(Tổ Quốc) - Ngang qua con phố cũ, cái nóng bức ngột ngạt mùa hè thật khó chịu, tôi nhấn pê-đan đạp nhanh. Chợt lòng dịu lại. Hình như phía cuối con đường, từ trong ngôi nhà nơi góc phố đang vọng ra tiếng nhạc êm đềm da diết...
“Con đường em về ban trưa, hoa tím nghiêng nghiêng đợi chờ, tuổi em vừa tròn mười bảy, tóc em vừa chấm ngang vai...” Bài hát quen thuộc ngày nào giờ đây đang được một ca sĩ nào đó thể hiện hết mình, thả xe trôi chầm chậm, tôi cố lắng nghe để tận hưởng tiếng nhạc từ nhà ai đó. “Hoa tím ngày xưa” đấy, chị có còn nhớ không, chị Ngoan? Sự trong trẻo của những lời ca dìu tâm hồn tôi trở về một thời quá khứ giấu yên trong trái tim thiếu nữ của mình....
Minh họa (ảnh: mythuathaiphong) |
“Ta đành phải chuyển đến nơi khác ở vậy!”. Bố tôi buông một câu nặng trịch, còn mẹ thì im lặng thở dài. Tôi hiểu cái thiếu thốn của sự nghèo vẫn còn đè nặng lên gia đình tôi nên việc chuyển đến nơi giá tiền thuê nhà ít là việc đương nhiên. Tuy vậy sự hiếu kỳ con trẻ trước một nơi ở mới cứ hấp dẫn làm tôi vui ra mặt. Trái với sự háo hức vô tư của tôi là vẻ mặt buồn rầu của chị. Tôi đùa: “Biết đâu đến đó chị có người yêu đấy!”. Chị vẫn buồn. Thế mà lại thật. Ừ! Dù sao, mười tám tuổi chị cảm nhận sự vật xung quanh cũng sâu sắc hơn tôi nhiều.
Chúng tôi chuyển nhà vào một chiều cuối đông. Đó là một ngôi nhà cấp bốn nằm lọt giữa khu phố cũ mà sống ở đó hầu hết là những công nhân trí thức nghèo. Vốn ít người, sống lặng lẽ gần như nhà ai biết nhà ấy nên sự có mặt của gia đình tôi cũng không mấy gây sự chú ý cho xung quanh. Người lớn thì chào hỏi dăm ba câu, còn tôi, khác với sự nhút nhát dịu dàng của chị, vài ngày sau cũng đã nhập bọn với lũ trẻ con trong khu ấy. Đúng là trẻ con mà, làm quen nhanh lắm.
Trong số những người hàng xóm mới, tôi ấn tượng nhất là anh. Có lẽ với anh, mọi lúc, mọi nơi, tôi đều nhìn với cặp mắt đầy ngưỡng mộ. Khi thời thơ ấu đã qua, kỷ niệm của ba chúng tôi - anh Quang, chị Ngoan và tôi - cũng chỉ còn là kỷ niệm. Vậy mà không hiểu sao, con người bình dị ấy lại như một chất xút ăn mòn ký ức của tôi đến tận bây giờ.
