• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại tá tên lửa VN: Bộ đội phòng không ta làm được điều mà hệ thống Patriot Mỹ phải bó tay - Iran có nên sợ hãi?

An ninh trật tự 27/06/2020 11:03

(Tổ Quốc) - Trong chiến tranh, bộ đội TLPK VN đã từng phát hiện được mục tiêu nhỏ nhất có diện tích phản xạ radar chỉ 0,2 m2, loại mà Patriot Mỹ khó phát hiện chứ đừng nói là đánh chặn được.

Tiếp theo kỳ trước: Đại tá tên lửa Việt Nam: Iran "là Gấu, không phải Thỏ" - TT Trump dù rất khác thường cũng toát mồ hôi lạnh

--------

Đại tá tên lửa VN: Bộ đội phòng không ta làm được điều mà hệ thống Patriot Mỹ phải bó tay - Iran đừng sợ

Trong cuộc đối đầu hiện nay giữa Mỹ và một số đồng minh của họ với Iran và lực lượng Hồi giáo chống Mỹ, nổi lên cuộc đọ sức quyết liệt giữa 2 loại vũ khí.

Một bên là hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ đấu với các phương tiện tấn công của phe Iran bao gồm các UAV siêu nhỏ (drone) và tên lửa đạn đạo tầm ngắn (các phiên bản loại Scud của Nga) hay nói rộng ra là sự đua tài giữa 2 nền công nghiệp chế tạo tên lửa của Mỹ và Nga.

Kết quả sẽ ra sao trong cuộc đấu kéo dài chưa có hồi kết này? Nền khoa học kỹ thuật nào ưu việt hơn và cụ thể, hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ là vô địch hay vô dụng trong chiến tranh hiện đại ở Thế kỷ 21 này?

Đại tá tên lửa VN: Bộ đội phòng không ta làm được điều mà hệ thống Patriot Mỹ phải bó tay - Iran có nên sợ hãi? - Ảnh 1.

Trước khi xem xét vấn đề này ta cần quay lại thời điểm từ thập niên 1950, máy bay chiến đấu cánh quạt dần được thay thế bằng máy bay phản lực, tốc độ bay từ 500-600 km/h tăng lên tốc độ âm thanh (1.200 km/h) và nhanh hơn nữa, độ cao vượt 10 km – tức là vượt qua tầm bắn của các loại pháo cao xạ thời kỳ Thế chiến 2.

Nguy hiểm nhất lúc đó là loại máy bay ném bom (MBNB) hạng nặng như B-52, Tu-95… xuất hiện với số lượng hàng trăm chiếc, mang được số bom đạn hạt nhân và bom thường nhiều gấp hàng chục lần các loại máy bay chiến đấu khác.

Trong bối cảnh như vậy, loại vũ khí phòng thủ mới - tên lửa phòng không (TLPK) được ra đời trước hết là để đối phó với các phương tiện tấn công đường không (TCĐK) này trong 1 cuộc chiến tranh tổng lực toàn cầu giữa 2 phe.

Người Nga đã chọn mục tiêu chủ yếu là MBNB hạng nặng B-52 của Hoa Kỳ, còn người Mỹ thì đương nhiên là chọn loại Tu-95 của Liên Xô vì đây là 2 loại MBNB chủ lực của 2 cường quốc thời Chiến tranh Lạnh, vốn gây nhiều lo sợ nhất cho đối phương khi mà các loại tên lửa đường đạn (TLĐĐ) xuyên lục địa còn chưa xuất hiện.

Cả 2 loại MBNB này đều khổng lồ, tức là diện tích phản xạ radar (DTPXR) rất lớn, tới hàng trăm m2, ví dụ với B-52 là 100 m2…, tốc độ chưa lớn (chỉ cỡ 1.000 km/h), khả năng cơ động chậm và lúc đầu chưa có thiết bị gây nhiễu…

Đại tá tên lửa VN: Bộ đội phòng không ta làm được điều mà hệ thống Patriot Mỹ phải bó tay - Iran có nên sợ hãi? - Ảnh 2.

Máy bay ném bom B-52 Mỹ và Tu-95 Nga.

Vì vậy khi nghiên cứu chế tạo các hệ thống TLPK, các nhà thiết kế đã chọn mục tiêu chủ yếu là MBNB hạng nặng ở chế độ bay bằng ném bom với tốc độ cận âm không đổi và không có nhiễu. Bài toán này cũng là phù hợp với trình độ khoa học công nghệ lúc bấy giờ của thế giới với 2 đầu tàu là Mỹ và Liên Xô.

