(Tổ Quốc) - Đến với triển lãm “Chợt mê, chợt tỉnh” khai mạc vào ngày 23/5 tại Hà Nội, công chúng yêu hội họa Thủ đô sẽ được đắm chìm trong những giấc mơ của họa sĩ Trần Cường.

Tác phẩm "Giấc mơ màu hồng" của họa sĩ Trần Cường/hanoigrapevine.com
Với các họa sĩ trẻ, dường như sau khi ra trường đều có một trạng thái tinh thần và tâm lý kép khá giống nhau: một mặt là những mộng mơ về sự bay cao trong nghệ thuật, mặt khác, phũ phàng hơn, là sự đối phó thực dụng đối với thực tại "cơm áo gạo tiền". Trần Cường cũng không phải là ngoại lệ, cứ "chợt mê, chợt tỉnh" như thế. Lúc "tỉnh" anh vẽ cái gì đó dễ bán để tồn tại, lúc "mê" anh lại mơ mộng về những tác phẩm cho riêng mình, về việc vẽ để thăng hoa chứ không phải để kiếm sống và 16 tác phẩm trong triển lãm này chính là kết quả của một cơn mê dài, triền miên trong 7 tháng của anh.
Trong số 16 tác phẩm giới thiệu tới công chúng lần này, có tới 5 tác phẩm (gồm: Giấc mơ khó nhớ, Giấc mơ hồng, Cô đơn, Dục vọng và Khúc tráng ca) họa sĩ Trần Cường đã vẽ những cơn mê của chính mình. Đó là những phóng chiếu vô thức đầy dục vọng của nghệ sỹ (khát khao bay lên, sự cô độc, tính dục, dục vọng). Đây là những bức tranh hay nhất của anh trong triển lãm này, bởi nó thật và nó hàm chứa những xung đột nội tâm hoặc những năng lượng dục (Libido) mà con người ai cũng có nhưng ai cũng kìm nén không dám nói ra, hoặc không có khả năng thể hiện ra bằng nghệ thuật. Bút pháp của những bức tranh này chập chờn, vô định cho thấy sự mách bảo, dẫn đường của những giấc mơ dang dở, không thể nhớ hết mà anh đã trải nghiệm.
Những tác phẩm còn lại, anh không thể hiện trực tiếp những giấc mơ mà là những hồi tưởng về một tuổi thơ, những sự lãng mạn hóa về những câu chuyện cổ tích, những suy tưởng/ tưởng tượng về những cảnh tượng siêu thực… Ở những tác phẩm này, chất hội họa đương đại ít hơn và sự tham gia của lý tính cũng nhiều hơn so với những bức tranh về những cơn mê, nhưng không vì thế mà chúng trở thành những tác phẩm khô cứng, thiếu cảm xúc.
Triển lãm "Chợt mê, chợt tỉnh" của họa sĩ Trần Cường mở cửa đón công chúng tới tham quan thưởng lãm trong thời gian từ 23 – 26/5 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội)./.