• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đảm bảo sẽ thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV

Thời sự 11/04/2023 20:01

(Tổ Quốc) - Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phải tiếp tục chuẩn bị tích cực, thống nhất được lộ trình và đảm bảo sẽ thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.

Chưa khắc phục tình trạng chậm gửi tài liệu đến cơ quan của Quốc hội

Chiều 11/4, phát biểu bế mạc phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau hai ngày làm việc rất khẩn trương, tích cực, phiên họp định kỳ tháng 4, phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ các chương trình đề ra với 8 nội dung.

Trong đó có 3 nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cho ý kiến để trình tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, bao gồm: dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024; cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng".

Đảm bảo sẽ thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 4 và cho ý kiến về nội dung chương trình, cách thức tổ chức Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV. Đồng thời cũng xem xét cho ý kiến và quyết định 4 nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, phiên họp lần thứ 22 này là một phiên họp quan trọng để chuẩn bị cho các nội dung của Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Khối lượng nhiệm vụ công tác từ nay đến Kỳ họp thứ 5 là rất lớn, nhất là công tác lập pháp, trong khi thời gian còn rất ngắn. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội bám sát chương trình dự kiến đã được thông qua để tiến hành các hoạt động của từng cơ quan và đôn đốc các cơ quan, tổ chức thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ tại phiên họp này các cơ quan trình vẫn chưa khắc phục được tình trạng chậm gửi tài liệu đến cơ quan của Quốc hội. Mặc dù nhiều nội dung đã có trong chương trình công tác năm 2023 và được thông báo đến các cơ quan hữu quan rất sớm để chuẩn bị. Nhưng cho đến phiên họp này thì vẫn còn có tình trạng gửi tài liệu chậm. Mức độ nào đó cũng làm hạn chế đến kết quả của phiên họp. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phải hết sức rút kinh nghiệm.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, ngay sau phiên họp thường kỳ tháng 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp phiên chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật, bắt đầu từ ngày 12/4, để tiếp tục cho ý kiến đối với một số dự án luật xem xét bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024, cho ý kiến những dự án luật sẽ trình để xin ý kiến tại Quốc hội Kỳ họp thứ 5.

Riêng đối với vấn đề liên quan đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết trong trường hợp cần thiết thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức riêng một buổi, thậm chí là một ngày sau phiên họp chuyên đề về pháp luật để các cơ quan có thời gian chỉnh lý, bổ sung dự án Luật này sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, kết luận của Chính phủ cũng như tiếp thu những ý kiến đóng góp của các cơ quan hữu quan, nhất là ý kiến của Nhân dân đã gửi đến Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phải tiếp tục chuẩn bị tích cực, thống nhất được lộ trình và đảm bảo sẽ thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6.

Đảm bảo sẽ thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. - Ảnh 2.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 22

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục quán triệt nguyên tắc chung là khẩn trương, nỗ lực cao nhất, phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng với Chính phủ, các cơ quan hữu quan. Nhấn mạnh, chỉ khi các nội dung được chuẩn bị kỹ lưỡng, hồ sơ đầy đủ thì mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến để trình Quốc hội có như vậy mới đảm bảo được chất lượng. Những việc chưa thực sự cấp bách hoặc chưa đảm bảo chất lượng thì cần tiếp tục hoàn thiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét tại phiên họp thường kỳ tháng 5.

Trình Quốc hội giám sát về quản lý thị trường bất động sản, nhà ở xã hội 

Trước đó, trong phiên thảo luận buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. Đồng thời xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Đảm bảo sẽ thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. - Ảnh 3.

Tổng Thư ký Quốc hội trình bày báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, dự kiến Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trình bày dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp theo 10 nhóm lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Căn cứ vào tiêu chí lựa chọn cũng như qua nghiên cứu kiến nghị của cử tri, điểm báo, qua rà soát các nội dung đã thực hiện, cân đối các lĩnh vực và từ tình hình thực tiễn, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến, đề xuất 7 chuyên đề để xin ý kiến các đồng chí thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 5 chuyên đề, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 04 chuyên đề, trình Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề (2 chuyên đề còn lại giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo Quốc hội).

Theo đó, Tổng Thư ký Quốc hội trân trọng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, lựa chọn 4 trong 5 nội dung chuyên đề giám sát cụ thể:

Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023.

Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Chuyên đề 5: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Tổng Thư ký Quốc hội trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định; đồng thời kính đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 4 trong số 5 chuyên đề. Với 4 chuyên đề được lựa chọn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao (02 chuyên đề còn lại giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo Quốc hội).

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