• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dân binh đội Hoàng Sa và Bắc Hải - những thế hệ lính đảo đầu tiên

Thế giới 02/04/2013 00:03

(Toquoc)-Các đội Hoàng Sa và Bắc Hải quản lý và khai thác các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ đầu thế kỷ 17, dưới 8 đời chúa, gần một thế kỷ rưỡi.

(Toquoc)-Các đội Hoàng Sa và Bắc Hải quản lý và khai thác các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ đầu thế kỷ 17, dưới 8 đời chúa, gần một thế kỷ rưỡi.

Huyện đảo Lý Sơn là căn cứ đầu tiên để người Việt tiến ra làm chủ quần đảo Hoàng Sa.

Đội Hoàng Sa ra đời như thế nào?

Tại nhà thờ họ Võ, phường An Vĩnh, thôn Tây, xã Lý Vinh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, còn giữ tờ đơn đề ngày 15 tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775) do Hà Liễu là cai hợp phường Cù lao Ré xã An Vĩnh đứng tên xin chấn chỉnh lại đội Hoàng Sa. Đơn nhắc lại việc cũ: “Nguyên xã chúng tôi xưa có hai đội Hoàng Sa và Quế Hương. Vào năm Tân Mùi (1631), Đốc chiến là Võ Hệ đã đệ đơn xin tâu được lập hai đội nữa là đội Đại Mạo Hải Ba và đội Quế Hương Hàm với số đinh 30 người”…



Thuyền câu (mô phỏng) do các binh phu của Đội Hoàng Sa dùng để hoạt động khai thác, quản lý đảo Hoàng Sa thế kỷ 17

Tài liệu phương Tây sau này đề cập một vụ khiếu nại của một thương nhân Hà Lan tâu trình lên chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), người lên kế vị chúa Nguyễn Phúc Nguyên mất năm 1635, về việc chiếc tàu Hà Lan Grootenbroeck bị đắm ở bãi cát Hoàng Sa năm 1634, thủy thủ đoàn được người Việt xứ Đàng Trong cứu giúp, nhưng món tiền 25.580 réaux thì bị lấy đi (những người Việt được đề cập ở đây là lực lượng của đội Hoàng Sa). Thương nhân Hà Lan này được trả lời: “Những việc đó đã xảy ra từ thời chúa trước, không nên đề cập nữa, ngược lại, người Hà Lan từ nay được hoàn toàn tự do mang hàng hóa đến buôn bán, được miễn thuế, vả lại sau này nếu có tàu Hà Lan mà bị đắm ở ngoài khơi thì sẽ không có chuyện tịch thu hàng hóa được cứu hộ nữa”.

Qua một số tài liệu như vậy, có thể thấy đội Hoàng Sa đảo Lý Sơn đã được thành lập trước năm Tân Mùi (1631), nghĩa là dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), là vị chúa thứ hai của nhà Nguyễn.

Như vậy, đội Hoàng Sa hoạt động từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, tất cả tám đời chúa, gần một thế kỷ rưỡi. Nếu tính tới thời điểm triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Patenôtre năm 1884, chịu để Pháp áp đặt công cuộc bảo hộ và mất quyền cai trị tự chủ, thì kéo dài hai thế kỷ rưỡi. Có thể thấy, dưới thời các chúa Nguyễn, chính quyền chủ yếu sử dụng dân binh với các thuyền câu, nhưng được chính quyền nhà chúa chu cấp hậu cần.

Ở đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi, nơi xuất phát của đội Hoàng Sa, vẫn còn giữ nhiều di tích gắn liền với hải đội huyền thoại này. Nhà thờ họ Võ tại xã An Vinh, huyện Lý Sơn, lưu giữ chỉ thị ngày 14 tháng 2 năm Thái Đức thứ 9 (1786), triều Tây Sơn, của Thái phó Tổng lý quản binh dân Thượng tướng công chỉ thị cho cai đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa.

Sau này, dưới thời vương triều Nguyễn khi đất nước quy về một mối, nhiệm vụ quản lý và khai thác các đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa do thủy quân triều đình thực hiện.

Ngoài đội Hoàng Sa còn có đội Bắc Hải, thành lập khoảng cuối thế kỷ XVII, hoạt động ở phía nam của Biển Đông, khi nhà Chúa tìm ra nhiều đảo, bãi đá san hô ở phía nam của Biển Đông.

Việc lập thêm đội Bắc Hải diễn ra vào thời kỳ các chúa Nguyễn tiếp tục thực hiện thắng lợi sự nghiệp Nam tiến, quan tâm đến việc mở mang bờ cõi ra biển, tạo “phên dậu” cho đàng Trong.

