• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong nỗi nhớ của con trai

05/05/2014 10:44

(Toquoc)- Cả đất nước đang tưng bừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong những ngày tháng Năm lịch sử này, một lần nữa chúng ta cùng nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua góc nhìn con út của Ông.



LTS: Cả đất nước đang tưng bừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đã có rất nhiều cuộc hội thảo trong nước cũng như quốc tế đánh giá về chiến thắng vĩ đại của quân và dân Việt Nam. Trong chiến thắng ấy, không thể không nhắc tới vai trò của vị Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Trong những ngày tháng Năm lịch sử này, một lần nữa chúng ta cùng nhớ về Ông qua góc nhìn của
anh Võ Hồng Nam- con út của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.



Không bao giờ đặt sức ép đi học phải đạt điểm 9, 10 lên các con, Đại tướng còn dạy con phải học sử và điều tốt cho đồng bào thì phải làm thật nhiều.

Trở lại ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu trong những ngày tháng 4, tháng 5 lịch sử, không gian vẫn như lưu dấu chân của Đại tướng. Hoa cúc vẫn vàng trước thềm nhà, những giò phong lan- loài hoa yêu thích của Đại tướng vẫn khoe sắc trong nắng như chưa từng thiếu vắng bàn tay chăm sóc của chủ nhân. Khi mỗi người dân Việt Nam đang sống trong không khí tự hào của 60 năm chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu, khi thế giới nhắc đến Việt Nam với lòng kính phục, chúng tôi đã ngồi trò chuyện với anh Võ Hồng Nam- con út của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, để hiểu thêm về cuộc sống bình dị phía sau Con Người huyền thoại ấy.



Ngôi nhà hiện dành riêng một gian làm nơi thờ Đại tướng - Ảnh: Ngọc Thành

Dạy con yêu Sử, yêu đồng bào

Anh Nam kể: Ngày anh còn nhỏ, ba thường đi công tác, thời gian dành cho các con không nhiều. Nhưng mỗi khi ở nhà, trong bữa cơm ba thường kể chuyện đi các nơi cho các con nghe, như một cách dạy con. Lúc rảnh, ba hỏi con xem học thế nào, có thích không. Từ khi tôi còn bé ba đã dạy các con rất cụ thể: ba kể chuyện lịch sử đất nước, lịch sử cách mạng bao giờ cũng gắn với những chuyến đi thực tế của ông. Ông đi đến sông Bạch Đằng, ông lại kể chuyện những trận đánh lịch sử trên sông, Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo đánh giặc như thế nào, đến Côn Sơn Kiếp Bạc ông nói về Nguyễn Trãi….Ông nói nhiều về những con người Việt Nam trên từng vùng đất ông qua. Đi đến đâu ông cũng dùng bản đồ để nói cho các con rất cụ thể. Đặc biệt, ông vẽ bản đồ rất nhanh.

Những bài học đầu tiên mà ông dạy con là lịch sử, con người, những đồng bào đã ngã xuống. Đi đến đâu ông cũng nhìn bản đồ, nói thêm, vẽ lại. Những vùng đất ông đến, sau này, vài chục năm quay lại, ông vẫn nhớ từng nơi, từng người đã gặp.



Anh Võ Hồng Nam, con trai út của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: Ngọc Thành

“Đi đến đâu ông cũng viếng nghĩa trang liệt sỹ. Năm 1995, khi đi thăm nhà cụ Phan Chu Trinh, ba tôi kể khi nhìn thấy giá sách của cụ Phan, trên giá không còn quyển sách nào. Rồi ông kể, ngày xưa cụ Phan nhiều sách lắm. Cụ còn bảo Chú Giáp ạ, sau tôi mất thì tủ sách này là của chú”.

“Ba mẹ không bao giờ mắng các con. Để các con nói lên suy nghĩ của mình. Và ông chỉ dặn, con đi học thì cố gắng học cho tốt. Ông không yêu cầu điểm 9, điểm 10. Ba cũng không có thời gian dạy nhiều, nhất là thời kỳ chiến tranh. Mỗi kỳ tôi nghỉ hè, ba tôi đưa cho những quyển sách sử, thời Lý, Trần, Lê, bắt tôi đọc và đọc xong phải viết tóm tắt lại những trận đánh…”- anh Nam bồi hồi nhớ lại.


