(Tổ Quốc) - Sáng ngày 28/11, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo thông tin về Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX - 2022 "Vì một Việt Nam cường thịnh".
Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX sẽ diễn ra tại Quảng Ninh và 10 tỉnh, thành khác gồm Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Hoà Bình, Vĩnh Phúc.
Đại hội dự kiến sẽ có sự tham gia của khoảng hơn 10.000 VĐV, tham gia thi đấu 43 môn thể thao. Lễ khai mạc Đại hội sẽ diễn ra vào ngày 9/12 tại quảng trường Sun Carnival Hạ Long (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Lễ bế mạc vào ngày 21/12 tại nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Ninh (Đại Yên, Hạ Long, Quảng Ninh). Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ, một số môn thi đấu sẽ diễn ra từ trước Lễ khai mạc, sớm nhất là Rowing đã tiến hành thi đấu từ ngày 18/11 tại Hải phòng.
Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX là ông Nguyễn Văn Hùng, Uỷ viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch.
Việc Đại hội được tổ chức ở thời điểm này có những thuận lợi khi đa số các tỉnh, thành (ngoại trừ Thanh Hoá) vừa tham gia tổ chức các môn thi đấu tại SEA Games 31, nhiều cơ sở vật chất đã sẵn sàng, kinh nghiệm tổ chức lực lượng trên cơ sở tổng hợp sự tham gia, phối hợp của các ban ngành đều rất tốt.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng tiềm ẩn không ít khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước còn phải đối mặt với nhiều thử thách do những hệ luỵ của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua; đặc biệt, nguồn kinh phí tổ chức từ Trung ương tới các địa phương đều rất hạn hẹp, bên cạnh đó là quỹ thời gian chuẩn bị không nhiều.
Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh, thành khác tham gia tổ chức Đại hội lần này đều đã rất tích cực huy động mọi nguồn lực có thể để khắc phục khó khăn trong công tác chuẩn bị, tổ chức sự kiện. Để "chạy đua với thời gian", tất cả đều đã thành lập BTC địa phương, do các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố đứng đầu, cũng như các Tiểu ban chức năng để cụ thể hoá nhiệm vụ trên tất cả các mảng công việc.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Đặng Hà Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết: "Đại hội Thể thao toàn quốc là sự kiện thể thao lớn nhất cả nước được tổ chức định kỳ nhằm đánh giá toàn diện về phong trào thể thao, về chu kỳ đào tạo VĐV thành tích cao, qua đó chuyển chọn nhân tố đưa vào đào tạo chuyên nghiệp chuẩn bị cho các kỳ đại hội quốc tế. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX là kỳ đại hội có quy mô lớn nhất trong lịch sử với số lượng người tham dự lên tới hơn 17.000 người".
Ông Đặng Hà Việt cho biết, công tác tổ chức Đại hội năm nay có rất nhiều thuận lợi khi thừa hưởng cơ sở vật chất, trang thiết bị từ SEA Games 31. Bên cạnh đó, đội ngũ tham gia đại hội như hậu cần, tình nguyện viên, trọng tài... cũng được đào tạo bài bản.
"Thông qua công tác chuẩn bị cũng cho thấy sự gắn kết giữa ngành thể thao với các đơn vị cấp bộ, ngành, địa phương. Đây là thuận lợi lớn trong công tác tổ chức. Với sự nỗ lực trên, tôi tin Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX sẽ tổ chức thành công tốt đẹp" - ông Đặng Hà Việt nhấn mạnh.
Ngoài bảng xếp hạng toàn đoàn, đối với 19 tỉnh miền núi gồm: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Kon Tum…. BTC sẽ đánh giá riêng kết quả thi đấu để có cái nhìn cụ thể hơn về phong trào phát triển thể thao.
Được biết, nối tiếp thành công trong việc tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) không thuốc lá và để góp phần thúc đẩy phong trào thể thao không khói thuốc, nâng cao sức khỏe của vận động viên cũng như người dân, đồng thời tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX cũng sẽ là một kỳ Đại hội "không khói thuốc".
Ban tổ chức sẽ tăng cường các hoạt động truyền thông, vận động để đảm bảo: không xảy ra hiện tượng hút thuốc lá, quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá dưới mọi hình thức tại các địa điểm tổ chức đại hội; không sử dụng hình ảnh hút thuốc trên các ấn phẩm của Đại hội; mọi người tham gia Đại hội không bị phơi nhiễm với khói thuốc thụ động.
Năm 1985, tròn 10 năm sau khi thống nhất đất nước, Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội. Sự kiện diễn ra nhằm mục đích tổng động viên lực lượng thể thao thành tích cao, qua đó cũng tạo nên động lực cho sự đầu tư, phát triển TDTT tại các tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc.
Kể từ đó đến nay, Đại hội Thể thao toàn quốc (từ kỳ thứ 8 vào năm 2018 được đổi tên từ Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc thành Đại hội Thể thao toàn quốc) đã diễn ra 8 kỳ vào các năm 1990 (tại Hà Nội), 1995 (Hà Nội), 2022 (Hà Nội), 2006 (TPHCM), 2010 (Đà Nẵng), 2014 (Nam Định và các tỉnh lân cận), 2018 (Hà Nội). Trong đó, từ năm 2002 đã tổ chức định kỳ 4 năm/lần, ổn định theo mô hình của các Đại hội thể thao quốc tế như Olympic và Asiad (Asian Games).
Trong suốt tiến trình lịch sử, Đại hội Thể thao toàn quốc đã huy động sự tham gia của hàng vạn lượt VĐV, HLV, trọng tài thuộc hệ thống thể thao thành tích cao trên cả nước nước, tạo nên sự đua tranh thành tích giữa các đoàn (kèm theo đó là sự đầu tư cho thể thao thành tích cao), tạo bước chuyển mạnh mẽ về lực lượng của thể thao nước nhà. Bên cạnh đó, Đại hội Thể thao toàn quốc cũng giúp thúc đẩy sự phát triển về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cũng như trình độ tổ chức các sự kiện thể thao của các địa phương đăng cai và các tỉnh, thành khác.