Đội Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải để quy về một đầu mối, vừa dễ cai quản vừa nắm được tình hình Biển Đông. Người chỉ huy đội Hoàng Sa là một chức quan to. Có người được phong đến tước hầu, như các cai đội Thuyên Đức Hầu, Phú Nhuận Hầu…

Nhóm đảo An Vĩnh bao gồm các đảo tương đối lớn và cao nhất trong các đảo của quần đảo Hoàng Sa, và cũng là các đảo san hô lớn nhất Biển Đông. Tên gọi An Vĩnh lấy theo tên một xã thuộc tỉnh Quảng Ngãi thời trước. Theo sách “Đại Nam Thực lục Tiền biên” quyển 10 ghi chép về xã này như sau: “Ngoài biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, có hơn 100 cồn cát... chiều dài kéo dài không biết tới mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn lý Hoàng Sa châu... Hồi quốc sơ đầu triều Nguyễn đặt đội Hoàng Sa gồm 70 người lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm cứ đến tháng ba cưỡi thuyền ra đảo, ba đêm thì tới nơi...”.

Thư tịch cổ về hoạt động của đội Hoàng Sa, Bắc Hải

Trong “Phủ biên tạp lục”, Lê Quý Đôn viết: “Ngày trước, họ Nguyễn có thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vĩnh bổ sung vào. Mỗi năm luân phiên nhau đi, tháng giêng nhận giấy làm sai dịch, được cấp phát mỗi người sáu tháng lương, chèo năm chiếc thuyền câu nhỏ ra ngoài biển, phải mất ba ngày ba đêm mới đến đảo. Ở đó họ tha hồ bắt chim, bắt cá mà ăn. Họ thu được những đồ vật của tàu (bị đắm) như gươm và ngựa bằng đồng, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, thiếc khối, chì, súng, ngà voi, sáp ong vàng, chiêng, đồ sứ,... Họ còn lượm thật nhiều vỏ đồi mồi, hải sâm và hạt ốc vân. Đến tháng tám thì họ trở về, vào cửa Yêu rồi tới thành Phú Xuân để nạp các thứ lượm được. Sau khi cân, phân loại và định giá mới cho họ bán riêng vài thứ như ốc vân, hải ba và hải sâm. Xong, họ được lãnh bằng để về nhà, những thứ lượm được khi nhiều, khi ít không nhất định, có lần họ cũng phải về không”[1].



Thẻ tre, bài gỗ, linh vị, chiếu cói và các hiện vật của binh phu Đội Hoàng Sa được lưu giữ khác tại bảo tàng ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 

Mỗi đội Hoàng Sa gồm 70 ngư dân khỏe mạnh, giỏi nghề đi biển, của các làng An Vĩnh và An Hải của đảo Lý Sơn, thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Khi đi, họ mang theo lệnh bài có ghi niên hiệu, được cấp mỗi người 6 tháng lương thực, một chiếc chiếu, 3 sợi dây mây, 7 nẹp tre và một thẻ bài ghi danh tánh, để phòng khi bất trắc, rủi ro, đồng đội bó xác người xấu số, kèm theo thẻ bài và thả trôi trên biển với hy vọng sóng gió đưa thi hài trôi dạt vào đất liền, tại một miền quê nào đó, để được nhân dân cưu mang, an táng. Không ít trai tráng ra đi không trở về. Để tưởng nhớ tới những người đã chết, thân nhân của họ lập những bài vị để thờ cúng, đồng thời đắp những ngôi mộ gió để hương khói.

Những dân binh thuộc các đội Hoàng Sa và Bắc Hải chính là những thế hệ lính đảo đầu tiên của nước Việt Nam.

Các bằng chứng chính xác các hoạt động khai thác Hoàng Sa, Trường Sa của các chính quyền Việt Nam dưới thời vương triều Nguyễn được ghi chép trong châu bản[2] được lưu giữ tại Trung tâm lưu giữ quốc gia I của Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong kho lưu trữ của nước ta hiện còn có 30.000 tấm mộc bản, cất giữ tại Trung tâm lưu trữ Đà Lạt. Năm 2009, UNESCO công nhận mộc bản triều Nguyễn Việt Nam thuộc chương trình “Ký ức thế giới”. Đây là sự công nhận của cộng đồng quốc tế về sự tồn tại các văn bản triều Nguyễn, củng cố cơ sở pháp lý, lịch sử về chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa./.

(Bài tiếp: Người Việt thạo nghề biển và giỏi thủy chiến)

 

 



[1] Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Nxb. Giáo dục, 2007, t. 2, tr.148.

[2] Châu bản là văn bản pháp lý hành chính của nhà nước có châu phê hoặc ý kiến chỉ đạo của các vua Việt Nam. Tấu chương cũng là một dạng châu bản.

Nguyễn Ngọc Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