Sau khi cơ quan công an công bố kết luận điều tra sai phạm Đại học Đông Đô trong đào tạo và cấp văn bằng 2 giả, Bộ GDĐT lên tiếng về sự việc.
- 25.11.2020 55 trường hợp sử dụng bằng giả do trường ĐH Đông Đô cấp để xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ
- 26.10.2019 Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam 2 Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô
- 26.08.2019 Vì đâu Đại học Đông Đô đào tạo “chui” trót lọt nhiều năm?
- 20.08.2019 Hàng trăm văn bằng "chui" được cấp trót lọt ở Đại học Đông Đô: Lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo
- 05.08.2019 Hiệu trưởng ĐH Đông Đô bị bắt, Bộ Giáo dục có vô can trong kiểm soát đào tạo văn bằng 2?
Sáng 26/11, trả lời VTC News, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, Bộ GDĐT chưa nhận được kết luận của cơ quan điều tra. Hiện tại, Bộ GDĐT đang yêu cầu các đơn vị đào tạo phối hợp với công an để cùng rà soát lại thông tin về đầu vào và đầu ra của các học viên sau đại học làm căn cứ xử lý.
Đại diện Bộ GDĐT cũng cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để xác minh thông tin và xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật, đúng thẩm quyền về những trường hợp đã sử dụng bằng giả của Đại học Đông Đô. Đồng thời cũng sẽ xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân liên quan nếu có sai sót, vi phạm.
Ngày 23/11, theo kết luận của Bộ Công an, Đại học Đông Đô chưa được Bộ GDĐT cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, giai đoạn 2015-2017, trường đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh và được Bộ GDĐT thông báo chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy.
Trong thời gian qua, trường đã cấp 626 bằng cử nhân ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ tìm được 217 cá nhân có thông tin để xác minh (trong đó một người đã chết). Trong số này, 193 người được Đại học Đông Đô cấp bằng không qua tuyển sinh hoặc không đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp. Toàn bộ bằng giả do bị can Dương Văn Hòa ký theo chỉ đạo của Trần Khắc Hùng (cựu Chủ tịch HĐQT nhà trường, đang bị truy nã). Cảnh sát đã thu được 177 bằng giả.
Đặc biệt, trong số 193 người được cấp bằng cử nhân giả, 60 trường hợp đã sử dụng bằng cho nhiều mục đích khác nhau (55 người dùng bằng giả để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ. 5 trường hợp còn lại thì có một người làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, một trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, một thi tuyển công chức và 2 người kê khai hồ sơ cán bộ).
Theo tìm hiểu của phóng viên, vào các năm 2015, 2016, 2017 Bộ GDĐT có thông báo về việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh cho Đại học Đông Đô và trong đó lại có xác nhận chỉ tiêu đào tạo... văn bằng 2.
Theo thông báo số 173 ngày 1/4/2015 của Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GDĐT) do ông Nguyễn Văn Áng, Phó Vụ trưởng ký gửi Đại học Đông Đô về việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 cho thấy đơn vị này đã xác nhận cho trường tuyển 500 chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 chính quy.
Một năm sau, ngày 24/2/2016, Vụ Kế hoạch Tài chính ra thông báo số 68, cho phép trường tuyển 150 chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 chính quy năm 2016 cho Đại học Đông Đô ở khối ngành III, V và VII. Thông báo này cũng do ông Nguyễn Văn Áng, Phó Vụ trưởng ký.
Tiếp tục, ngày 7/3/2017, Vụ này ra thông báo số 136, xác nhận cho trường tuyển 150 chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 chính quy năm 2017 của Đại học Đông Đô ở khối ngành III, V và VII. Thông báo này do ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài Chính ký.
Cả 3 văn bản trên đều ghi rõ nơi nhận gồm: Đại học Đông Đô, Bộ trưởng Bộ GDĐT (để báo cáo), Thứ trưởng Bùi Văn Ga (để báo cáo), Vụ Giáo dục Đại học, Thanh tra Bộ GDĐT.
Trong Quyết định số 22/QĐ-BGDĐT ngày 22/6/2001 của Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định rõ, việc đào tạo văn bằng 2 chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ với những ngành đã được phép đào tạo hệ chính quy sau khi có ít nhất hai khoá sinh viên chính quy của ngành đó tốt nghiệp.
Trên cơ sở đề nghị của các cơ sở đào tạo, chỉ tiêu đào tạo đại học hệ chính quy hàng năm và các điều kiện bảo đảm chất lượng, Bộ GDĐT sẽ giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bằng đại học thứ hai cho các cơ sở có đủ điều kiện.
Trong sự việc của Đại học Đông Đô, Bộ GDĐT khẳng định chưa nhận được văn bản đề nghị về việc cho phép đào tạo văn bằng 2 của trường nên Bộ chưa có văn bản cho phép trường được đào tạo văn bằng.
Đồng thời, từ năm 2016 đến năm 2018, trong báo cáo của Đại học Đông Đô gửi Bộ GDĐT, trực tiếp là Vụ Giáo dục Đại học không có thông tin liên quan đến việc đào tạo văn bằng 2. Đại học Đông Đô đã không thông qua Vụ Đại học để trình việc xin phép đào tạo mà lại trực tiếp trình Vụ Kế hoạch Tài chính để xin xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh. Quá trình duyệt, Vụ Kế hoạch Tài chính đã không kiểm tra xem Đại học Đông Đô đã được cho phép đào tạo văn bằng 2 hay chưa nên mới dẫn đến sai phạm này.
Nguồn: Bích Hà/VTC News
---------
* Tiêu đề do Báo đặt lại.