(Tổ Quốc) - Những tưởng sau lần đối thoại “nóng” giữa chính quyền Đà Nẵng với dân sống trong vùng ô nhiễm thì nhà máy thép DANA – Ý sẽ hạn chế ô nhiễm, nhưng mọi việc vẫn trong tình trạng “đâu lại vào đấy”.
Dư luận thời gian qua xôn xao về sự việc Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ có nhiều tài sản “khủng” trong bản kê khai. Đặc biệt, trả lời trên báo chí Zing.vn, ông Thơ cho biết vợ của ông có cổ phần ở Công ty cổ phần Thép DANA – Ý 500 triệu đồng từ năm 2007.
Đáng chú ý, đây là Công ty cùng với Công ty cổ phần thép DANA – ÚC gây ô nhiễm nhiều năm liền khiến đời sống của người dân xung quanh nhà máy đảo lộn, khốn đốn, sinh ra nhiều bệnh tật.
Đỉnh điểm lần gần đây nhất vào giữa tháng 12/2016, vì chịu không nổi ô nhiễm do hai nhà máy thép này gây ra, hàng trăm người dân xã Hòa Liên sống gần đó đã “vây” hai nhà máy để phản đối. Tình hình căng thẳng khiến sau đó một ngày, chính quyền Đà Nẵng phải tổ chức đối thoại “nóng” với dân sống trong vùng ô nhiễm để tìm lối thoát.
Công ty cổ phần Thép DANA - Ý có cổ phần của vợ Chủ tịch Đà Nẵng gây ô nhiễm nhiều năm liền khiến cuộc sống người dân gần đó đảo lộn, khốn đốn. Ảnh: Khánh Linh |
Sau đó, đầu tháng 1/2017, ông Huỳnh Đức Thơ có Thông báo kết luận liên quan đến xử lý tình hình ô nhiễm môi trường tại nhà máy thép của công ty cổ phần thép DANA- Ý và công ty cổ phần thép DANA – ÚC.
Theo nội dung Thông báo kết luận thì Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố khẩn trương lập dự toán kinh phí đền bù, giải tỏa, tái định cư các hộ dân tại khu vực theo qui định theo các phương án như sau, báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 06/01/2017.
Cụ thể, di dời các hộ dân nằm sát gần với khu vực 2 nhà máy để nhà máy hoạt động tạm thời trong thời gian khấu hao tài sản, thu hồi vốn; đồng thời đảm bảo thời gian nhà máy tính toàn phương án lộ trình di dời cụ thể. Sở Tài nguyên và Môi trường xác định phạm vi di dời cụ thể, kết hợp với việc nâng cao công nghệ để đảm bảo môi trường trong thời gian tiếp tục sản xuất.
Di dời hẳn các hộ dân nằm trong khoảng cách ly an toàn đối với nhà máy thép theo quy định của pháp luật để các nhà máy tiếp tục tồn tại và hoạt động…
Đặc biệt, ông Thơ yêu cầu Công ty cổ phần thép DANA – ÚC và Công ty cổ phần thép DANA – Ý có trách nhiệm: Tiếp tục nghiên cứu áp dụng và triển khai thực hiện các biện pháp xử lý, nâng cấp, đổi mới công nghệ sản xuất để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất; đồng thời thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng không để xảy ra sự cố gây ảnh hưởng đến môi trường như thời gian qua.
Có nghĩa là, Đà Nẵng tạm thời chọn phương án di dời dân đi nơi khác (dù họ đã sống nơi đây hàng chục năm), còn nhà máy thép gây ô nhiễm (mới đóng chân khoảng 10 năm) thì vẫn “chễm chệ” sản xuất. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi liệu Chủ tịch Đà Nẵng có ưu ái và nhẹ tay việc xử lý vi phạm ô nhiễm của các nhà máy thép, trong đó có cổ phần của “vợ Chủ tịch” ở Công ty Thép DANA – Ý!?.
