Đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác truyền thông chính sách tại Bộ VHTTDL
(Tổ Quốc) - Sáng 18/5, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức buổi Toạ đàm "Trao đổi về tình hình triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và việc thực hiện quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ tại Bộ VHTTDL.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ VHTTDL đảm bảo kịp thời, đồng bộ, hiệu quả
Tại buổi Toạ đàm, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL đã trình bày Báo cáo tình hình thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027".
Theo đó, năm 2022, công tác tổ chức, chỉ đạo điều hành phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của Bộ VHTTDL nhìn chung đảm bảo kịp thời, đồng bộ, hiệu quả. Bộ đã ban hành 12 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai hoạt động PBGDPL. Tăng cường PBGDPL theo các nhóm đối tượng, trước hết với nhóm đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, pháp luật, ưu tiên công chức, viên chức, người lao động, văn nghệ sỹ, vận động viên, huấn luyện viên thuộc phạm vi quản lý.
Đặc biệt, năm 2022, Bộ đã xây dựng và ban hành Đề án "Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2022 – 2026" làm cơ sở để việc triển khai PBGDPL bài bản và đảm bảo nguồn lực thực hiện.
Năm 2022 cũng là năm đầu tiên Bộ VHTTDL tổ chức thành công cuộc thi "Sáng kiến, mô hình PBGDPL hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở". Cuộc thi nhằm tìm kiếm, tôn vinh, nhân rộng những sáng kiến, mô hình PBGDPL thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở đang được triển khai trong thực tiễn hoặc có thể áp dụng rộng rãi, hiệu quả vào thực tiễn. Ban tổ chức đã nhận được tổng số 1015 bài dự thi, trao giải thưởng Cuộc thi cho 11 cá nhân và 10 tập thể đạt giải.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết, để tiếp nối kết quả đạt được năm 2023, Bộ VHTTDL đã ban hành kế hoạch PBGDPL ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2023 đề ra 9 nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trọng tâm trong năm 2023 và các nhiệm vụ trọng tâm cho các cơ quan, đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Về nội dung, PBGDPL tập trung tuyên truyền việc thể chế hóa chủ trương, quan điểm, chính sách trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phổ biến các văn bản, chính sách cho cán bộ, nhân dân, tập trung vào các luật, pháp lệnh, văn bản mới thông qua năm 2022 và năm 2023; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)...
Về tình hình thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027", ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án, Bộ VHTTDL đã ban hành công văn gửi thủ trưởng các cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước thuộc Bộ; thủ trưởng các cơ quan báo chí thuộc Bộ để triển khai, quán triệt đầy đủ nội dung thực hiện Đề án.
Ngoài các công văn đôn đốc triển khai việc truyền thông chính sách chung, Bộ VHTTDL đã ban hành các kế hoạch riêng về công tác truyền thông chính sách theo từng lĩnh vực cụ thể
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, nhìn chung, hoạt động truyền thông chính sách đã được Bộ VHTTDL triển khai sâu rộng qua nhiều kênh thông tin khác nhau giúp nội dung chính sách được truyền tải rộng rãi với nhiều hình thức phong phú và sinh động, tiếp cận được đông đảo đối tượng nhân dân. Tuy nhiên, ở một số đơn vị chưa nhận thức rõ ý nghĩa, vai trò của công tác truyền thông chính sách nên việc truyền thông chính sách còn chậm triển khai; đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác truyền thông còn thiếu kinh nghiệm và kinh phí hỗ trợ công tác truyền thông chính sách còn hạn chế.
Phát triển của các nền tảng mạng xã hội để truyền thông chính sách
Về các kiến nghị, đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông dự thảo chính sách trong thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Sơn đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết hơn kinh phí từ ngân sách đáp ứng hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội. Sớm hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, trong đó hướng dẫn nội dung chi và mức chi đối với công việc truyền thông chính sách.
Đề nghị Bộ Tư pháp sớm tổ chức sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg và sớm ban hành tài liệu hướng dẫn kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách, thiết lập cơ sở dữ liệu PBGDPL dùng chung và vận hành Cổng thông tin PBGDPL quốc gia. Sớm xây dựng Đề án chuyển đổi số trong công tác PBGDPL triển khai Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL tiếp tục chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, xây dựng thêm các trang thông tin, chuyên mục dành riêng cho truyền thông chính sách và tận dụng sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok,... để truyền thông chính sách tiếp cận phù hợp với đối tượng chịu sự tác động.
