• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại gia nào thâu tóm toàn bộ dự án hóa dầu trị giá 5,4 tỷ USD?

Kinh tế 30/05/2018 10:52

(Tổ Quốc) - Thực tế, SCG là cái tên đứng sau hàng loạt các vụ thâu tóm lớn tại Việt Nam. Tập đoàn này đã thực hiện rất nhiều thương vụ thâu tóm trong lĩnh vực xi măng, vật liệu xây dựng, giấy, nhựa, hóa chất…

Công ty Siam Cement thuộc Tập đoàn SCG của Thái Lan mới đây đã thông báo hoàn tất ký hợp đồng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để mua lại 29% cổ phần còn lại tại Nhà máy Hóa dầu Long Sơn với giá trị 2.052 tỷ đồng.

Trước đó, tập đoàn của Thái Lan đã sở hữu 71% vốn tại dự án hóa dầu này và đợt ký kết mới đây chính thức đánh dấu việc thâu tóm hoàn toàn 100% dự án.

Ảnh minh họa.

SCG đã đề nghị được mua lại 29% cổ phần từ tay PVN vào đầu tháng 1, nhưng đến nay tập đoàn Thái Lan mới hoàn thành mục đích.

Dự án Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn được cấp phép đầu tư từ năm 2008. Đến nay, sau nhiều lần điều chỉnh, dự án đã được nâng tổng mức đầu tư ban đầu từ 3,7 tỷ USD lên 5,4 tỷ USD. Đây là công trình trọng điểm Nhà nước về dầu khí do Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) làm chủ đầu tư. LSP là liên doanh giữa PetroVietnam - PVN (góp 29% vốn) và Tập đoàn SCG của Thái Lan (góp 71% vốn).

Dự án có tổng diện tích 464ha, nằm trong KCN Dầu khí Long Sơn (TP. Vũng Tàu); trong đó, 398ha xây dựng nhà máy (gồm 10 nhà máy, công suất chế biến 2,7 triệu tấn nguyên liệu/năm), 66ha đất xây dựng các công trình phụ trợ khác như cảng, cầu tàu, các kho chứa hàng, nhà máy điện…

Theo thiết kế, dự án Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn có khả năng sản xuất 1,6 triệu tấn Olefin/năm với công nghệ nghiền linh hoạt từ các nguyên liệu như ê-than, proban, napta… Ngoài ra, với công nghệ nghiền tích hợp, nhà máy còn có thể sản xuất thêm các sản phẩm đa dạng như polyethylene (PE), polypropylene (PP) và vinyl chloride monomer (VCM).

SCG bắt đầu mở rộng hoạt động sang Việt Nam như một quốc gia chiến lược từ năm 1992. Mặc dù mới thâm nhập vào thị trường Việt 23 năm, tập đoàn này cũng đã có trong tay hơn 20 thương vụ mua bán, sáp nhập, trong đó, có những vụ mua bán với giá trị lên tới cả vài trăm triệu USD. Một trong những thương vụ lớn nhất phải kế đến vụ thâu tóm Prime Group. Sau đó, SCG lần lượt tiến hành mua cổ phần của CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) và Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP)…

SCG còn nắm cổ phần tại 18 doanh nghiệp khác ở Việt Nam như Công ty TNHH Liên doanh Việt – Thái Plastchem, Công ty TNHH Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Công ty TNHH Chemtech, CTCP TNHH Vật liệu nhựa Minh Thái, Công ty TNHH Giấy Kraft Vina, Công ty TNHH Công nghiệp Tân Á, Công ty TNHH Bao bì AP (Hà Nội), Công ty TNHH Bao bì Alcamax (Việt Nam), Công ty TNHH Sản xuất Bao bì Packamex (Việt Nam),...

Hà Giang (T/h)

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