luật các tổ chức kinh tế hợp tác chưa xác định chính xác và đầy đủ các tổ chức kinh tế hợp tác. Nếu giữ nguyên tên gọi là Luật Hợp tác xã cũng chưa hợp lý, vì có nhiều hình thức, mô hình khác của các tổ chức kinh tế hợp tác. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn tên gọi Luật đảm bảo tính bao quát, chính xác và phù hợp.

Cùng góp ý về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) bày tỏ thống nhất với tên gọi là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác nhằm bao quát đầy đủ các đối tượng áp dụng. Việc đổi tên như Tờ trình của Chính phủ sẽ tạo sự khác biệt rõ ràng giữa tên gọi chung của các loại hình thể, tổ chức này và các tổ chức kinh tế hợp tác; phù hợp với tôn chỉ, mục đích, bản chất của mô hình kinh tế hợp tác, đề cao tinh thần hợp tác giữa các thành viên với nhau.

Trong phạm vi điều chỉnh không chỉ có hợp tác xã mà còn có tổ hợp tác, liên minh hợp tác xã, liên đoàn hợp tác xã. Đây là các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác cho nên việc đổi tên gọi là phù hợp.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) đề nghị giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã (sửa đổi), tên gọi này đã bao trùm mọi chủ thể quy định ở trong Luật. Đây cũng là tên gọi đi vào lịch sử, trở thành một thương hiệu trong nền kinh tế Việt Nam, cần tiếp tục kế thừa phát huy trong thời gian tới.

Đại biểu phân tích thêm, người có công đưa mô hình hợp tác xã về Việt Nam là Bác Hồ. Trong suốt sự nghiệp, Bác vẫn luôn quan tâm, phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp. Hợp tác xã cũng là mô hình vừa thể hiện bản chất nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng.

Đại biểu Quốc hội tranh luận việc có nên giữ tên Luật Hợp tác xã - Ảnh 2.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội)

Góp ý về các nội dung cụ thể của dự thảo luật, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) đề xuất đặt tên gọi của dự thảo luật là Luật các tổ chức kinh tế tập thể để phù hợp và thống nhất chung với tên gọi mà các nghị quyết của Đảng đã đặt tên, đặc biệt là Nghị quyết số của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Các cụm từ trong dự thảo Luật Kinh tế hợp tác nên sửa thành kinh tế tập thể, mặt khác gọi Luật các tổ chức kinh tế tập thể thì phạm vi nhấn mạnh đúng vào các đơn vị cụ thể, gắn với mối liên kết ngang trong mối quan hệ cộng đồng; phạm trù kinh tế hợp tác rộng hơn bao gồm cả sự hợp tác giữa các tác nhân kinh tế.

Rà soát để tránh chồng chéo với các bộ luật hiện hành

Tham gia góp ý sau giờ giải lao, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, dự thảo Luật cơ bản giải quyết những bất cấp trong luật hiện hành, đồng thời đã cụ thể hóa được nhiều chủ trương, chính sách theo Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Đại biểu Quốc hội tranh luận việc có nên giữ tên Luật Hợp tác xã - Ảnh 3.

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa)

Góp ý về quyền của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, đại biểu đề nghị cần phải cân nhắc thêm việc quy định cho tổ chức hợp tác có hoạt động tín dụng nội bộ. Bởi đây là 1 tổ chức hoạt động mang ý nghĩa tương trợ giúp đỡ các thành viên của hợp tác là chính và gần như là hoạt động với mục đích phi lợi nhuận. Hoạt động tín dụng nội bộ hoàn toàn khác với các Quỹ tín dụng nhân dân.

Vấn đề này cần phải tính toán bởi vì không có hành lang cơ sở pháp lý cho hoạt động tín dụng nội bộ. Thực tế tại các địa phương, hoạt động tín dụng nội bộ của các hợp tác xã là rất ít. Do đó, ban soạn thảo nên xem xét có nên quy định cho hoạt động tín dụng nội bộ trong hợp tác xã hay không?

Theo đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang), dự thảo Luật đã bám sát 8 nhóm chính sách theo Nghị quyết của Trung ương Đảng. Tuy nhiên, dự thảo chưa đề cập đến tính đặc thù trong hoạt động nông nghiệp, vì vậy ban soạn thảo cần xem xét bổ sung quy định cho hợp tác xã nông nghiệp, hoặc giao Chính phủ quy định cơ chế đặc thù cho hợp tác xã nông nghiệp.

Đại biểu cũng đề nghị cần rà soát một số nội dung, chính sách cụ thể trong luật, đối chiếu các quy định của dự thảo Luật này với các văn bản pháp luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản… để tránh chồng chéo, mâu thuẫn.

Đại biểu Hà Hồng Hạnh (Đoàn Khánh Hòa) chỉ ra rằng qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để phát triển hợp tác xã còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đại biểu Quốc hội tranh luận việc có nên giữ tên Luật Hợp tác xã - Ảnh 4.

Đại biểu Hà Hồng Hạnh (Đoàn Khánh Hòa)

Do đó, cần bổ sung thêm chính sách ưu tiên các tổ chức kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Bổ sung các chính sách đặc thù cho các tổ chức kinh tế hợp tác thuộc lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tạo điều kiện để khu vực nông nghiệp tiếp tục phát huy vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế và theo đúng quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Về Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ vai trò, chức năng đơn vị quản lý để tránh sự chồng chéo, trùng lắp trong quá trình quản lý nguồn quỹ và hỗ trợ các tổ chức kinh tế hợp tác vay vốn./.


Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