• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội ủng hộ Luật Du lịch sửa đổi

Thời sự 25/05/2017 10:25

(Tổ Quốc) -“So với các ngành kinh tế khác, du lịch là lĩnh vực đề cao bản chất văn hóa, du lịch nhằm để thu lợi nhuận nhưng đồng thời cũng quảng bá hình ảnh cho đất nước. Vì thế, việc sửa đổi Luật Du lịch thời điểm này là vô cùng cần thiết”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ.

Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi đã tiếp cận với khoa học

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng : Tôi luôn ủng hộ Luật Du lịch sửa đổi

Thời gian qua, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, các cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Du lịch sửa đổi đã kết cấu lại khoa học, chặt chẽ hơn, gồm 9 chương, 85 điều, bổ sung một số nội dung về sản phẩm du lịch, đô thị du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch vào các điều, khoản liên quan.

Ngày 29/5, dự thảo Luật này sẽ được trình ra Quốc hội. Việc thông qua dự luật này được coi là một động thái quan trọng, một bước ngoặt cho ngành du lịch bởi đầu năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08 về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho biết, ông luôn ủng hộ dự thảo Luật Du lịch sửa đổi bởi Việt Nam là một đất nước có nhiều tiềm năng về du lịch. Đây là một đóng góp lớn vào phát triển kinh tế của đất nước.

Vừa thu lợi nhuận, nhưng so với các ngành kinh tế khác, du lịch còn là lĩnh vực đề cao bản chất văn hóa, quảng bá hình ảnh của đất nước. Vì thế, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, Luật Du lịch sửa đổi sẽ xác lâp được các hệ thống, tiêu chuẩn căn bản nhất, văn minh tiên tiến nhất để chúng ta phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và kỳ vọng của nhân dân.

“Việc ra đời Luật du lịch sửa đổi được tất cả các đại biểu Quốc hộ ủng hộ. Bản thân tôi cũng rất ủng hộ đạo luật này. Tôi đặc biệt kỳ vọng Luật Du lịch sửa đổi sẽ xác lập được các hệ thống, tiêu chuẩn căn bản nhất, văn minh tiên tiến nhất để chúng ta phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và kỳ vọng của nhân dân. Tôi chắc chắn sẽ bỏ phiếu thông qua đạo luật này”, ông nói.

Đại biểu này cũng cho biết, vì ông là ĐBQH chuyên trách nên có cơ hội tiếp cận nhiều với dự thảo Luật Du lịch sửa đổi qua những lần họp đại biểu chuyên trách, họp Thường vụ Quốc hội.  Dự thảo Luật có nhiều điểm mới, nhưng điểm mới ông quan tâm nhất là quan điểm thay đổi tư duy của việc xếp hạng, hướng dẫn viên, đặc biệt là quy hoạch lại hệ thống du lịch Việt Nam, đô thị du lịch…

“Đặc biệt, dự thảo Luật Du lịch sửa đổi đã tiếp cận được với khoa học, tiếp thu kinh nghiệm từ hoạt động du lịch của các nước phát triển về lĩnh vực này, trong đó đề cao giá trị nhân văn. Đây sẽ là cơ sở để chúng ta giải quyết các vấn đề trong hoạt động du lịch trong thời gian tới.

Tôi cho rằng, dự thảo Luật Du lịch sửa đổi không chỉ là nỗ lực của cơ quan soạn thảo mà còn là sự tập trung trí tuệ của nhiều ngành. Và tôi đánh giá cao vai trò của Chính Phủ trong chuẩn bị dự án Luật này”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm về dự thảo Luật này, ĐBQH Trần Anh Tuấn (đoàn TP HCM) cho rằng, sự ra đời của Luật là cấp thiết vì nó ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Theo Đại biểu Trần Anh Tuấn, hiện Chính phủ đã có nhiều cách giải quyết để phát triển ngành du lịch từng vùng, từng địa phương, giải pháp liên kết các hoạt động trong đó liên kết các tổ chức phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch… Các tỉnh, thành phố hiện nay cũng đã và đang chủ động để xây dựng những chương trình phát triển sản phẩm du lịch cho riêng địa phương của mình, xem phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Song, Luật Du lịch sửa đổi sẽ là khung pháp lý để quản lý chung tất cả các hoạt động liên quan đến du lịch, hỗ trợ việc phát triển ngành du lịch tốt hơn.

