• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Phân bổ vốn phải hợp lý và hiệu quả

Kinh tế 01/11/2016 08:39

(Tổ Quốc) -Sáng nay (1/11), Quốc hội thảo luận về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 22016-2020. Đại biểu Trần Hoàng Ngân đã trao đổi với báo giới về vấn đề này.

+ Ông có thể chia sẻ quan điểm qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Quốc hội về tình hình nợ công?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ quan điểm bên hành lang Quốc hội (Ảnh: Hà Giang)

Ông Trần Hoàng Ngân: Tình hình nợ công của chúng ta hiện nay đang ở mức rất cao, cần phải có sự kiểm soát hết sức chặt chẽ, mạnh tay, trên cơ sở thực thi Luật Ngân sách; siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong thu chi ngân sách.

Nợ công đã sát trần, ở mức cao so với các nước đang phát triển trong khu vực và cũng cao so với thu nhập bình quân đầu người. Đặc biệt hơn, để bù đắp cho bội chi ngân sách, trả nợ, bình quân mỗi năm phải huy động vốn trên 400.000 tỷ đồng.

Điều này sẽ gây áp lực đến cầu tiền tệ hàng năm, nên Chính phủ lại phải cạnh tranh với doanh nghiệp – người nộp thuế cho mình, trong việc huy động vốn. Vì thế, việc phân bổ vốn đầu tư, tái cơ cấu nền kinh tế phải đưa vào một nội dung tái cơ cấu trong thu chi ngân sách, tái cơ cấu trong tư duy phân bổ ngân sách để có thể sử dụng vốn một cách hiệu quả.

Tôi cho rằng, cần phân bổ ngân sách theo trình tự ưu tiên cho những dự án cấp bách trong các lĩnh vực an ninh – quốc phòng, y tế - giáo dục, cơ sở hạ tầng, đồng thời có chú ý đến hiệu quả kinh tế. Và thay vì phân bổ, chuyển vốn về địa phương thì nên thực hiện phương án cho vay và vay vốn để trả nợ, như vậy nó gắn với trách nhiệm của từng địa phương.

Qua báo cáo, tôi thấy Chính phủ cũng thể hiện thông điệp rất rõ, kiềm chế bội chi theo Luật Ngân sách mới là 3,5%/năm, và nếu chúng ta thực hiện tái cơ cấu thành công, chúng ta vừa có được GDP tăng, bội chi kiểm soát được thì lúc đó tỷ lệ bội chi sẽ giảm.

+ Ngoài báo cáo của Chính phủ về nợ công và kế hoạch vay nợ giai đoạn 2016 – 2020, Quốc hội cũng đã được trình kế hoạch phân bổ vốn, kế hoạch đầu tư công. Theo ông, kế hoạch này đã đạt được mục tiêu như đề cập chưa?

Ông Trần Hoàng Ngân: Tôi chưa có thời gian xem xét chi tiết các dự án đầu tư, vì Quốc hội chỉ cho ý kiến chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án có vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng. Dưới mức 10.000 tỷ đồng là do Hội đồng nhân dân các địa phương quyết định.

Dù vậy, đề án tái cơ cấu nợ công phải gắn với đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Phải có sự phối hợp đồng bộ, thì lúc đó mới đạt được mục tiêu vừa hỗ trợ tăng trưởng, vừa kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô, vừa kiểm soát an toàn nợ công.

+ Trong báo cáo của Chính phủ cũng như thẩm tra của Quốc hội đều đề cập đến vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản của địa phương rất lớn. Vậy làm sao để lan tỏa được thông điệp đến các địa phương về tình trạng nợ công hiện nay để họ không nghĩ đây chỉ là vấn đề của Trung ương?

Ông Trần Hoàng Ngân: Điều mà tôi muốn nói là Chính phủ phải phát đi một thông điệp rằng tình hình nợ công hiện nay rất cao, đến ngưỡng rồi, nên đòi hỏi sự chia sẻ của 63 tỉnh, thành, không ỷ lại. Tình hình căng quá rồi.

Nếu cứ nói các chỉ số đều an toàn, thì tâm lý chi vẫn thoải mái. Địa phương nào cũng cho rằng dự án của mình là cần thiết.

Nhưng vấn đề là trong bối cảnh hiện nay chúng ta phải xác định thứ tự ưu tiên. Lúc này thì phải dành cho dự án cấp bách, chứ không phải dự án cần thiết và chú ý đến những địa phương có khả năng tạo được nguồn thu lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Đồng Nai.

Với 7 địa phương có nguồn thu lớn đó, chúng ta phải liên tục quan tâm và tạo cho nó một cơ chế, để tạo được một động lực tạo nguồn thu. Nếu thu không đạt, mà chi luôn đạt thì nó sẽ vượt ngưỡng.

Tôi thấy Chính phủ cũng đã thể hiện quyết tâm là giữ trần nợ công, nhưng quyết tâm đó chưa đủ mà phải có sự đồng thuận ở 63 tỉnh, thành.

Trong báo cáo, Chính phủ cũng đã nói rõ nợ công hiện nay là sát ngưỡng, là mức 64,98%, chỉ còn 0,02% là chạm trần. Như vậy, chúng ta phải đi 2 con đường: phải thúc đẩy GDP, tức là làm mẫu số phải tăng, mà tử số là bội chi phải kéo lại để kéo giảm tỷ lệ bội chi.

Lần này, Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng cảnh báo là số phải trả hàng năm của Chính phủ trên tổng số thu đã ở mức 25% - tức là mức các quốc gia cần cảnh báo.

Và số vốn phải huy động hàng năm cao: trong giai đoạn 2011 – 2015 trái phiếu phát hành hàng năm chỉ khoảng 185.000 tỷ đồng, nhưng giai đoạn 2016 – 2020 trái phiếu phát hành 230.000 tỷ đồng. Như vậy áp lực cạnh tranh vốn với doanh nghiệp làm giảm dư địa cho phát triển, cũng như khó cho việc giảm lãi suất.

+ Quốc hội kỳ này sẽ quyết định rất nhiều vấn đề quan trọng như phân bổ vốn trung hạn, nợ công trung hạn, đầu tư công trung hạn. Với tư cách một người sẽ nhấn nút thông qua các kế hoạch này, ông mong muốn điều gì ?

Ông Trần Hoàng Ngân: Quốc hội sẽ có một ngày thảo luận về vấn đề này, để cùng nhau mổ xẻ những vấn đề, những áp lực với nợ công của chúng ta hiện nay.

Cùng với đó, trong việc phân bổ vốn đầu tư cũng sẽ phải làm rõ các tiêu chí. Phải cho các đại biểu thấy rằng việc phân bổ đó là hợp lý và hiệu quả.

Khi nào tôi cảm nhận sự hợp lý và tính hiệu quả thực sự có trong việc phân bổ đó, thì tôi sẵn sàng thông qua.

+ Xin cảm ơn ông!

Hà Giang (ghi)

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