Hồi đó, nhà anh và tôi chỉ cách nhau một giàn thiên lý nên hễ hôm nào rảnh là anh lại sang nhà, lúc thì trò chuyện cùng chị Ngoan, lúc thì vừa đàn vừa hát những bài hát mà hai chị em tôi thích. Chỉ lớn hơn chị Ngoan hai tuổi nhưng trông anh lúc nào cũng chững chạc ra vẻ một người anh thực thụ. Cái vẻ điển trai, sự thông minh hào hoa cùng với biệt tài chơi đàn ghi ta của anh làm chúng tôi rất mến mộ. Những chiều hè oi ả, anh thường rủ hai chị em chúng tôi ra sông ngồi hóng mát rồi đánh đàn cho chúng tôi nghe. Nhìn anh hát và đưa người theo điệu nhạc, trông anh như một nghệ sĩ thực thụ. Tôi không hiểu lắm về âm nhạc, càng ngốc nghếch không biết rằng những nốt nhạc của anh chính là những lời gửi gắm cùng chị Ngoan. Tôi nức nở khen anh đàn hay quá và nhìn anh vẻ thán phục, cứ bắt anh chơi đi chơi lại những bài hát mà tôi thích. Anh như được khuyến khích cứ tủm tỉm cười sự ngây thơ của tôi. Còn chị ngượng ngùng e thẹn, cứ bảo tôi là “đồ trẻ con, biết gì mà cứ...”. Tôi ấm ức lắm nhưng chẳng biết làm gì được. “Con đường em về mưa bay, hoa tím trôi theo mỗi ngày...”Vừa hát anh vừa nhìn sâu vào mắt chị, còn chị thì ngượng ngùng đỏ hồng đôi má. Nhiều đêm sau đó anh thường chơi đàn rất khuya, cứ mỗi lần giọng hát trầm ấm cất lên là chị tránh nhìn vào mắt tôi, chị mơ màng dõi nhìn ra nơi vọng ra cái âm thanh trong trẻo ấy. Những lúc như thế tôi chỉ mơ hồ cảm nhận một điều gì đó đang xảy ra giữa họ nhưng không nói ra được. Một lần đang ôm đàn say sưa, anh Quang chợt dừng lại cầm bàn tay phải của chị tôi và nói “tay em búp măng này, lại mềm nữa, đánh đàn được đấy. Em thích không để anh dạy cho”. Anh cầm tay chị lật qua lật lại làm chị ngượng nghịu vội rụt tay lại. Anh cầm tay chị đặt vào các phím, sau rồi quen chị bớt dần sự e thẹn. Một thời gian chị đã biết gảy bài “Dona”. Chị thích lắm, lúc nào rỗi lại thấy chị say sưa ôm lây cây đàn. Những lúc đó, trong mát chị dòng sông như ngừng trôi, chim chóc như ngừng hót và cả không có sự hiện diện của tôi và anh Quang nữa...
Những khoảnh khắc đáng nhớ ấy dần dần được nhân lên rất nhiều. Tôi sung sướng biết bao khi mỗi lần có cả anh Quang và chị tôi như thế. Cảm giác ấm áp hạnh phúc ấy cứ len lỏi vào cả trong từng giấc mơ của tôi. Cho đến một ngày...
Sau khi một người dì họ xa của mẹ tôi từ thành phố đến thăm hai hôm rồi về, bố mẹ tôi nói chuyện gì đó với chị Ngoan thật lâu. Bố tôi sau đó im lặng, mẹ tôi khóc còn chị Ngoan cứ nghĩ ngợi buồn bã lung lắm. Từ hôm đó chị từ chối ra sông mỗi chiều cùng tôi và anh Quang. Rủ mãi không được tôi hờn dỗi kéo tay anh Quang đi miệng lúng búng “Hai anh em mình đi cũng được, giận gì thì nói chứ sao lại im lặng mãi!”. Tội nghiệp, anh Quang tưởng chị Ngoan ốm nên sốt sắng hỏi han săn sóc. Anh đâu biết rằng đó là lúc chị buồn nhất, dằn vặt đau khổ vô cùng để đi đến quyết định lớn lao trong đời người con gái khi vừa tròn mười chín tuổi.
Thế là chị lấy chồng - một Việt kiều ở Mỹ - do người dì hôm nọ của mẹ tôi mai mối. Ngày giờ nhanh chóng được định sẵn. Trước lúc vu quy, chị khóc rất nhiều. Hầu như không đêm nào chị ngủ được. Cứ sáng ra đôi mắt sưng mọng của chị là bằng chứng làm lòng tôi se thắt. Ngày hôn lễ hình như mọi người ai cũng tỏ ý mong ngóng nhìn thấy những giọt nước mắt từ giã của chị đối với người thân, quê hương. Nhưng tuyệt nhiên đôi mắt chị ráo hoảnh, lạnh lùng khó tả. Anh Quang không đến dự đám cưới của chị nhưng tôi biết ở nhà bên lòng anh như đang tan ra từng mảnh. Chị bảo: “Chị muốn làm một việc gì đó để giúp bố mẹ và em”. Tôi khóc, vì xót xa cho chị và vì thương anh Quang chứ nào đã biết giận chị đâu. Chị đi. Không một lời giã biệt cùng anh.
Đêm đêm. Tiếng đàn ghi ta vẫn vọng sang buồn khôn tả.
Vắng chị. Anh Quang cũng thưa dần sang nhà tôi. Chỉ thỉnh thoảng anh mới rủ tôi ra bờ sông hóng mát, hình như anh muốn tìm lại hình bóng của chị ngày xưa - đó là những lúc trông anh thật buồn, ít nói và đôi mắt dõi xa xăm. Những mùa hoa phượng nở sau đó, tôi một mình thơ thẩn buồn và nhớ chị, nhớ lại những kỷ niệm êm đềm bên dòng sông thơ mộng của cả ba chúng tôi ...