Khả năng của Patriot như thế nào?

Tổ hợp TLPK Patriot của Mỹ được bắt đầu nghiên cứu từ năm 1965, sản xuất và đưa vào trang bị từ năm 1982.Thành phần chính của tổ hợp Patriot gồm: đài radar điều khiển hỏa lực AN/MSQ-104, tên lửa MIM-104, bệ M-901 chứa 4 tên lửa phóng nghiêng, radar cảnh giới nhìn vòng AN/MPQ-53.

Tên lửa dài 5,18m, nặng 700kg, dùng nhiên liệu rắn, điều khiển từ xa theo lệnh vô tuyến. Diệt mục tiêu ở cự ly 3-160 km (tùy biến thể) với độ cao 60-24.000m.

Radar mảng pha đa năng của Patriot có thể đồng thời theo dõi 100 mục tiêu và điều khiển 8 tên lửa tới 3 mục tiêu khác nhau. Tổ hợp được đặt trên 5 xe bánh lốp, có khả năng cơ động cao. Mỹ đã sản xuất 858 bệ phóng và hơn 7.700 tên lửa cung cấp cho Lầu Năm Góc và bán cho nhiều nước khác.

Patriot được sử dụng rộng rãi trong nhiều cuộc chiến trên thế giới và theo Lầu Năm góc là đã đạt hiệu quả khá cao tại vùng Vịnh năm 1991 trong việc đánh chặn các tên lửa đạn đạo (TLĐĐ) Scud của Iraq.

Sau đó Patriot liên tục được cải tiến nâng cao tính năng chiến đấu (từ PAC-1 tới PAC-3), trở thành loại TLPK tối tân và thông dụng bậc nhất của Mỹ cùng nhiều đồng minh NATO cũng như các nước Ả-rập, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Nhưng cũng cần phải nhắc tới là trong quá trình sử dụng, Patriot đã từng có những chiến tích không mấy vẻ vang như ngay trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

Sở hữu hệ thống trinh sát và chỉ huy tác chiến rất hiện đại của Mỹ và Liên quân, nhưng mà vẫn xảy ra vụ TLPK Patriot (phiên bản tối tân nhất lúc đó) bắn rơi 1 máy bay cường kích Tornado của Anh làm cả 2 phi công đều thiệt mạng.

Sau đó, năm 2003, cũng vẫn hệ thống Patriot (dù đã được nâng cấp, hoàn thiện hơn) lại bắn rơi chính 1 chiếc F/A-18 của Hải quân Mỹ trên bầu trời Iraq làm phi công thiệt mạng. Còn ở Saudi Arabia, Patriot "thần thánh" đã phản chủ, chẳng những không bắn được mục tiêu mà còn lao xuống đất, gây thiệt hại lớn.

Đại tá tên lửa VN: Bộ đội phòng không ta làm được điều mà hệ thống Patriot Mỹ phải bó tay - Iran có nên sợ hãi? - Ảnh 4.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Mỹ chế tạo.

Iran có gì để tấn công?

Bên phía Iran, đó là các loại TLĐĐ tầm ngắn và UAV loại nhỏ cũng như siêu nhỏ (drone). TLĐĐ xuất xứ chủ yếu đều là từ Liên Xo và Nga, những sản phẩm đến từ Trung Quốc và Triều Tiên cũng là các phiên bản dập theo của Nga mà thôi.

Gốc của chúng là TLĐĐ Scud, được Liên Xô sản xuất với công nghệ từ thập niên 1950, có tầm bắn 150-450 km, tùy biến thể; sai số tâm mục tiêu lớn tới cỡ 3.000 m, các phiên bản sau này có tốt hơn như Scud-B/C nhưng độ lệch tâm vẫn lên tới 450-700m.

Nguyên nhân là do chúng được thiết kế để đánh các mục tiêu cố định có diện tích rộng như các thành phố, khu công nghiệp, căn cứ quân sự lớn nên cũng không cần quá chú trọng tới độ chính xác tuyệt đối.

Scud cũng được liên tục cải tiến để có tầm bắn xa hơn và độ chính xác cao hơn, nó đã trở thành loại vũ khí nổi bật trong "Cuộc chiến 8 năm" (1980-1988) giữa 2 quốc gia Hồi giáo khi Iraq bắn tới 190 tên lửa Scud vào các thành phố của Iran gồm cả thủ đô Teheran.

