• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại lễ Phật Đản chùa Phúc Nguyên để lại sự hân hoan trong lòng các phật tử và khách thập phương

Văn hoá 20/05/2022 10:10

(Tổ Quốc) - Trong 2 ngày 7 và 8 tháng 5-2022 (tức ngày mùng 7 và mùng 8-4 âm lịch), Viện Phát triển Văn hóa dân tộc phối hợp với chùa Phúc Nguyên, huyện Quốc Oai- thành phố Hà Nội tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2566 – Dương lịch 2022, tại chùa Phúc Nguyên, huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội.

Viện Phát triển Văn hóa dân tộc phối hợp với chùa Phúc Nguyên tổ chức Đại lễ trên tinh thần đạo Phật gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt tạo thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống của dân tộc… Sự kiện Đức Phật Đản sinh ra là bức thông điệp hòa bình và hạnh phúc, vượt ra thế giới khổ đau. Bằng chứng cụ thể cho lời quả quyết mà thế giới phải công nhận là ngày lễ Vesak, đó là ngày Đức Phật sinh. Mặc dù trôi lặn trong vòng sinh tử, luân hồi, nhưng con người luôn là một thực thể có khả năng "Chuyển mê, khai ngộ, lìa khổ được vui" bằng chính sự nỗ lực tụ tập của mỗi cá nhân. Tất cả đều đem lại yêu chuộng hòa bình. Đây là đặc tính đặc thù của tinh thần đại từ, đại bi và là khối tài sản quý giá nhất, là lòng từ bi, hỷ xả…

Đại lễ Phật Đản chùa Phúc Nguyên để lại sự hân hoan trong lòng các phật tử và khách thập phương - Ảnh 1.

Phó Viện trưởng thường trực Trần Văn Nam và nhà chùa đang hành lễ

Năm 2022, Viện Phát triển Văn hóa dân tộc và Chùa Phúc Nguyên tổ chức lễ mừng Phật Đản giáng sinh để cầu cho quốc thái dân an, cho bách gia trăm họ bình an, cho các lãnh tụ đã hy sinh cho dân tộc Việt Nam, cho các anh hùng liệt sỹ vì nước quên thân, cho các chân linh chết vì dịch bệnh Covid-19 đều được siêu thoát.

Được sự quan tâm và tạo điều kiện hết sức thuận lợi của các cấp chính quyền xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai, Lễ hội bắt đầu được tổ chức từ 8 giờ 30 ngày 7/4 âm lịch và kết thúc 0 giờ 15 phút ngày 8/4 âm lịch với nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc, với sự tham gia của hơn 1300 các phật tử trong cả nước.

Mở đầu buổi lễ là nghi thức rước Phật từ các tuyến đường trên địa bàn thị trấn Quốc Oai đến chùa Phúc Nguyên. Tiếp đó là các hoạt động vinh danh Tam Bảo, Phật Pháp tăng được thể hiện qua các hoạt động tắm Phật, dâng cúng, tặng hoa, nghe thuyết giảng, thực hành ăn chay, làm việc từ thiện, chương trình văn nghệ chào mừng và thả đèn hoa đăng… Đặc biệt trong buổi lễ có sự tham gia của 17 ni sư làm lễ cầu siêu cho các liệt sĩ, các chân linh chết vì dịch bệnh Covid-19; tổ chức đàn lễ bố thí và nghi lễ cầu quốc thái dân an.

Trong niềm tôn kính vô biên, các vị đại biểu của các cấp chính quyền đoàn thể, các tăng ni, tao nhân, thực khách cùng hàng ngàn phật tử dành một phút tưởng niệm đức Phật Thích Ca Mâu Ni và tiến hành nghi lễ dâng hoa, dâng hương. Đồng thời tại buổi lễ các tăng ni, cư sĩ phật tử đã được nghe thông điệp của Đức Pháp chủ Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi tăng ni, cư sĩ phật tử Việt Nam nhân dịp Đại lễ Phật đản.

Sau nghi thức dâng hương, nguyện cầu Đức phật gia hộ, với ý nghĩa hòa mình vào dòng nước gột rửa và xóa tan những nỗi thống khổ, phiền não trong lòng, giữ tâm thanh tịnh, chư tôn thiền đức cùng các phật tử đã cử hành nghi lễ Tụng kinh, tắm phật Mỗi người con Phật hằng mong mỏi được hạnh phúc, an yên trong mùa Phật đản sinh; cùng trau dồi thân tâm xứng đáng là người con Phật. Tham gia lễ tắm Phật, mọi người cùng khấn nguyện, xin từ bỏ mọi ý nghĩ xấu, xin làm mọi việc lành, xin giúp đỡ mọi loài chúng sinh và tham gia tích cực có hiệu quả trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Đại lễ Phật Đản chùa Phúc Nguyên để lại sự hân hoan trong lòng các phật tử và khách thập phương - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi lễ trong đêm 7/4 âm lịch

Sư thầy Thích Đàm Lộc, trụ trì chùa Phúc Nguyên cho biết: "Lễ Phật đản là lễ hội của Phật giáo được Đại hội đồng Bảo an Liên hợp quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh của thế giới; là ngày đại lễ kỷ niệm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh, Thành đạo, nhập Niết bàn. Năm nay đại lễ được tổ chức quy mô lớn "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", lúc đầu trời lác đác mưa, nhưng đến khi hành lễ trời quang mây tạnh, lòng người an vui. Lễ hội được các cấp chính quyền hết sức quan tâm nên công tác trật tự an ninh rất bảo đảm, công tác tổ chức chặt chẽ, chu đáo".

Khẳng định mục đích ý nghĩa của buổi lễ, ông Trần Văn Nam – Phó Viện trưởng thường trực Viện Phát triển Văn hóa dân tộc chia sẻ: "Đức Phật đã mang ánh sáng chân lý soi rọi vào cuộc sống đã xóa tan nỗi khổ, niềm đau. Mỗi người dân khi đến lễ hội tự chiêm nghiệm về bản thân và phải suy nghĩ, chúng ta đã làm gì để tri ân vinh danhTam Bảo Đức Phật, thánh nhân, danh nhân những người có công to lớn với đất nước và vai trò của đạo Phật trong công cuộc xây dựng đất nước phồn thịnh, hòa bình bền vững. Đặc biệt là mọi người sẽ hiểu hơn về Đạo Phật và vai trò của đạo Phật trong công cuộc xây dựng đất nước phồn thịnh, hòa bình, bền vững.

Ông Nam cũng cho rằng: Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên biểu tượng linh thiêng, tưởng niệm và tôn vinh những người có công với đất nước, cộng đồng. Các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử văn hóa, đạo đức xã hội, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời đặc biệt lưu tâm tới việc tổ chức hoạt động tín ngưỡng phải đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, tiết kiệm, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ.

Có thể nói, buổi lễ Phật đản chùa Phúc Nguyên, huyện Quốc Oai- thành phố Hà Nội năm nay đã diễn ra trong không khí hân hoan, viên mãn, an lạc thắm tình đạo vị của giáo lý Phật Đà. Việc tổ chức thành công của lễ hội khẳng định vai trò quan trọng mang tầm chiến lược của Viện Phát triển Văn hóa dân tộc trong việc phối hợp với các chùa để tổ chức các hoạt động tín ngưỡng. Đây là một mô hình tốt Viện Phát triển Văn hóa dân tộc cần phát huy nhân rộng để mang lại nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng phục vụ các phật tử nói riêng và nhân dân nói chung.

Anh Tuấn

NỔI BẬT TRANG CHỦ