(Tổ Quốc) - Bức xúc vì nhà máy thép Việt Pháp tiếp tục gây ô nhiễm, người dân đã dựng lều trước nhà máy để phản đối.
Nhiều ngày nay, người dân dựng lều trước nhà máy thép Việt Pháp (cụm công nghiệp Thương Tín, phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) để phản đối vì nhà máy này tiếp tục gây ô nhiễm.
Bắt đầu hoạt động từ năm 2012, đến nay đã nhiều lần người dân dựng lều trước cổng nhà máy thép Việt Pháp để phản đối, yêu cầu “bom ô nhiễm” này di dời khỏi khu dân cư. Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Nam đã ra “tối hậu thư” cho nhà máy này phải di dời khỏi khu dân cư vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, khi địa điểm di dời mới chưa thống nhất vì nhiều lý do khác nhau, thì nhà máy này tiếp tục hoạt động, tiếp tục gây ô nhiễm.
Dân dựng lều trước nhà máy để phản đối ô nhiễm. |
Người dân sống gần nhà máy cho biết, thời gian nhà máy hoạt động từ khoảng 22h đến 4h sáng hôm sau với 3 ô nhiễm: ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm khói và ô nhiễm tiếng ồn.
“Nhà máy hoạt động cả đêm, chúng tôi bị tra tấn bởi tiếng ồn, không khí ô nhiễm, không sao ngủ được, chúng tôi không chịu nổi nữa rồi…”, một người dân nói.
Đỉnh điểm của việc phản đối ô nhiễm, nhiều người đã chặn xe tải chở phế liệu ra vào khu sản xuất của nhà máy. “Nghe nói di dời nhà máy trong tháng 6/2017 mà đến nay nhà máy này vẫn hoạt động và tiếp tục gây ô nhiễm. Chúng tôi mong nhà máy nhanh chóng di dời để được yên ổn”, bà Nguyễn Thị Hà đứng canh lều trước cổng nhà máy cho biết.
Trước sự việc trên, ngày 11/7, Phó Chủ tịch thị xã Điện Bàn – ông Nguyễn Đạt đã tới hiện trường động viên bà con, nắm bắt tâm tư nguyện vọng. Ông Đạt cho biết, việc này thì UBND tỉnh mới chỉ đạo và quyết định được, phía địa phương chia sẻ với người dân.
Khi phương án di dời chưa khả thi, hiện nhà máy thép Việt Pháp vẫn đang hoạt động bình thường, tiếp tục gây ô nhiễm. |
Được biết, theo lộ trình mà chính quyền Quảng Nam di dời nhà máy thép Việt Pháp lên vị trí mới đó là tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang với diện tích nghiên cứu khoảng 17,3ha. Dù tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt đánh giá tác động môi trường cho dự án di dời này nhưng nhà máy thép vẫn chưa được di dời lên địa điểm mới vì nhiều lý do; trong đó phía doanh nghiệp bày tỏ nguyện vọng được hỗ trợ 130 tỷ đồng để di dời.
Vào tháng 10/2016, tại buổi họp báo thông tin nội dung liên quan dự án đầu tư nhà máy thép Việt Pháp tại huyện Nam Giang, Chánh VP UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang cho biết: “Tinh thần của Quảng Nam là đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng phải đủ các điều kiện, hiện cũng chưa đủ cơ sở để hỗ trợ số tiền trên 123 tỉ cho nhà máy thép để di dời”.
Nhiều xe chở phế liệu vào nhà máy bị người dân chặn lại. |
Trong lúc đó, theo TS. Huỳnh Ngọc Thạch – Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP Đà Nẵng, thành viên hội đồng thẩm định báo cáo tác động môi trường - cho rằng, nhà máy luyện cán thép Việt Pháp có ảnh hưởng đến vấn đề môi trường nhưng ảnh hưởng như thế nào phải xem xét.
“Nhà máy có ảnh hưởng đến khu dân cư. Một thực tế là dùng nhiên liệu dòng nhiệt (dùng điện) phải sản xuất vào vào ban đêm để đảm bảo cho ngành điện, đêm thanh vắng, tác động đến người dân xung quanh là không thể tránh khỏi nên phải dời lên khu vực như hiện tại để tránh xa khu dân cư (khoảng 5km) và hạn chế tối đa những tác động xấu như trên và đảm bảo tính ổn định lâu dài", TS. Huỳnh Ngọc Thạch cho biết.