• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đắk Lắk thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Văn hoá 11/10/2024 10:22

(Tổ Quốc) - Tỉnh Đắk Lắk phát triển công nghiệp văn hóa đáp ứng các yếu tố sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh, bền vững,...

UBND tỉnh Đắk Lắk mới đây đã ban hành Công văn số 8042/UBND-KGVX về việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chủ trì, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, căn cứ nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện.

Theo Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu trong việc chủ động phát triển các lĩnh vực công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế ở địa phương và xây dựng kế hoạch ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa do địa phương ban hành; chủ động sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ phù hợp với tình hình của địa phương trong giai đoạn mới,...

Đắk Lắk thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa - Ảnh 1.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức hai năm một lần, là sự kiện có ảnh hưởng lớn và để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân, du khách.

Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk thông tin, triển khai thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, sau 5 năm, tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa.

Quá trình triển khai thực hiện phát triển công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, phát huy được lợi thế của địa phương, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh; đồng thời gắn liền quảng bá hình ảnh, con người góp phần bảo vệ phát huy di sản văn hóa các dân tộc trong quá trình giao lưu hội nhập và hợp tác quốc tế.

Nhận thức của các cấp, các ngành trong tỉnh Đắk Lắk về công nghiệp văn hóa được nâng cao; nhiều công trình di tích lịch sử - văn hóa được đầu tư nhằm bảo tồn và phát huy bền vững giá trị gắn kết với phát triển du lịch; nhiều cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh làng nghề truyền thống đã được đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới mẫu mã sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm,… Qua đó, góp phần xây dựng đời sống nhân dân ngày càng phát triển, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào sự phát triển của công nghiệp văn hóa./.

Đ.Thảo

NỔI BẬT TRANG CHỦ