(Tổ Quốc) - UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản số 2547/UBND-KGVX, giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, có ý kiến đối với dự thảo Thông tư quy định trình giám định tư pháp đối với di vật, cổ vật và Dự thảo Thông tư quy định trình giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ảnh minh họa (nguồn: Báo Tin Tức)
Theo đó, Dự thảo Thông tư quy định trình giám định tư pháp đối với di vật, cổ vật và Dự thảo Thông tư Quy định quy trình giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan, mỗi Thông tư gồm 11 Điều (Điều 1. Phạm vi điều chỉnh; Điều 2. Đối tượng áp dụng; Điều 3. Giải thích từ ngữ; Điều 4. Tiếp nhận yêu cầu, trưng cầu giám định; Điều 5. Chuẩn bị thực hiện giám định; Điều 6. Thực hiện giám định; Điều 7. Kết luận giám định; Điều 8. Bàn giao kết luận giám định; Điều 9. Lập hồ sơ, lưu giữ hồ sơ giám định; Điều 10. Tổ chức thực hiện và Điều 11. Hiệu lực thi hành.
Đối với Dự thảo Thông tư Quy định quy trình giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan, cần lưu ý đối việc tiếp nhận yêu cầu, trưng cầu giám định, cụ thể: Người giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan (sau đây gọi là người giám định tư pháp), tổ chức giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan (sau đây gọi là tổ chức giám định tư pháp) tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định kèm theo đối tượng giám định và tài liệu, mẫu vật có liên quan (nếu có) để thực hiện giám định; trường hợp không đủ điều kiện giám định thì từ chối theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp; Việc giao, nhận hồ sơ, tài liệu, đối tượng trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 07/2014/TT-BVHTTDL ngày 23 tháng 7 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định hồ sơ, các mẫu văn bản thực hiện giám định tư pháp; áp dụng quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định của Văn phòng giám định tư pháp về di vật, cổ vật, quyền tác giả, quyền liên quan (sau đây gọi là Thông tư 07/2014/TT-BVHTTDL).
Đối với nội dung chuẩn bị thực hiện giám định: Người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp tiến hành nghiên cứu hồ sơ trưng cầu, yêu cầu và các quy định cụ thể của pháp luật về sở hữu trí tuệ để chuẩn bị thực hiện giám định tư pháp. Trường hợp cần làm rõ thêm về nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định, đối tượng giám định thì đề nghị người trưng cầu, yêu cầu cung cấp thêm thông tin, tài liệu có liên quan.
Người giám định tư pháp có thể tự mình tiến hành lấy mẫu giám định (các hiện vật cụ thể là yếu tố xâm phạm hoặc đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ) hoặc đề nghị người trưng cầu, yêu cầu giám định cung cấp mẫu giám định. Việc lấy mẫu giám định phải được lập thành biên bản và được lưu trong hồ sơ giám định. Trường hợp cần thiết, người giám định tư pháp tổ chức lấy kết quả xét nghiệm hoặc kết luận chuyên môn khác để đưa ra đánh giá, kết luận. Tổ chức giám định tư pháp quyết định tiến hành giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan bằng hình thức giám định cá nhân hoặc giám định tập thể. Trường hợp giám định tập thể thì số lượng người tham gia giám định tư pháp phải từ 03 người trở lên, trong đó có ít nhất 01 người thuộc chuyên ngành đào tạo về Luật. Tổ chức giám định tư pháp căn cứ vào hồ sơ trưng cầu, yêu cầu giám định để lựa chọn giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc phù hợp, phân công người chịu trách nhiệm điều phối việc thực hiện giám định tư pháp.
Tại văn bản, UBND tỉnh yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải gửi văn bản góp ý về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 15/4/2019./.