(Tổ Quốc) - Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, hiện tượng một số cây xăng đóng cửa với lý do không có nguồn cung là có thực. Nguyên nhân là do những cửa hàng này nhận xăng dầu từ nhà máy Nghi Sơn. Nhà máy này giảm sản lượng đột ngột thì không thể có cách nào những cửa hàng này có ngay được lượng xăng dầu.
Có hay không việc găm hàng từ trên?
Ngày 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
Liên quan tới các vấn đề quản lý xăng dầu của ngành Công Thương, ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho biết, qua tìm hiểu một số đại lý, khi hỏi tại nơi bán hàng, người ta trả lời không có xăng dầu lấy gì bán. Do nguồn cung từ nhà điều hành ở cấp vĩ mô họ không cung cấp xuống, cho nên các đại lý không có xăng dầu để mà bán.
"Có hay không việc găm hàng từ cấp trên không chịu buông hàng xuống cấp dưới?", ĐB Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, qua thanh tra 16.800 cửa hàng bán lẻ có 211 cửa hàng có hiện tượng đóng cửa. Trong đó phần lớn đóng cửa do sự cố về kỹ thuật.
"Hiện tượng một số cây xăng đóng cửa với lý do không có nguồn cung là có thực. Nguyên nhân là do những của hàng này nhận xăng dầu từ nhà máy Nghi Sơn. Nhà máy này giảm đột ngột sản lượng thì không thể có cách nào những cửa hàng này có ngay được lượng xăng dầu" - ông Nguyễn Hồng Diên nói.
Bộ trưởng Công Thương cho biết thêm, Bộ đã thanh tra đồng bộ 33 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu xăng dầu. Hiện đã có kết quả bước đầu song chưa đầy đủ để công bố.
"Tinh thần là nếu phát hiện thấy doanh nghiệp đầu mối nào không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, chứ không nói là việc găm hàng thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Hình thức cao nhất là rút giấy phép hoặc đình chỉ kinh doanh" - Bộ trưởng khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Công Thương, ngay từ tháng 1, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, các doanh nghiệp đầu mối nhập đủ sản lượng do nhà máy Nghi Sơn thiếu hụt để đảm bảo nguồn cung.
Theo đó, đến giữa tháng 2, Việt Nam đảm bảo đủ nguồn cung hết tháng 3 nhờ lượng hàng tồn và nhập khẩu bổ sung từ 15/3 với khoảng 3 triệu m3 xăng. Hiện tại, bình quân nhu cầu xăng dầu trong nước chỉ khoảng 1,3 triệu m3/tháng. Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp nhập khẩu tháng 3 gấp 2 lần bình thường từ 1 triệu m3 trở lên.
"Bộ cam kết nguồn cung không lúc nào thiếu" - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Mâu thuẫn trong điều hành giá xăng dầu?
Liên quan đến vấn đề bình ổn giá xăng dầu, ĐB Trần Văn Sáu (Đoàn Đồng Tháp) đặt câu hỏi vì sao bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới biến động mạnh từ 44-60%, nhưng giá trong nước chỉ tăng 25-40%. "Quá trình điều hành giá xăng dầu như vậy có gì mâu thuẫn, thiệt hại đó do ai gánh chịu?".
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá thế giới do chủ yếu sử dụng linh hoạt các công cụ bình ổn giá, như Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Tại nhiều kỳ điều hành, nhà điều hành đã trích 500-1.500 đồng một lít xăng, dầu (tùy loại). Nếu không trích quỹ này, chúng ta không thể có giá thấp hơn thế giới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trong bối cảnh thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý Nhà nước thì việc duy trì Quỹ bình ổn rất quan trọng, nhưng quỹ có hạn, hiện chỉ khoảng 600 tỷ đồng, trong khi quỹ này tại nhiều doanh nghiệp đã âm lớn.
Khi quỹ này không còn nhiều, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã đề xuất và Chính phủ đã có Nghị quyết đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giảm 50% thuế bảo vệ môi trường. Nếu giá thế giới tiếp tục tăng cao sẽ nghiên cứu giảm tiếp các loại thuế, phí khác...
Khi hết công cụ thuế phí mà giá thế giới vẫn tăng cao, để kìm chỉ số giá tiêu dùng, giữ nền kinh tế ổn định, Bộ trưởng Công Thương cho rằng, các bộ, ngành chức năng có thể đề xuất cấp có thẩm quyền sử dụng các quỹ an sinh, quỹ bình ổn hỗ trợ các đối tượng nghèo, hỗ trợ thuế doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu.
Không thể biết chính xác 33 đơn vị nhập khẩu dự trữ bao nhiêu xăng dầu
ĐB Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) đặt câu hỏi xăng dầu là mặt hàng quan trọng, chiến lược, vấn đề dự trữ được thực hiện ra sao, sắp tới Bộ Công Thương có kiến nghị tăng dự trữ hay không.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết sẽ tham mưu cấp có thẩm quyền, nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia, dự phòng lên. Thời gian dự trữ xăng dầu hiện nay không lớn, chỉ khoảng 5-7 ngày. Thay vì dự trữ bằng tiền thì sắp tới có thể dự trữ hàng hóa.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện chưa có hệ thống kho riêng nên giao việc dự trữ lưu thông cho các doanh nghiệp đầu mối, đây là điều bất hợp lý hiện nay. Do đó, Bộ Công Thương sẽ xem xét thiết kế lại mô hình quản lý dự trữ lưu thông, nâng cao mức dự trữ lưu thông để trong tình huống bất trắc có nguồn cung xăng dầu trong vài tháng.
Ông Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần đẩy mạnh năng lực sản xuất xăng đầu của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa khai thác, vừa lọc hóa dầu. Ví dụ như lọc hóa dầu Bình Sơn, nhưng hiện tại công suất của nhà máy này chỉ khoảng 6,5 triệu thùng dầu/năm.
Tham gia giải trình tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện chúng ta chỉ mới kiểm soát được lượng dự trữ xăng dầu quốc gia chứ chưa thể kiểm soát được chính xác lượng xăng dầu dự trữ thương mại của 33 đơn vị nhập khẩu xăng dầu trong nước. Đây chính là "lỗ hổng" cần khắc phục trong thời gian tới./.