(Tổ Quốc) - Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, hiện nay, cán bộ, công chức, viên chức lương thấp nhưng lại chịu nhiều ràng buộc, nhiều áp lực như "vòng kim cô" trong công việc.
Tại Kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 20,8% lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, việc đề xuất tăng chi lương hưu, trợ cấp BHXH cũng được đưa ra để áp dụng cho đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả khoảng 12,5%; hỗ trợ thêm với người nghỉ hưu trước năm 1995; tăng trợ cấp ưu đãi cho người có công và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở
Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đại biểu đoàn TP.HCM) đã có những chia sẻ với báo chí về nội dung này.
- Chính phủ đang đề xuất phương án tăng mức lương cơ sở cho công chức, viên chức lên 1,8 triệu đồng/tháng. Đề xuất này có ý nghĩa ra sao với đội ngũ công chức, viên chức hiện nay, thưa đại biểu?
+ Chính sách tiền lương cho cán bộ công chức viên chức hiện nay chưa tương xứng, mức thu nhập còn quá thấp. Trong số hàng triệu cán bộ công chức, có thể một bộ phận nào đó tiền lương với họ không có ý nghĩa quá lớn. Nhưng số lượng này không nhiều, đa số cán bộ công chức vẫn đang sống nhờ vào tiền thu nhập chính thức và có nguyện vọng tập trung vào công vụ, sống được bằng thu nhập chính thức.
Thời gian qua, dù Nhà nước đã tìm cách tăng thêm thu nhập, nhưng mức lương của công chức, viên chức vẫn thấp hơn mức sống trung bình. Điều này khiến cuộc sống của nhiều công chức, viên chức rất khó khăn, nhất là tại những đô thị lớn.
Hiện nay, cán bộ, công chức, viên chức lương thấp nhưng lại chịu nhiều ràng buộc, nhiều áp lực như "vòng kim cô". Nếu để xảy ra sai phạm, sai sót dù không cố ý, không tham nhũng, nhưng vì trách nhiệm vẫn phải xử lý. Trước những áp lực này, không ít công chức, viên chức đã xin nghỉ việc.
- Hiện có tình trạng không ít công chức, viên chức phải làm việc "chân trong, chân ngoài", thậm chí "chân ngoài dài hơn chân trong", đại biểu đánh giá ra sao về việc này?
+ Chuyện cán bộ công chức, viên chức chân trong chân ngoài có từ lâu, nhưng với những người có trách nhiệm và năng lực thì "chân ngoài sẽ không dài hơn chân trong". Song nếu tình trạng thu nhập thấp kéo dài, nhiều người sẽ dẫn tới việc "chân trong dài hơn chân ngoài", thời gian chủ yếu lo việc kinh tế, thu nhập bên ngoài. Và chính điều này sẽ ảnh hưởng không tốt tới trách nhiệm công vụ của công chức, viên chức.
Giải pháp khắc phục hiện nay là tăng lương cơ sở. Tuy nhiên, mức thu nhập của những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hiện nay không giống nhau.
Một bộ phận công chức, viên chức có thâm niên ít, nên lương hưu rất thấp, hay những công chức, viên chức trẻ mức lương hàng tháng cũng không đủ sống.
Trong khi đó, một bộ phận khác dù đã về hưu nhưng mức lương vẫn rất cao. Do đó, việc tăng mức lương cơ sở cần tính toán và áp dụng đúng đối tượng để phù hợp với tình hình thực tiễn.
- Tăng lương cơ sở sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp nâng cao đời sống cán bộ công chức, viên chức, đồng thời hạn chế những vấn đề bất cập trong đội ngũ này, thưa ông?
+ Mục đích của tăng lương cơ sở là tăng thu nhập cho cán bộ công chức để họ có thể sống được bằng lương và chăm lo cho gia đình bằng tiền lương thu nhập chính thức từ cơ quan tổ chức.
Hiện nay, mức sống xã hội tăng cao, song tiền lương lại không theo kịp, nên nhiều cán bộ công chức, viên chức mới vào hệ thống công vài năm, thậm chí 5-7 năm, thì tiền lương vẫn thấp hơn nhiều so với mức sống tối thiểu. Việc tăng lương cơ sở là một trong những việc cần làm ngay, làm tức thời, nhưng chưa đủ.
Để đạt được mục đích công chức viên chức có thể sống được từ thu nhập chính thức, toàn tâm toàn ý lo cho công vụ, không cần làm thêm, kiếm thêm chỗ này chỗ kia như ở nhiều quốc gia khác, thì tăng lương cơ bản là một cách, nhưng vẫn chưa đủ.
Hơn hết, cả hệ thống chính trị, Chính phủ phải tính toán thêm. Nếu tình trạng công chức viên chức không sống được bằng thu nhập chính thức kéo dài sẽ có nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng.
- TP.HCM đang áp dụng những cơ chế đặc thù về tiền lương cho công chức, viên chức, song đây cũng là địa phương có tỷ lệ dịch chuyển nhân sự từ khu vực công sang khu vực tư khá cao, đại biểu có đánh giá gì về vấn đề này?
+ Thực tế chi phí cuộc sống ở các thành phố lớn rất cao, nhưng điều kiện để có thêm thu nhập bổ sung ở thành phố lại không bằng ở các vùng miền khác và khối lượng công việc rất nhiều. Đơn giản có thể thấy cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh, nếu ở quê có vườn đất để chăn nuôi bổ sung, nhưng ở thành phố lớn lại không có những điều kiện này.
Trong khi đó, giá cả sinh hoạt lại rất cao, từ dịch vụ cắt tóc gội đầu đến chi phí đi lại, điện nước.
Thời gian qua, TP.HCM có xin cơ chế đặc thù, có sự linh hoạt để có thể chủ động trong tăng thu nhập cho một bộ phận cán bộ công chức, thu hút nhân tài và giữ cán bộ ở lại bộ máy. Việc này đã có những thành tựu nhất định, song những cơ chế đặc thù chưa đủ thu hút nhân tài.
Như vậy, TP.HCM cần có cơ chế đặc thù để tăng thu nhập cho cán bộ công chức, viên chức, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu – không cao của họ.
Chừng nào chúng ta chưa giải quyết, chưa đạt được mục đích cán bộ công chức viên chức đủ sống với mức sống trung bình của xã hội thì chừng đó tình trạng công chức viên chức bỏ việc ra khu vực tư vẫn xảy ra. Nếu việc dịch chuyển nguồn nhân lực giữa khu vực công và tư xuất phát từ nguyên nhân thu nhập, thì nhà nước cần đặc biệt lưu tâm.
- Xin cảm ơn đại biểu!