(Tổ Quốc) - Trường đại học danh tiếng Hàn Quốc vấp phải làn sóng tẩy chay vì những cáo buộc đang lên kế hoạch chế tạo vũ khí tự động sát thương.
Tờ The Guardian đưa tin, các chuyên gia nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) từ gần 30 quốc gia đã đồng loat phản đối một trường Đại học Hàn Quốc, xung quanh việc hợp tác giữa cơ sở đào tạo này với một công ty quốc phòng, có khả năng sản xuất ra các “robot giết người”.
Hơn 50 nhà khoa học hàng đầu thế giới đã đồng loạt ký tên trong một lá thư kêu gọi tẩy chay Viện Công nghệ và Khoa học cấp cao Hàn Quốc (KAIST) và đối tác, tập đoàn vũ khí Hanwha Systems. Theo các nhà nghiên cứu, họ sẽ không hợp tác với KAIST hoặc chấp nhận bất kỳ giảng viên/sinh viên nào từ trường đại học này trước những lo ngại rằng, KAIST đang tìm cách “thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang phát triển các vũ khí tự động”.
“Có rất nhiều thứ tuyệt vời bạn có thể làm với trí tuệ nhân tạo để cứu sống mạng người, bao gồm trong cả bối cảnh quân sự; tuy nhiên, công khai tuyên bố đặt ra mục tiêu phát triển các vũ khí tự động và có một đối tác như vậy, đã làm dấy lên những lo ngại lớn,” Toby Walsh, người tổ chức cuộc tẩy chay và là một giáo sư tại Đại học New South Wales nói. “Đây là một trường đại học rất danh tiếng đang hợp tác với một đối tác mang tính đạo đức không rõ ràng, và vẫn đang tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế”.
Cuộc tẩy chay diễn ra trước thềm cuộc họp của Liên hợp quốc tại Geneva vào tuần tới về vũ khí tự động. Hiện hơn 20 quốc gia đã kêu gọi ban hành một lệnh cấm hoàn toàn đối với robot giết người. Việc vận dụng trí thông minh nhân tạo vào công nghiệp chế tạo vũ khí trên thế giới, đã làm nảy sinh những e ngại về một tình huống tương lai tương tự như bộ phim Terminator (một siêu phẩm Hollywood được biết đến tại Việt Nam với cái tên “Kẻ hủy diệt” nói về cuộc chiến giữa người và robot). Trong số những câu hỏi được đặt ra bao gồm cả việc độ chính xác mà vũ khí tự động có thể đạt tới, cũng như khả năng phân biệt kẻ thù và đồng đội của chúng.
Áp dụng trí thông minh nhân tạo trong công nghiệp sản xuất vũ khí như thế nào vẫn đang gây nhiều tranh cãi |
Hanwha là một trong những nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Hàn Quốc. Tập đoàn này vẫn đang sản xuất các loại bom chùm, đạn chùm – đã bị cấm sử dụng tại 120 quốc gia theo một hiệp ước quốc tế. Tuy nhiên, Hàn Quốc, Mỹ, Nga và Trung Quốc không tham gia văn bản trên.
Giáo sư Walsh bắt đầu “nhận ra” vấn đề khi một bài báo Hàn Quốc đưa tin KAIST “đang tham gia cuộc chạy đua toàn cầu phát triển vũ khí tự động”. Sau đó ông đã viết thư cho KAIST để hỏi rõ hơn, nhưng đã không nhận được câu trả lời rõ ràng.
Người đứng đầu KAIST, Sung Chul-Shin cho biết, ông cảm thấy rất buồn khi nghe tin về cuộc tẩy chay. “Tôi muốn tái khẳng định rằng, KAIST không có bất kỳ dự định nào liên quan tới việc phát triển các hệ thống vũ khí tự động gây sát thương và robot giết người,” ông Shin nói.
“Là một cơ sở học thuật, chúng tôi trân trọng các quyền con người và tiêu chuẩn đạo đức ở một mức rất cao,” vị Chủ tịch của KAIST tuyên bố. “Một lần nữa tôi khẳng định KAIST không tiến hành bất kỳ hoạt động nghiên cứu nào chống lại loài người, bao gồm các vũ khí tự động thiếu sự kiểm soát cần thiết của con người”.