Dân làng Thị Cấm thi kéo lửa thổi cơm ngày đầu Xuân
Thực hiện: Bảo Trung | 29/01/2023
(Tổ Quốc) - Dưới nắng xuân ấm áp, làng Thị Cấm trở nên tưng bừng hơn hẳn bởi hội thi nấu cơm truyền thống được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch.
Vào dịp đầu xuân, thành phố Hà Nội có hàng nghìn lễ hội khác nhau. Tuy nhiên, lễ hội làng Thị Cấm có một “chỗ đứng riêng”, bởi những phong tục độc đáo. Trong đó, nổi bật nhất là hội thi nấu cơm.
Tương truyền, vào đời Vua Hùng thứ 18, khi đất nước có nạn ngoại xâm, tướng quân Phan Tây Nhạc được Vua Hùng giao thống lĩnh quân binh đi đánh giặc. Tướng quân Phan Tây Nhạc lĩnh ý vua, nhận đủ quân số và gấp rút ngày đêm luyện rèn binh sĩ. Việc hành quân gấp gáp, nếu binh sĩ không được ăn đúng bữa thì khó có sức đuổi giặc. Ông nghĩ ra cách tổ chức thi nấu cơm có thưởng ngay trong quân ngũ để nhanh chóng ổn định đội quân hậu cần giỏi nấu nướng.
Làng Thị Cấm xưa có 4 giáp, mỗi giáp cử ra một đội thi thổi cơm. Trước hội thi, các đội chuẩn bị sẵn các vật dụng như chày, cối, rơm, nồi.... Mỗi đội được Ban tổ chức phát 1kg thóc để nấu cơm. Các phần chính trong hội thi gồm: Giã gạo, kéo lửa, lấy nước và thổi cơm. Nhận nguyên liệu, những người trẻ khỏe phải nhanh tay giã gạo xong sớm nhất, trong khi đó, một nhóm khác phải đi lấy nước cách nơi diễn ra hội thi khoảng 800m. Ngày nay, mọi người đều sử dụng diêm, bật lửa, nhưng xưa kia tạo lửa là một việc phức tạp.
Hội thi vẫn giữ nguyên cách tạo lửa xưa bằng cách “kéo lửa”. Người ta lấy 2 thanh giang kẹp vào bùi nhùi, dùng 2 thanh tre ốp một mảnh trên và một mảnh dưới, giữ chắc 2 đầu rồi 2 người kéo cho cật giang cọ sát vào cật tre nhiều lần tạo ma sát. Khi nào thấy có khói lên thì dừng lại và thổi cho lửa bùng lên, dùng mồi lửa này để thổi cơm.
Từ lúc giã gạo đến khi kết thúc thời gian chỉ kéo dài một giờ đồng hồ nên tất cả các phần thi đều diễn ra hết sức nhanh chóng. 10 người tham gia đội thi phải phối hợp hết sức nhịp nhàng, khéo léo.
Trong tiếng trống thùng thùng cổ vũ, khi các đội bắt đầu nhóm lửa thành công, cả sân đình Thị Cấm vang dội tiếng hò reo cổ vũ. Lúc ấy, việc nấu cơm sẽ bắt đầu.
Đốt rơm lấy tro để vùi nồi cơm cho chín cơm
Để kéo dài thời gian cho cơm chín nục, người phụ trách nồi cơm đốt vun nhiều đống tro rơm buộc người chấm phải mất công tìm kiếm.
Chỉ trong phút chốc, sân đình làng mịt mù khói trắng cay xè mắt.
Hội thi có một “thủ tục” rất đặc biệt, khi niêu cơm cạn nước, các đội sẽ giấu niêu cơm vào đống than rơm ở ngay sân đình. Người ta làm nhiều đống than rơm vẫn đang âm ỉ cháy. Ban giám khảo sẽ đi “tìm” những niêu cơm sau một tuần hương kể từ khi cơm cạn nước. Đội nào giấu càng khéo thì niêu cơm càng chín kỹ, cơm càng ngon. Nếu giấu vụng thì có thể bị phát hiện ngay lập tức.
Thời gian dành cho quá trình thi thổi cơm kéo dài khoảng gần một giờ đồng hồ. Sau đó các cụ trong Ban tổ chức sẽ gõ trống và đi tìm các nồi cơm trong các đống tro than rơm trên sân đình. Chính tay các cụ cao tuổi tự thu gom các nồi nấu cơm để mang vào đình chấm điểm. Cơm đạt yêu cầu phải chín dẻo và trắng, không lẫn thóc, sạn, hạt cơm không bị sượng.
Cơm chín dẻo, thơm ngon, không khê, nát là đạt. Việc chấm điểm cũng chỉ là tượng trưng để khích lệ các đội thổi cơm sao cho thật khéo léo. Các cụ trong ban Khánh tiết sẽ dâng mâm cơm của 4 đội vào cửa Thánh và chấm điểm nồi cơm giành giải nhất. Do những yếu tố đặc sắc, hiếm có của lễ hội, ngày 9/3/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định công bố Lễ hội truyền thống - Hội thổi cơm thi Thị Cấm vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.