(Tổ Quốc) - Nội dung các thư nặc danh này có tính chất “nâng trường này, hạ trường khác”, tự cho các trường đại học “điểm cộng, điểm trừ” nhằm gây bất lợi cho một số trường trong công tác tuyển sinh.
Ngày 26/8, Đại học Đà Nẵng cho biết vừa có công văn gửi Công an TP Đà Nẵng giúp xác minh, xử lý việc phát tán thư nặc danh liên quan đến tuyển sinh.
Theo nội dung văn bản, vừa qua, nhiều phụ huynh, học sinh các trường THPT trên địa bàn TP Đà Nẵng và một số địa phương khác nhận được các tài liệu nặc danh, không rõ nguồn gốc với thông tin không đầy đủ, không khách quan và thiếu trung thực liên quan đến công tác đào tạo của các trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, trong đó có các trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng.
Nội dung các thư nặc danh này có tính chất "nâng trường này, hạ trường khác", tự cho các trường đại học "điểm cộng, điểm trừ" nhằm gây bất lợi cho một số trường trong công tác tuyển sinh.
Những nội dung thư nặc danh này đã gây tâm lý hoang mang đối với các bậc phụ huynh và thí sinh trong việc chọn trường, chọn ngành để đăng ký xét tuyển vào đại học giữa lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Điều này sẽ gây không ít khó khăn đối với một số trường đại học trên địa bàn thành phố trong mùa tuyển sinh năm nay. Nhiều cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên và một số cơ quan báo chí đã lên tiếng phản đối, thể hiện sự không đồng tình với sự cạnh tranh thiếu lành mạnh này trong giáo dục.
"Để giúp cho thí sinh và phụ huynh có được thông tin rõ ràng, tránh bị ảnh hưởng bởi những thông tin không minh bạch, góp phần làm lành mạnh môi trường giáo dục, tạo điều kiện để các trường đại học tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, Đại học Đà Nẵng kính đề nghị Công an TP Đà Nẵng tiến hành các bước xác minh, xử lý việc phát tán các đơn thư nặc danh nêu trên theo đúng quy định của pháp luật", nội dung công văn nêu rõ.
Được biết, trước đó, nhiều phụ huynh, học sinh, giáo viên ở miền Trung có nhận được các gói bưu phẩm (có dấu bưu điện từ TP.HCM, gửi vào tháng 8/2020) chứa nhiều tài liệu in trên giấy A4; nội dung phản ánh quá khứ, phân tích thực trạng 8 Trường ĐH ở Đà Nẵng: hệ công lập: Bách khoa, Sư phạm, Kinh tế, Ngoại ngữ; khối tư thục: Kiến trúc, Đông Á, Duy Tân và FPT.
Trong đó, tài liệu chủ yếu bới móc, quy chụp, bôi nhọ; phân tích "lợi hại" của các trường để áp đặt thí sinh nên chọn ngành nào, trường nào, học phí trường nào phù hợp nhất.
Sau khi biết tin, lãnh đạo các trường Đại học lên tiếng phản ứng mạnh mẽ, cho rằng, chưa có năm nào việc cạnh tranh tuyển sinh đại học tại Đà Nẵng lại gây bức xúc, phẫn nộ như năm nay khi xuất hiện thư nặng danh phát tán thông tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm các trường đại học, có sự cạnh tranh không lành mạnh nhằm mục đích "nâng mình, hạ người".
Theo TS Phạm Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, các tài liệu trên xúc phạm danh dự, uy tín của trường, cán bộ, giáo viên. "Trường đã thông báo đến cán bộ, giáo viên để mọi người cảnh giác trước những thông tin xuyên tạc. Những tài liệu, kết luận thanh tra không được công bố nhưng tài liệu trên lại lan truyền rộng rãi… Mấy năm nay họ chơi xấu mình, mình không quan tâm mà để cho xã hội, cho SV, phụ huynh đánh giá. Ai đó phá cả hệ thống các trường ĐH ở Đà Nẵng chứ không riêng trường mình. Mùa dịch này, trong lúc cả nước và Đà Nẵng chung tay chống dịch, hừng hực tinh thần nhường cơm sẻ áo thì lại có kẻ tìm cách làm hại người khác... ".
Còn TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT Đà Nẵng, Chủ nhiệm CLB các Trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho biết, qua các tài liệu cho thấy có sự cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt trong bối cảnh Đà Nẵng đang phải căng mình chống dịch Covid-19. Phụ huynh và thí sinh rất khó khăn, chưa biết khi nào thi, các trường chưa biết khi nào khai giảng lại...
Các trường có thể đưa thông tin tốt về trường mình nhưng trong chuyện cạnh tranh, luật pháp nghiêm cấm hạ người khác để nâng mình lên.
"Điều khiến tôi và nhà trường quan tâm hiện nay là làm sao phụ huynh, thí sinh có thông tin chính xác nhất để lựa chọn trường học; nên nghe, kiểm chứng từ thông tin chính thống của các cấp, các ngành, báo chí; phải nhận biết, cảnh giác trước thông tin nặc danh, không chính thống, thiếu chính xác, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh... Chọn trường nào, ngành nào là việc của thí sinh và phụ huynh, không thể áp đặt được. Và nguyên tắc bên phía tuyển sinh là cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực, khách quan", TS Lê Trường Tùng nhận định.
Về vấn đề này, TS.Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Á chia sẻ: "Giáo dục là phải làm gương, giáo dục đức tính trung thực để hướng tới chân thiện mỹ. Sinh viên có thể tự hào về nỗ lực thực sự của họ, chứ không phải tự hào về những kiểu hành xử: nói ngược, nói không thành có, bôi nhọ dìm người khác...".