Nó cũng đã được sử dụng rộng rãi trong Chiến tranh vùng Vịnh 1991, khi nhiều tên lửa Scud của Iraq được bắn vào cả Israel (40 quả) và Saudi Arabia (46 quả)…

Đại tá tên lửa VN: Bộ đội phòng không ta làm được điều mà hệ thống Patriot Mỹ phải bó tay - Iran có nên sợ hãi? - Ảnh 5.

Iran hiện đang sở hữu nhiều vũ khí sát thủ có thể khiến Mỹ phải trả giá đắt.

Scud là loại TLĐĐ thông dụng nhất của các nước nhỏ vì giá thành tương đối rẻ, sử dụng thuận lợi hơn các loại tên lửa lớn tầm xa và công nghệ chế tạo không quá phức tạp để có thể sản xuất và cải tiến cho phù hợp với họ.

Ngoài ra, gần đây đã xuất hiện 1 loại phương tiện TCĐK mới, rất lợi hại là các thiết bị bay không người lái siêu nhỏ (drone), rất thuận tiện trong sử dụng, kích thước vô cùng nhỏ lại ít tiếng ồn, bay cực thấp (<100 m) và tốc độ chậm (<160 km/h) làm cho radar cũng như mắt thường rất khó phát hiện, nhất là trong đêm tối.

Drone có DTPXR nhỏ hơn cả máy bay tàng hình, tức là chỉ dưới 0,1 m2. Trong kháng chiến chống Mỹ (KCCM), loại mục tiêu nhỏ nhất có DTPXR 0,2 m2 mà bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam đã từng phát hiện được là tên lửa tự dẫn chống radar (TLTDCR) loại Sơrai.

Điều đó có nghĩa là Patriot của Mỹ và nhiều hệ thống tên lửa phòng không của phương Tây sẽ khó có thể phát hiện, chứ đừng nói tới việc đánh chặn được các drone, vì từ đầu chúng vốn được thiết kế để đánh các phương tiện TCĐK có DTPXR từ 1 m2 trở lên.

Đây là 1 trong những tiêu chí cơ bản để thiết kế các hệ thống TLPK trước đây mà nói chung mọi người ít biết tới, tức là không phải cứ TLPK thì có thể bắn hạ được mọi loại mục tiêu, nhất là từ lúc xuất hiện các thiết bị tác chiến điện tử (cuối thập niên 1960 trong KCCM) và sau này là công nghệ tàng hình (đầu thập niên 1980 với máy bay F-117 Mỹ).

Xin được nhắc lại tính năng thiết kế cơ bản của loại SAM-2 mà ta đã sử dụng trong KCCM: với mục tiêu bay bằng, có DTPXR >1 m2 và tốc độ không đổi, không có nhiễu thì xác suất diệt mục tiêu khi bắn 3 tên lửa là 0,96.

Nếu đài điều khiển tên lửa bị gây nhiễu, còn máy bay địch liên tục cơ động cả về phương vị, góc tà và tốc độ, đồng thời lại đánh trả bằng TLTDCR… thì xác suất này sẽ bị giảm đi rất nhiều, thậm chí là bằng 0.

Điều này có thể thấy rõ trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972 ở Hà Nội mà theo thống kê của các chuyên gia Liên Xô tại thực địa thì bộ đội tên lửa Việt Nam đã phóng 244 tên lửa hạ 31 pháo đài bay B-52, đạt hiệu suất 7,9 tên lửa diệt 1 chiếc B-52.

Đại tá tên lửa VN: Bộ đội phòng không ta làm được điều mà hệ thống Patriot Mỹ phải bó tay - Iran có nên sợ hãi? - Ảnh 7.

Siêu pháo đài bay B-52 bị tên lửa phòng không Việt Nam bắn rơi tại chỗ.

Đây là hiệu suất chiến đấu rất cao trong tình huống nhiễu điện tử cường độ 3 cực mạnh cùng với đủ loại TLTDCR và bom đạn khác của Mỹ nhằm vào các trận địa tên lửa Việt Nam.

Ở Trung Đông, trong cuộc chiến cùng thập niên 1970 này, phòng không Ai Cập đã phải dùng tới 11 quả SAM-2 mới hạ được 1 máy bay chiến thuật loại F-4 của Israel.

