(Tổ Quốc) - Năm 2020, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tuyển 10.420 sinh viên hệ đại học chính quy và mở 15 ngành học mới, ngoài tuyển các thí sinh trong nước, Trường còn mở rộng phạm vi tuyển các thí sinh nước ngoài.
Theo thông tin từ ĐHQGHN, năm 2020, Trường tuyển các thí sinh đã tốt nghiệp chương trình THPT của Việt Nam hoặc đã tốt nghiệp trình độ trung cấp hoặc đã tốt nghiệp chương trình THPT của nước ngoài (đã được nước sở tại cho phép thực hiện, đạt trình độ tương đương trình độ THPT của Việt Nam) ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam.
Ngoài ra, thí sinh phải đạt các yêu cầu sơ tuyển, nếu đăng kí xét tuyển (ĐKXT) hoặc dự thi vào các trường có quy định sơ tuyển.
Nhà trường thực hiện các đợt xét tuyển, trong đó, xét tuyển Đợt 1 với 3 phương thức: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GDĐT và Quy định, Hướng dẫn tuyển sinh của ĐHQGHN; Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 theo tổ hợp các môn thi/bài thi tương ứng;
Và xét tuyển theo phương thức khác dành cho các thí sinh có chứng chỉ quốc tế (A-Level, SAT, ACT, IELTS và chứng chỉ quốc tế tương đương- trong danh mục quy định của ĐHQGHN); Xét hồ sơ năng lực (kết quả học tập bậc THPT, phỏng vấn, điểm thi tốt nghiệp THPT...) đối với một số đơn vị đào tạo hợp tác quốc tế; Xét tuyển thí sinh là người nước ngoài đáp ứng các yêu cầu theo quy định của ĐHQGHN và Bộ GDĐT.
Trong trường hợp tuyển đợt đầu chưa đủ chỉ tiêu, trường sẽ xét tuyển đợt bổ sung. Việc xét tuyển như đợt 1, quy định cụ thể xét tuyển của từng ngành học tương ứng được công bố trên Cổng thông tin tuyển sinh của ĐHQGHN và đơn vị đào tạo (nếu có).
Thí sinh trúng tuyển vào các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN có nguyện vọng theo học các CTĐT chất lượng cao, tài năng, chuẩn quốc tế phải đạt điểm trúng tuyển vào CTĐT tương ứng kể trên theo khối thi/tổ hợp xét tuyển tương ứng. Điểm đăng ký dự tuyển vào các CTĐT chất lượng cao, tài năng, chuẩn quốc tế do các HĐTS quy định nhưng tối thiểu bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển vào ngành/CTĐT chuẩn tương ứng.
Chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm 2020, thí sinh có thể tham khảo
.
Căn cứ vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, ĐHQGHN quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tương ứng đối với thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 để xét tuyển.
Đối với thí sinh sử dụng chứng chỉ A-Level, kết quả ký thi SAT, kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa ACT và chứng chỉ tiếng Anh IELTS, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào có quy định cụ thể đối với từng loại đối tượng.
Thời gian xét tuyển đợt 1 đối với thí sinh đăng ký xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, thực hiện theo Hướng dẫn của Bộ GDĐT và Hướng dẫn tuyển sinh ĐHCQ năm 2020 của ĐHQGHN. Đối với thí sinh sử dụng kết quả kì thi tốt nghiệp THPT năm 2020, thời gian xét tuyển từ ngày 24-26/9; Đối với thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển khác (IELTS, SAT, ACT, A-Level) từ ngày 15/6-20/8; Đối với thí sinh ĐKXT hồ sơ năng lực (học bạ + phỏng vấn + điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 thực hiện theo lịch của HĐTS.
Ngay sau khi kết thúc xét tuyển đợt 1, dự kiến từ ngày 03/10/2020 sẽ xét tuyển bổ sung. Thông tin cụ thể sẽ được thông báo trên trang thông tin điện tử của các đơn vị đào tạo đại học và Cổng thông tin tuyển sinh của ĐHQGHN.
Thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được ĐKXT không giới hạn số nguyện vọng, số trường/khoa trực thuộc và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực.
Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trực tuyến trong thời hạn quy định. Quá thời hạn quy định, thí sinh không xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học và HĐTS được xét tuyển thí sinh khác trong đợt xét tuyển bổ sung.
Đối với các thí sinh sử dụng chứng chỉ A-Level, kết quả ký thi SAT, kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa ACT và chứng chỉ tiếng Anh IELTS được ĐKXT tối đa 2 nguyện vọng vào trường/khoa trực thuộc và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Nhà trường quy định, học phí dự kiến với sinh viên chính quy các chương trình đào tạo (CTĐT) chuẩn từ 9,8-14,3 triệu đồng/năm/sinh viên và từ 30-60 triệu đồng/năm/sinh viên đối với các CTĐT đặc thù, CTĐT chất lượng cao trình độ đại học theo Đề án được phê duyệt của ĐHQGHN.
Lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Thủ tướng chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020 - 2021.