(Tổ Quốc) - Dưới áp lực chốt lời, cổ phiếu FPT chấp nhận mất 3,64% xuống mức giá 58.300 đồng. Mã này hiện đang trên vùng đỉnh và gần đây đã tăng giá “phi mã” tới 71% so với đầu năm. Có vẻ như thời hoàng kim đã trở lại với đại gia Trương Gia Bình?
Thị trường tiếp tục diễn biến giằng co trong phiên chiều 14/11, tuy nhiên, đóng cửa phiên này, chỉ số VN-Index vẫn giảm điểm do áp lực bán đẩy mạnh vào cuối phiên. Cụ thể, VN-Index ghi nhận giảm nhẹ 0,47 điểm tương ứng 0,05% còn 1.012,3 điểm.
Tương tự, HNX-Index cũng mất 0,96 điểm tương ứng 0,89% còn 106,24 điểm và UPCoM-Index mất 0,11 điểm tương ứng 0,19% còn 56,71 điểm.
Điểm tích cực là dòng vốn giải ngân đổ vào thị trường vẫn rất mạnh mẽ và nhờ đó đã nâng đỡ đáng kể với các chỉ số chính.
Thanh khoản trên HSX đạt 209,4 triệu cổ phiếu tương ứng 4.503,14 tỷ đồng; trên HNX là 21,54 triệu cổ phiếu tương ứng 293,28 tỷ đồng và các con số này trên UPCoM là 8,68 triệu cổ phiếu tương ứng 145,04 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ, bên cạnh tâm lý chốt lời thì nhiều nhà đầu tư cũng rất quyết liệt trong hoạt động mua vào.
Dù vậy, thị trường vẫn có 859 mã cổ phiếu không diễn ra giao dịch. ROS tiếp tục là tâm điểm giao dịch với khối lượng chuyển nhượng cực "khủng", lên tới 31,16 triệu cổ phiếu. Phiên giao dịch chiều cũng đã giúp mã này "đổi màu", ghi nhận tăng giá.
Bên cạnh đó, một số mã cổ phiếu cũng được giao dịch mạnh là DLG với gần 12 triệu cổ phiếu được "sang tên", MBB với 7,3 triệu cổ phiếu và FLC với 6,5 triệu cổ phiếu được giao dịch.
Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã giảm giá. Theo thống kê, toàn thị trường có 336 mã giảm, 29 mã giảm sàn so với 274 mã tăng và 45 mã tăng trần.
Mặc dù nhận được hỗ trợ đáng kể từ hàng loạt ông lớn như GAS, VCB, NVL, MSN, VIC, VRE, VNM (trong đó chỉ riêng GAS đã đóng góp 0,84 điểm cho VN-Index), song VN-Index vẫn bị khuất phục do áp lực giảm từ phần lớn các mã trên sàn mất điểm và đáng chú ý là sự đảo chiều của cổ phiếu ngành ngân hàng.
Nếu như những phiên trước, cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò "dẫn dắt" thì hôm qua, nhóm này đã gây áp lực không nhỏ lên VN-Index. BID, VPB, CTG, MBB, HDB đồng loạt giảm. Bên cạnh đó, VHM, FPT, MWG cũng sụt giá và khiến VN-Index bị thiệt hại đáng kể.
Hôm qua, cổ phiếu FPT điều chỉnh khá mạnh. Đây có thể là hoạt động chốt lời của nhà đầu tư trong bối cảnh mã này đã diễn biến khá tốt trong nhiều phiên trước đó.
Với việc mất 2.200 đồng/cổ phiếu tương ứng 3,64%, cổ phiếu FPT hiện đã lùi về mức giá 58.300 đồng; thanh khoản cũng gấp đôi so với thông thường, đạt hơn 5 triệu cổ phiếu. Trước đó, trong phiên 12/11, FPT đã lập đỉnh giá tại mức 61.000 đồng và ghi nhận tăng tới gần 71% so với mức đáy hồi đầu năm (tăng 25.321 đồng/cổ phiếu).
Bị chốt lời mạnh trong phiên hôm qua, song tại phiên 15/11, mã này khả năng sẽ được đỡ giá đáng kể nhờ thông tin liên quan đến kết quả kinh doanh 10 tháng đầu năm. Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2019, tập đoàn của đại gia Trương Gia Bình đạt 22.007 tỷ đồng doanh thu và 3.994 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt tăng tới 19,8% và 26,5% cùng kỳ, hoàn thành 83% và 90% kế hoạch năm.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán BVSC, thị trường dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh trong phiên cuối tuần. VN-Index có thể lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 1.000 -1.008 điểm. Tại đây, chỉ số được kỳ vọng sẽ có phản ứng hồi phục tăng điểm trở lại.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng và các cổ phiếu bluechips trong rổ VN30 đang tạo ra sức ép giảm điểm đối với xu hướng thị trường tuy nhiên nhiều cổ phiếu đang có dấu hiệu quá bán. Do đó, theo BVSC, các cổ phiếu này có thể sẽ sớm hồi phục tăng điểm trở lại trong một vài phiên kế tiếp.
Chiến lược đầu tư được BVSC đưa ra đó là giảm tỷ trọng danh mục về mức 45-50% cổ phiếu. Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể để một phần tỷ trọng danh mục cho hoạt động trading ngắn trong giai đoạn này. Đồng thời có thể xem xét thực hiện mở vị thế mua mới hoặc mua lại các vị thế đã bán trước đó khi thị trường kiểm định thành công vùng hỗ trợ quanh 1.005 điểm.