Lúc đầu drone là 1 thiết bị bay (TBB) dân sự, không người lái (KNL), có thể chở hàng nhẹ hoặc gắn camera quay phim, chụp ảnh (flycam) nhưng sau đó được gắn vũ khí (thuốc nổ, chất cháy, bom nhỏ…) để thực hiện nhiệm vụ tấn công cảm tử và gây bất ngờ lớn, làm cho mọi hệ thống phòng không phải đối phó vô cùng lúng túng.

Chế tạo đơn giản hoặc có thể mua trên thị trường với giá rẻ, điều khiển dễ dàng, cất cánh thẳng đứng không cần sân bay, mang vác gọn nhẹ… là những ưu điểm nổi bật của loại TBB KNL này mà không có loại UAV quân sự nào sánh bằng.

Nó lập tức được các lực lượng nổi dậy, thậm chí cả QĐ nhiều nước sử dụng cho mục đích trinh sát và tấn công đối phương mà ở khu vực Trung Đông là rõ nhất.

Gần đây, ngày 14/9/2019 lực lượng nổi dậy Houthi đã dùng 18 drone cùng 7 tên lửa tầm ngắn tấn công và gây tổn thất lớn cho 2 nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia mà đối thủ không thể ngăn cản được.

Thậm chí phòng không Saudi Arabia còn không hề phát hiện được mục tiêu dù có hệ thống phòng thủ hiện đại và rất đắt tiền với nhiều tổ hợp Patriot mua của Mỹ. Tới tháng 9/2019, Saudi Arabia đã có 88 bệ phóng Patriot, trong đó có 52 là phiên bản PAC-3 mới nhất.

Đêm 8/1/2020 Iran lại phóng khoảng 20 TLĐĐ tầm ngắn vào 2 căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq để trả đũa cho việc tướng Soleimani vừa bị Mỹ sát hại và các hệ thống Patriot Mỹ ở đây cũng lại thêm một lần bó tay trước cuộc tấn công này vì các mục tiêu đó có DTPXR chỉ cỡ 1 m2 và tốc độ bay rất lớn.

Đại tá tên lửa VN: Bộ đội phòng không ta làm được điều mà hệ thống Patriot Mỹ phải bó tay - Iran có nên sợ hãi? - Ảnh 8.

Căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq bị tên lửa Iran tấn công gây thiệt hại nặng hôm 08/01/2020.

Với những cuộc tập kích kiểu này thì không chỉ Patriot mà nhiều loại TLPK hiện nay cũng khó mà phát hiện và đánh chặn được. Ngoài ra, bức xạ nhiệt của drone cũng lại cực nhỏ nên đồng thời sẽ gây khó cho cả các loại tên lửa tầm nhiệt của bên phòng thủ.

Do đó việc đối phó với loại phương tiện TCĐK mới này đang làm đau đầu tất cả các nhà quân sự thế giới chứ không riêng gì các tướng lĩnh Mỹ và Arab Saudi.

Trên thực tế, không có loại vũ khí nào là hoàn hảo tuyệt đối 100% như quảng cáo của các nhà sản xuất phương Tây khi rao bán sản phẩm của họ. Vũ khí Mỹ cũng như vũ khí Nga hay bất cứ loại vũ khí nào đều có những mặt mạnh và điểm yếu, quan trọng hơn cả chính là người sử dụng để nó đạt được hiệu quả cao nhất.

Có thể thấy rõ điều này trong các cuộc chiến tranh đã qua: ở Việt Nam, vũ khí Nga (như súng AK, xe tăng T-54, tên lửa SAM-2, MiG-21…) trong tay các chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam đã chiến thắng vũ khí Mỹ (như AR-15, M-48, F-4, F-5…) trong tay lính Việt Nam Cộng hòa và chính cả lính Mỹ.

Cùng thời gian đó ở Trung Đông, cũng những loại vũ khí Nga ấy trong tay quân Ai Cập lại thất bại hoàn toàn trước vũ khí Mỹ trong tay quân Israel!

Như vậy có thể thấy rằng tên lửa Patriot không hẳn là vô dụng trong chiến tranh hiện đại nhưng cũng không phải là vô địch khi đối đầu với các loại phương tiện tấn công đa dạng trong tay những đối thủ dũng cảm và tài trí.

Vì thế, nếu xảy ra xung đột (tất nhiên là chẳng ai muốn) thì Iran vẫn có những "quân bài tẩy" đủ để khiến Mỹ và đồng minh phải lo ngại.

Đại tá Nguyễn Thụy Anh - Cục Khoa học Quân sự / BTTM

NỔI BẬT TRANG CHỦ