• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội: Vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng diễn biến khá phức tạp

Thời sự 21/11/2023 14:19

(Tổ Quốc) - Tiếp theo chương trình của phiên làm việc buổi sáng 21/11, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng, chống tham nhũng, báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng diễn biến khá phức tạp

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đều cơ bản nhất trí với các báo cáo của Chính phủ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng chỉ ra một số vấn đề cần quan tâm, nhất là xuất hiện nhiều loại tội phạm khiến cử tri và nhân dân lo ngại.

Đại biểu Quốc hội: Vụ tiếp viên hàng không vận chuyển 11 kg ma túy là một hiện tượng rất bất thường - Ảnh 1.

Đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa nêu ý kiến tại phiên thảo luận

Đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, qua các báo cho thấy, bức tranh chung về tình hình an ninh trật tự xã hội trong năm qua cũng còn nhiều vấn đề đáng lo ngại gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.

Đại biểu Lê Hữu Trí chỉ rõ các loại tội phạm nguy hiểm tăng mạnh như tội phạm giết người, cướp tài sản, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự gây rối trật tự công cộng, tội phạm ma túy ngày càng tăng cao và nguy hiểm hơn.

Đã xuất hiện một số loại ma túy núp bóng thuốc lá điện tử, đồ uống thực phẩm gây tác hại nhiều mặt đến người sử dụng, nhất là thanh thiếu niên và đe dọa đến an ninh trường học, vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng diễn biến khá phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Tội phạm mua bán người lừa đảo đưa người Việt Nam ra nước ngoài cưỡng bức lao động cưỡng ép tham gia các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng diễn ra phức tạp. Tội phạm xâm hại trẻ em diễn ra ngày càng tăng.

Đại biểu Lê Hữu Trí ghi nhận, trong bối cảnh đó, Chính phủ, các cấp, các ngành, các cơ quan pháp luật đã triển khai nhiều giải pháp vừa bảo đảm phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, vừa chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, tổ chức tấn công trấn áp tội phạm.

Bên cạnh ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng, các cơ quan tư pháp trong công tác đấu tranh trấn áp, xử lý các loại tội phạm góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đại biểu Lê Hữu Trí cho biết vẫn còn những băn khoăn, lo lắng trước những hạn chế, sai sót, vi phạm trong hoạt động tố tụng của các cơ quan thực thi pháp luật như: Qua kiểm sát, Viện kiểm sát hủy bỏ 155 quyết định không có căn cứ của cơ quan điều tra nhằm hạn chế oan sai, hủy 510 quyết định tạm giữ; không phê chuẩn 511 quyết định bắt tạm giữ, tạm giam; Vẫn còn một số trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt…

Từ đó, đại biểu đề nghị những hạn chế, sai sót, vi phạm về nghiệp vụ cần sớm được khắc phục nhằm tránh các trường hợp bị khởi tố oan sai danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân hoặc bỏ sót tội phạm.

Về công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, đại biểu Lê Hữu Trí cũng chỉ rõ một số tồn tại hạn chế như số bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực, chưa thi hành xong vẫn còn nhiều; chưa có trường hợp nào cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước bị xử lý trách nhiệm do chậm thi hành án.

Do đó, đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị cần phải khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật còn vướng mắc, bất cập; có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa xem xét trách nhiệm các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xử lý các trường hợp không chấp hành án hành chính và cả trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan.

Xuất hiện các loại tội phạm mới 

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, công tác phòng, chống tội phạm trên các lĩnh vực thời gian qua mặc dù đạt được nhiều kết quả rất khích lệ, góp phần làm giảm thiểu tội phạm, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân.

Đại biểu Quốc hội: Vụ tiếp viên hàng không vận chuyển 11 kg ma túy là một hiện tượng rất bất thường - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu ý kiến thảo luận

Tuy nhiên, có loại hình tội phạm giảm không nhiều, có loại hình tăng; tai nạn giao thông mặc dù có giảm, vụ cháy nổ lại tăng mạnh nhưng mỗi khi có sự những sự cố xảy ra, số người chết và bị thương lại mang tính tập thể.

Thậm chí, có loại tội phạm phát sinh mới như bắt cóc trẻ em ở nhà trẻ đòi tiền chuộc gây tâm lý lo sợ cho phụ huynh có con em gửi nhà trẻ; tội phạm hoạt động đăng kiểm, đào tạo, sát hạch lái xe; vụ tiếp viên hàng không vận chuyển 11 kg ma túy được giấu trong tuýp kem đánh răng, đây là một hiện tượng rất bất thường. Đại biểu cho rằng, đây là thể hiện sự hạn chế nhất định trong công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực.

Từ những thực tế trên, đại biểu kiến nghị Chính phủ và các ngành chức năng có đánh giá thật kỹ lưỡng, khách quan, cầu thị về những thực trạng trên, nhất là trong năm nay các vụ việc có số người vi phạm tăng, trong khi các vụ giảm không đáng kể. Đồng thời tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục hữu hiệu, nhất là các vụ án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng liên quan đến cuộc sống, sinh hoạt, tâm lý, tình cảm, cuộc sống bình yên của người dân, giảm thiểu tối đa các vụ án tăng bất thường.

Cho ý kiến thảo luận, đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho rằng, bức tranh chung về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2023 tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại tài sản, trong đó, một số loại tội phạm tăng mạnh như giết người, cướp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi… Các loại tội phạm này không chỉ gây bất an trong nhân dân, mà còn thể hiện những hạn chế nhất định trong công tác phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, đại biểu cho biết, sau đại dịch Covid-19, đời sống còn nhiều khó khăn khiến thu nhập của một số bộ phận nhân dân giảm sút. Tuy nhiên, còn một số nguyên nhân khác như: đánh giá dự báo tình hình chưa tốt, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức, thực hiện hiệu quả còn thấp. Đặc biệt, khâu cảnh báo phương thức, thủ đoạn phạm tội cho người dân còn hạn chế.

Vì vậy, vị đại biểu đoàn Lai Châu đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ nguyên nhân làm gia tăng tội phạm để từ đó có phương pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần có biện pháp hiệu quả để phòng ngừa tình trạng lừa đảo, giả mạo cơ quan chức năng, các tổ chức tín dụng, các cơ quan nhà nước để chiếm đoạt tiền của người dân, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Tình hình sử dụng mạng xã hội và các phương tiện công nghệ để thực hiện lừa đảo cũng đang ngày một gia tăng.

Đại biểu Quốc Khánh đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo tình hình, đổi mới phương thức cảnh báo hành vi, thủ đoạn các loại tội phạm để người dân biết và chủ động hơn trong việc đấu tranh với tội phạm./.

Thế Công - Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