Tại Toạ đàm, đại diện Trung tâm Công nghệ thông tin; Cục Bản quyền tác giả; Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL đã trình bày tình hình hoạt động của đơn vị và nêu một số khó khăn, đề xuất kiến nghị trong hoạt động truyền thông chính sách. Đại diện Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông; Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính; Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp và các thành viên Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương đã phát biểu, làm rõ các vấn đề được nêu tại Toạ đàm.
Phải có sự đổi mới về tư duy, cách thức tác nghiệp
Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận buổi Toạ đàm, ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp, Tổ trưởng Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương cho rằng, qua các thông tin được trao đổi tại Toạ đàm, có thể nhìn thấy một bức tranh đồ sộ, đa sắc màu và có chiều sâu về công tác quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL, trong đó có công tác thể chế, đặc biệt là công tác truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật thuộc các lĩnh vực mà Bộ VHTTDL quản lý.
Trên cơ sở các ý kiến tại buổi làm việc, Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp đã trao đổi thêm các ý kiến gợi mở để triển khai chính sách pháp luật và truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật một cách bài bản, chặt chẽ, đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả hơn nữa, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Trong đó, đối với vấn đề con người, theo ông Lê Vệ Quốc, trong bối cảnh hiện nay khi Thủ tướng Chính phủ đặt ra yêu cầu rất cao về tăng cường công tác truyền thông chính sách, với nhu cầu đòi hỏi cao của xã hội, sự nâng cao về dân trí và tác động mạnh mẽ của công nghệ thông tin thì đội ngũ con người cũng phải có sự thay đổi, cần phải có sự đổi mới về tư duy, cách thức tác nghiệp.
Theo ông Lê Vệ Quốc, để làm tốt công tác truyền thông chính sách thì phải triển khai được việc tập huấn, bồi dưỡng và kết hợp được 3 lực lượng gồm các công chức trong các đơn vị chủ trì về chuyên môn; các công chức của Vụ Pháp chế và các cơ quan thông tấn báo chí. Ba lực lương này phải được đạo tạo, tập huấn, bồi dưỡng về công tác truyền thông, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật trong điều kiện, bối cảnh mới.
Bên cạnh đó, đội ngũ báo cáo viên hiện có của Bộ VHTTDL cũng cần phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ Tư pháp để tập huấn hằng năm. Trong nội dung tập huấn phải phân định rất rõ truyền thông chính sách pháp luật ngay trong quá trình dự thảo xây dựng khác với phổ biến, giáo dục pháp luật theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Đối với vấn đề tài chính, ông Lê Vệ Quốc cho biết đã có nhiều văn bản pháp luật quy định liên quan đến vấn đề truyền thống chính sách với nội dung chi và mức chi được cập nhật phù hợp với thực tiễn.
Theo ông Lê Vệ Quốc, cũng cần có cơ chế kinh tế báo chí cho các cơ quan truyền thông, đồng thời, giải phóng nguồn lực, tạo cơ chế cho công tác truyền thông và phổ biến giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó, Vụ Pháp chế cần tham mưu cho lãnh đạo Bộ VHTTDL để tăng ngân sách cho công tác truyền thông chính sách.
Đối với cách thức tổ chức thực hiện, ông Lê Vệ Quốc nhấn mạnh, cần phải làm có bài bản, có hiệu quả, đảm bảo tính thực chất. Phải có kế hoạch truyền thông chính sách pháp luật với sự tham gia của nhiều bên chứ không phải tự thân mỗi đơn vị một kế hoạch. Bên cạnh đó, trước khi đưa ra kế hoạch thì phải có khảo sát để nắm được nhu cầu, việc khảo sát để cho ra kế hoạch bài bản đúng thực tiễn là rất quan trọng.
Về thời gian, phải tổ chức truyền thông vào những dịp, những thời điểm người dân quan tâm nhất thì mới đạt được hiệu quả.
Bên cạnh đó, buộc phải có sự phối hợp liên ngành, liên ngành giữa các đơn vị trong bộ và liên ngành với các bộ, ngành khác. Không liên ngành thì không thể đảm bảo được kết quả, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ thông tin hiện nay.
Ngoài ra, ông Lê Vệ Quốc cũng bày tỏ mong muốn, Bộ VHTTDL với các lĩnh vực đặc thù của mình sẽ có sự quan tâm nhiều hơn nữa đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội để có cách thức truyền thông chính sách, pháp luật đến với đối tượng này một cách thiết thực và phù hợp nhất.