“Luật Du lịch sửa đổi là một trong những luật vô cùng quan trọng, bởi theo định hướng hiện nay trong phát triển kinh tế thì đóng góp của du lịch là rất lớn, rất quan trọng.

Tôi cũng mong rằng, khi Luật Du lịch sửa đổi đã được thông qua rồi thì sẽ đảm bảo tính hiệu lực về mặt pháp lý, đảm bảo tính khả thi về mặt thực tế và đảm bảo thời gian “sống” của Luật thật lâu dài, từ đó mới đảm bảo được sự thống nhất trong hoạt động du lịch”, Đại biểu Trần Anh Tuấn chia sẻ.

Đảm bảo sự liên thông, liên kết trong ngành du lịch

ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết: Việc sửa đổi Luật Du lịch cho phù hợp với bối cảnh thực tiễn là vô cùng cấp bách.

Các ĐBQH khi chia sẻ quan điểm về dự thảo Luật Du lịch sửa đổi đều nhấn mạnh rằng, du lịch là ngành mang tính tổng hợp nên để quản lý và phát triển du lịch thì phải đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán.

Ví như, trước yêu cầu phát triển và xu thế hội nhập quốc tế, cần sớm có giải pháp để tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành du lịch, mà trước hết phải phát huy được mối liên kết giữa mục tiêu và yếu tố thực chất trong công tác đào tạo…

ĐBQH Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho biết, ông có điều kiện tham khảo sâu về dự thảo Luật Du lịch sửa đổi hơn so với các luật khác. Và theo ông, điều quan trọng trong Luật này là phải đáp ứng được sự liên thông, liên kết trong ngành du lịch.

“Các quốc gia khác khi phát triển du lịch họ đều điều hòa lợi ích: hàng không, thương mại, thực phẩm… Những lĩnh vực này có sự liên thông với nhau, điều phối nhằm mang lại mức giá rẻ nhất cho khách du lịch.

Hiện tại chúng ta đều nhận thấy sự tăng trưởng rất mạnh mẽ của ngành du lịch. Và tôi nghĩ rằng Luật Du lịch sửa đổi được thông qua sẽ có sự thay đổi lớn về phát triển ngành du lịch trong tương lai nếu có sự  liên kết giữa các lĩnh vực”, Đại biểu Dương Trung Quốc chia sẻ.

Cùng chung quan điểm trên, ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TPHCM) cho rằng, việc sửa đổi Luật Du lịch tại thời điểm này là hết sức cần thiết bởi Luật Du lịch đã được Quốc hội thông qua từ năm 2005 và có hiệu lực từ năm 2006.

Trong bối cảnh du lịch đang rất nhiều thay đổi, nếu không sửa Luật kịp thời sẽ gây cản trở cho phát triển du lịch trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang ngày một tăng mạnh.

Với vai trò là Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, bà Văn Thị Bạch Tuyết nhận định, Việt Nam có tiềm năng du lịch lớn nhưng trong thời gian qua các chính sách về du lịch chưa thực sự tạo động lực để các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng du lịch hay vào các dịch vụ, sản phẩm du lịch. Vì thế, việc sửa đổi Luật Du lịch cho phù hợp với bối cảnh thực tiễn là vô cùng cấp bách.

“Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nhưng thời gian vừa qua, sự phối hợp giữa các ngành cũng chưa thật tốt. Luật Du lịch sửa đổi sẽ có phân công rõ ràng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, của từng ngành…. Từ đó cùng nhau phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tôi cho rằng, du lịch phải có sự tập trung vai trò của các ngành thì mới phát triển mạnh mẽ và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn chứ không thể chỉ giao cho mỗi ngành văn hóa, thể thao du lịch như hiện nay.

Tôi cũng mong muốn Luật sẽ điều chỉnh những vấn đề, quy định mà không còn phù hợp hiện nay để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo ra động lực mới để phát triển ngành du lịch trong thời gian tới”, ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết chia sẻ quan điểm./.

Hà Giang,  Ảnh: Nam Nguyễn

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