 

Không chỉ dạy con học Sử, ông còn dạy cách sống với đồng bào. Anh Nam chia sẻ: “Không phải ngẫu nhiên mà quyển hồi ký đầu tiên của ông tên là “Từ nhân dân mà ra”. Lúc còn bé tôi cũng không hiểu hết vì sao nhiều người đến nhà mình, nói chuyện với ba thế. Không chỉ các tướng lĩnh trong quân đội mà cả những người dân, những đồng bào dân tộc. Nói chuyện với ai ông cũng ghi chép rất cẩn thận. Sau này, lớn lên, có dịp đi các vùng với ông, nghe ông nói về ký ức, đặc biệt là cách ông đối xử với đồng bào, các anh em, tướng lĩnh trong quân đội, tôi mới hiểu. Ông đến với đồng bào dân tộc, cứ như đến nhà mình, ông nhớ từng người. Tình cảm của ông với mọi người luôn như tình cảm của người anh cả với các em.

Ông luôn dạy anh em chúng tôi: “Các con làm công việc gì cũng được, nhưng phải làm cho tốt. Đồng bào đã nuôi nấng, bao bọc cho ba, cho cách mạng, phải biết sống hết lòng với đồng bào, chết với đồng bào”.



Căn phòng và những kỷ niệm của Đại tướng -Ảnh: Ngọc Thành

Ông cũng dạy: Định làm việc gì thì cố làm cho tốt và phải luôn ghi nhớ công ơn những người đã ngã xuống, giúp đỡ con cháu những người ngã xuống. Cuộc sống của đồng bào ở Điện Biên, Cao Bằng và nhiều nơi khác giờ còn khó khăn lắm, phải giúp đồng bào đỡ nghèo khó hơn.

“Tôi được nuôi dạy lớn lên như vậy và luôn luôn tâm niệm một điều, phải làm điều tốt cho đồng bào. Sau này khi ông yếu hơn, vợ chồng tôi làm những chương trình đến các vùng cách mạng như Điện Biên, Pác Bó (Cao Bằng) để tri ân. Những chương trình bữa cơm trường học, tặng quần áo cho đồng bào, khi tôi cùng vợ và bạn bè đi làm, tôi thường chụp ảnh mang về cho ông xem. Ông vui lắm”.

“Bác ở lại với đồng bào đi”

“Chỉ cần qua cách các con nói chuyện với ba, nhìn phong cách sống của ba thì càng lớn chúng tôi càng hiểu những điều ba dạy. Cuốn hồi ký “Từ nhân dân mà ra” không chỉ nói đến quân đội mà nói nước này, chế độ này là của dân, từ dân mà ra. 34 chiến sĩ giải phóng quân đầu tiên cũng chỉ có 5 người Kinh, còn lại là người dân tộc thiểu số. Ông bảo quân đội từ nhân dân mà ra, khi chiến tranh đói khổ được đồng bào nuôi nấng, bao bọc. Ông kể khi đi cách mạng, địch khủng bố dân vẫn bao bọc mình. Thậm chí chọn cái chết để bảo vệ mình nên khi xây dựng đất nước hòa bình, ấm no thì phải giúp đồng bào. Miền núi còn vất vả khó khăn, thiệt thòi vì vậy tôi vận động bạn bè vào giúp đỡ, làm hệ thống bếp hơi trong nhà trường, hơi nóng thì để sưởi, nấu ăn. Ông vui lắm. Ông bảo nhà nước không lo hết được, mọi người phải chung tay giúp. Mình hứa điều gì cũng phải làm cho được. Một lần mất tín vạn lần mất tin”- anh Nam trầm giọng.

“Nhiều vùng đất, ông đã rời xa mấy chục năm nhưng khi trở lại,, đồng bào vẫn nhớ, vẫn coi như người nhà. Cách đây mấy năm, tôi và gia đình lên Cao Bằng, ghé nhà bà Bàn Thị Chủ, ở Nguyên Bình. Giới thiệu là con ông Giáp đây, bà mừng lắm, ôm tôi khóc như mưa. Bà cũng gần 90 tuổi rồi, móm mém bảo: “Bà là Bàn Thị Chủ, nhưng bác Giáp đặt tên cho bà là Kim Sơn”.

Tình cảm của ba như vậy nên đồng bào cũng yêu quý lắm. Năm 1994 lên Cao Bằng, người dân trên đó khi ấy còn nghèo lắm, phương tiện đi lại, thông tin cũng không tiện như bây giờ. Đồng bào người thì biếu chai mật ong, người thì mấy quá trứng. Ba tôi nhận và bảo: “Bà con có nuôi được tôi không”? Đồng bào cứ bảo: Bác ở đây đi, ở đây với đồng bào.

Năm kỷ niệm 50 năm giải phóng Điện Biên, được biết ba tôi lên, cả gia đình một người Dao, tứ đại đồng đường, cả cháu nhỏ đến bà già đều đến chờ được gặp. Cụ già gần 80 cứ nắm tay ba tôi xúc động khóc. Bảo đi bộ cả ngày đường chỉ để gặp ông.

