• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại diện UNESCO tại Việt Nam: Cần mở rộng di sản để người dân được lợi

28/12/2008 12:06

Việc tái đề cử Huế trở thành di sản văn hóa thế giới là đề nghị mà các chuyên gia UNESCO vừa nhắc lại với VN. Ðó là việc cần thiết phải nới rộng phạm vi các khu vực cần được bảo vệ bao trùm toàn bộ cảnh quan văn hóa dọc sông Hương.

Việc tái đề cử Huế trở thành di sản văn hóa thế giới là đề nghị mà các chuyên gia UNESCO vừa nhắc lại với VN. Ðó là việc cần thiết phải nới rộng phạm vi các khu vực cần được bảo vệ bao trùm toàn bộ cảnh quan văn hóa dọc sông Hương.





Bà Vibeke Jensen - trưởng đại diện UNESCO tại VN đã có cuộc trò chuyện với PV  về sự cấp thiết của việc mở rộng cảnh quan này.

* Thưa bà, nguyên nhân nào khiến các chuyên gia đề nghị cảnh quan dọc hai bờ sông Hương cũng cần thiết được đưa vào hồ sơ tái đề cử Huế trở thành di sản văn hóa thế giới?

- Những cách tiếp cận với bảo tồn di sản đã thay đổi rất nhiều trong những thập kỷ qua và UNESCO đang ngày càng hướng tới những cách tiếp cận mang tính hợp nhất. Theo đó, chúng tôi xem xét toàn bộ giá trị di sản hữu hình và vô hình của nơi đó, bao gồm cả một vùng rộng lớn hơn và những mối liên kết quan trọng cho thấy rõ giá trị của di sản.

Ðối với Huế, khu thành cổ là một điểm đặc trưng nằm trong danh sách di sản thế giới, tuy nhiên cũng cần phải hiểu được tầm quan trọng của lịch sử. "Câu chuyện" của thành cổ có mối liên hệ mật thiết với khu lăng mộ của các hoàng đế và toàn bộ vùng văn hóa dọc bờ sông Hương. Tất cả những điểm đó có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và sẽ không thể hiểu rõ một điểm nếu không liên hệ với các điểm khác.

Ðó là lý do tại sao chúng tôi đề nghị thừa nhận cách tiếp cận toàn diện và hợp nhất hơn trong công tác bảo tồn di sản Huế.

Bà có thể giải thích rõ thế nào là cảnh quan văn hóa của sông Hương?

- "Cảnh quan văn hóa" có nghĩa là sự kết hợp giữa dấu ấn thiên nhiên và loài người, là vật chứng cho sự tương tác giữa con người và thiên nhiên xung quanh. Ngày nay, có 55 cảnh quan được xếp hạng cảnh quan văn hóa thế giới và các cảnh quan này đại diện cho những kiểu dạng khác nhau của cùng một khái niệm.

Có những nơi phản ánh kỹ thuật sử dụng đất đai, nơi con người đã tác động đến thiên nhiên xung quanh họ, chẳng hạn như việc lập trang trại và trồng trọt (ruộng bậc thang trên những dãy núi ở Philippines là một ví dụ). Những kiểu cảnh quan khác có thể là các vùng đất liên quan đến tín ngưỡng hoặc/và truyền thống văn hóa nghệ thuật. Những nơi này cho thấy mối quan hệ về tâm linh giữa con người và tự nhiên (chẳng hạn như những ngọn núi thiêng).

Những cảnh quan văn hóa, cho dù là ruộng bậc thang trên những ngọn núi cao sừng sững, vườn tược hay những chốn linh thiêng, đều là vật chứng của sự sáng tạo thiên tài, sự phát triển xã hội và sức sống tinh thần và trí tưởng tượng của con người. Bởi vậy đối với dòng sông Hương, chúng tôi muốn xác định sự liên hệ giữa dòng sông và những nơi tưởng niệm được đặt dọc theo bờ sông với những nguyên tắc về địa lý quyết định vị trí của những nơi tưởng niệm đó.

* Vậy quy mô của cảnh quan được mở rộng nằm từ đâu tới đâu, thưa bà?

- Các chuyên gia đề nghị xem xét những khu lăng mộ quan trọng dọc theo con sông và tăng cường liên kết chúng với khu thành cổ. Tuy nhiên việc này cần có một nghiên cứu chi tiết để đánh giá và lên kế hoạch trước khi quyết định đâu sẽ là ranh giới mới của khu vực di sản. Việc mở rộng di sản, đầu tiên là phải dựa trên sự đánh giá chi tiết giá trị di sản của khu vực rộng lớn hơn.

Thêm vào đó, khu vực này cần được xem xét dưới góc độ quản lý. Các nhà chức trách cần tạo điều kiện cho việc bảo vệ khu vực đã được mở rộng. Việc này đòi hỏi sự phát triển ở mức cao và do đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

* Cần phải làm những gì để việc tái đề cử Huế thành công, thưa bà?

- Các bên có trách nhiệm cần xác định một cách thận trọng khi lập hồ sơ di sản Huế: đâu là những tài sản quan trọng của di sản và làm thế nào để bảo vệ chúng? Việc này cần gắn kết với kế hoạch tổng thể của thành phố để những mặt của di sản có thể hợp nhất với mục tiêu phát triển rộng lớn hơn.

* Khi nào là thời điểm tái đề cử, thưa bà?

- UNESCO đã đề nghị hơn một lần và chúng tôi có mặt tại đây là để hỗ trợ Chính phủ VN nỗ lực bảo vệ di sản của đất nước. Những việc còn lại là do Chính phủ quyết định làm gì tiếp theo và khi nào.

Theo TT

NỔI BẬT TRANG CHỦ