Anh Phan Văn Minh (trú thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) chỉ tay về "thủ phạm" gây ô nhiễm nhiều năm liền là nhà máy thép DANA - Ý. Ảnh: Khánh Linh |
Đáng nói hơn, trong văn bản gửi lãnh đạo thành phố Đà Nẵng ngày 25/2/2017, Công ty cổ phần Thép DANA – Ý lại “kêu khó khăn” để “cầu cứu” thành phố. Cụ thể: “Do nguồn lực tài chính của Công ty có hạn, sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn nên không đủ khả năng trang trải kinh phí xây dựng hạ tầng và bố trí tái định cư, chỉ có đủ khả năng chi phí cho công tác giải tỏa đền bù…Vì vậy, doanh nghiệp xin đề nghị thành phố sử dụng ngân sách phục vụ cho công tác tái định cư”.
Nhiều người nghi ngờ trước “khó khăn” của công ty “có cổ phần của vợ Chủ tịch” này bởi trước đó cũng chính công ty này còn “xung phong” tài trợ tiền cho thành phố tổ chức cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng và được chính Chủ tịch Thơ gửi “Thư cảm ơn”!.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc ngày 21/3, nhiều hộ dân sống gần nhà máy thép DANA – Ý vẫn đằng đẵng nỗi lo và buồn bã hiện lên từng khuôn mặt vì ô nhiễm do nhà máy thép gây ra.
Bà Lê Thị Danh (61 tuổi, trú thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) thở dài: “Tôi sinh sống ở đây hơn 40 năm rồi, trước khi có nhà máy thép DANA – Ý. Từ khi nhà máy này kéo về đặt tại đây, dân vùng này không một ngày nào mà không bị ô nhiễm. Gần 10 năm nay chịu ô nhiễm chúng tôi đã quá mệt mỏi và mong nhà máy sớm di dời chứ sao bắt chúng tôi di dời đi được”.
Bà Lê Thị Danh buồn bã vì sống với ô nhiễm do nhà máy thép gây ra nhiều năm liền. "Chúng tôi ở đây từ lâu đời, nhà máy đến sau rồi gây ô nhiễm, sao không di dời nhà máy đi mà lại bắt dân chúng tôi đi nơi khác?", bà Danh cho biết. Ảnh: Khánh Linh |
Trong lúc đó, anh Phan Văn Minh cho biết, cách đây mấy ngày, vào đêm khuya bỗng nghe tiếng nổ lớn xuất phát từ nhà máy thép khiến nhà cửa rung lắc, mọi người hoảng sợ chạy toán loạn ra ngoài, ngủ không được.
“Tôi vừa mới chở hai đứa con nhỏ đi khám bệnh về thì bác sĩ bảo bị viêm phổi, do ô nhiễm từ nhà máy thép mà ra cả. Vừa rồi có họp dân với chính quyền thì có một số hộ dân đồng ý di dời đi nơi khác ở vì họ quá sức chịu đựng rồi, nhà cửa thì sập sệ vì họ không cho xây, sửa. Còn tôi thì muốn ở lại sinh sống vì đã quen cuộc sống nơi đây. Chúng tôi không muốn chống chủ trương, nhưng nếu bất đắc dĩ phải di dời thì đề nghị cần tập trung mấy trăm hộ dân này lại một vùng khác để họ cùng sống với nhau. Dân ở đây sống tình làng nghĩa xóm hàng chục năm nay quen rồi, giờ tách họ mỗi nhà mỗi nơi không ai chịu đâu…”, anh Minh cho biết.
Theo thống kê có khoảng 400 hộ dân sống xung quanh nhà máy bị ảnh hưởng do ô nhiễm nhà máy thép gây ra. Người dân nơi đây cho biết, đến nay họ vẫn chưa thấy chính quyền triển khai việc di dời hay đền bù giải tỏa gì như Thông báo kết luận của Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ. Hiện người dân đang sống trong cảnh “đi cũng dở mà ở cũng không xong”…