Chị Mạc Thúy Hường, vợ anh Nam không giấu được xúc động khi nhắc về cha: “1559 ngày năm viện, ba vẫn nói nếu khỏe, sẽ đi thăm tất cả các vùng miền của đất nước mình, thăm đồng bào”. Ba nói được tiếng của mấy dân tộc như Tày, Thái. Câu “chúc mạnh khỏe, sống lâu cũng là xuất phát từ lời chúc của đồng bào Tày. Lần ông nằm viện vẫn còn tỉnh táo, tôi hay vào chúc ông bằng tiếng Tày như thế, ông vui lắm”.

Tên người con ông gọi cuối cùng trước khi ra đi vĩnh viễn là Hường. Chị Hường bảo, chị hay chọc ba, cứ mỗi lần vào viện lại bảo, ba ơi ba gọi tên con đi, ba lại nói “Hường”, Hường mà như “Hừ” vậy.



Ảnh trong cuốn tư liệu gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp 

“Mấy chục năm về làm dâu, tôi biết ba tôi rất thích chúc người khác: mạnh khỏe sống lâu. Kể cả với trẻ con ông cũng chúc vậy. Đặc biệt, ba không bao giờ mắng mỏ ai, dù người khác mắc lỗi. Tình cảm của ba với mẹ thì càng sâu sắc. Ba lúc nào cũng nhẹ nhàng với mẹ, cứ một câu “anh với Hà”, hai câu “anh với Hà” chứ không “bà với tôi” bao giờ. Tình cảm ngọt ngào của ba mẹ là tấm gương về tình vợ chồng mà chị học tập”.

 


18h09 phút chiều 4/10, Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời tại bệnh viện 108- nơi ông nằm điều trị từ năm 2009, một tháng sau khi ông sang tuổi 103. Ngay trong đêm, nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới đã đồng loạt đưa tin Đại tướng trên vị trí nổi bật. Bloomberg dẫn lời Stanley Karnow, nhà báo kiêm nhà sử học và là tác giả một cuốn sách nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam nhận xét: "Sau Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20. Ông là một vị tướng tự học, và chìa khóa của tài chỉ huy quân sự của ông là chiến lược kiên trì bền bỉ tuyệt đối”.

Tân Hoa Xã ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị anh hùng, là một huyền thoại ở Việt Nam: "Ông được người dân Việt Nam tôn kính, chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Hãng thông tấn Mỹ AP viết: Tướng Giáp nổi lên "là một lãnh đạo của đội quân áo vải, gồm những du kích quân đi dép xăng đan làm từ lốp xe, kéo từng cỗ pháo qua những ngọn núi để bao vây và tiêu diệt quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954".

Ngay trong tối 4/10, nhiều người dân đã tụ về ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu để bày tỏ nỗi tiếc thương của mình trước sự ra đi của một huyền thoại trong lòng dân của thế kỷ XX. Trước nguyện vọng của người dân, hai ngày sau sự ra đi của Đại tướng, gia đình đã mở cửa để mọi người được vào tư gia viếng Người. Rất nhiều người dân ở các vùng xa xôi về tiễn biệt vị Đại tướng trong lòng dân. Những bác nông dân, cựu chiến binh, học sinh, sinh viên, các công chức, viên chức, học sinh, thiếu niên, nhi đồng… trên khắp cả nước đã không quản xa xôi, không ngại đội cái nắng tháng 10 Hà Nội cả ngày trời để có cơ hội vào viếng vị Đại tướng của nhân dân. Có người cựu chiến binh đi xe máy từ Điện Biên về Hà Nội viếng Đại tướng rồi lại đi xe vào Vũng Chùa (Quảng Bình) chờ đón Đại tướng khi Người về nơi an nghỉ cuối cùng. Tính từ 14 giờ ngày 6/10 đến hết ngày 10/10 đã có hơn 10 vạn người vào viếng Đại tướng. Có lẽ, trong lịch sử Việt Nam, đó là tang lễ lớn nhất trong lòng dân, sau tang lễ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng, Đảo Yến- Vũng Chùa cũng trở thành điểm thăm viếng không thể thiếu của người dân Việt Nam mỗi khi đến Quảng Bình. UBND tỉnh Quảng Bình vừa quyết định mở tuyến xe buýt chạy thẳng từ ga đường sắt Đồng Hới (TP Đồng Hới) đến Đảo Yến nhằm phục vụ du khách đến thăm viếng mộ Đại tướng và người dân địa phương đi lại. Tổng công ty Đường sắt VN cũng đã có đề nghị kết nối vận chuyển hành khách giữa tàu lửa từ ga Đồng Hới với đường bộ, trong đó có tuyến viếng mộ Đại tướng, và nghiên cứu lập ga mới gần với khu mộ Đại tướng. Sự ra đi của một Con Người, một Nhân cách lớn không phải là sự ra đi mãi mãi mà là sự ra đi để Con Người đó trở thành bất tử.

 

Dạ Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