*
Mùa hè năm ấy, tôi tròn mười tám tuổi. Anh Quang đã là một kỹ sư đầy triển vọng. Mặc dù bận bịu nhưng lâu lâu anh vẫn dành thời gian đàn cho tôi nghe bài hát mà ngày xưa tôi từng rất thích. Một buổi chiều oi ả, không chịu được cái nóng bức ngột ngạt của ngọn gió Lào, tôi lại thơ thẩn ra bờ sông. Ư! Thói quen ấy tôi không sao bỏ được. Một chú châu chấu sim xoè bộ cánh rực rỡ như muốn trêu ngươi tôi. Vồ được nó, tôi cảm thấy có cái gì cồm cộm trong túi quần. A! Thì ra là thư chị Ngoan.
“... Em biết không, mùa đông ở Mỹ lạnh hơn ở Việt Nam rất nhiều và lại càng lạnh hơn bởi ở đây chị không có được hơi ấm của người thân. Những tưởng chị sẽ làm được điều gì đó cho bố mẹ và em, nhưng chị đã nhầm. Chiều nay, một chiều như bao chiều đông lạnh buốt, những hạt mưa lâm thâm không níu nổi những bước chân người đi gấp càng làm cho lòng chị cháy lên những kỷ niệm ngày nào bên bờ sông Mơ… Giờ đây, khi con thuyền rờ bến, chị mới biết hạnh phúc của chị đã để lại trên bờ ... Nhưng với em chị không muốn tất cả trở thành cổ tích. Em vẫn nhớ lời chị nói với em hôm chia tay chứ... Cho chị gửi lời tạ tội với anh Quang và cầu mong hai người hạnh phúc…”
Lòng tôi chùng xuống.
Làm sao tôi quên được giây phút cuối cùng của hai chị em trước lúc ra sân bay. Run run tháo chiếc dây chuyền bằng bạc, chị đeo vào cổ tôi. Chị nói với tôi rất nhiều, đại loại là chị muốn tôi thay chị sống tiếp những ngày còn lại với anh Quang. Tôi tròn mắt nhìn chị. Và mơ hồ cảm nhận phần nào tầm quan trọng của vấn đề khi nhìn vào chiếc dây chuyền. Bởi tôi nhớ lại cách đấy không lâu, đêm hôm ấy bầu trời thật nhiều sao, cũng bên bờ sông Mơ khi chỉ còn lại hai người anh Quang đã đeo sợi dây chuyền này vào cổ chị. Giữ bàn tay hơi lâu trên cái gáy cao cao mảnh khảnh trắng như ngó cần, anh đặt một nụ hôn trên vầng trán thông minh của chị. Những vì sao chi chít lấp loá như minh chứng cho lời thề son sắt của hai người. Trộm nhìn cảnh tượng ấy trong tôi hình thành một thứ tình cảm khác lạ, vừa ấm ức giận hờn, pha lẫn sự ghen ghét. Giờ thì tôi hiểu chị đã vượt lên trên sự đau khổ của chính mình mới phó thác được điều thiêng liêng ấy cho tôi. (Và tôi cũng nhận ra, cái “bản năng đàn bà” trong tôi đã có từ hồi ấy kia!).
Chị đi rồi, tôi tháo chiếc dây chuyền cất kín vào hộp và cũng giấu nhẹm anh Quang chuyện này...
Có tiếng chân người, tôi cất vội lá thư vào túi. Anh Quang đã đến sau lưng.
- Sao có vẻ ưu tư thế cô bé? Tôi ghét anh gọi tôi là “cô bé” từ bao giờ chẳng biết.
- Nhớ chị Ngoan quá anh Quang à!
Mắt anh buồn dõi xa xăm khi nghe nhắc đến tên chị, tôi nghe nhói trong tim và thầm cảm ơn Chúa đã không giúp tôi cố làm điều chị mong muốn.
- Anh hát cho em nghe đi, hát bài ngày xưa ấy!
- “Dona” nhé!
- Không. “Hoa tím ngày xưa” kia!
"Con đường em về ban trưa, hoa tím nghiêng nghiêng đợi chờ, tuổi em vừa tròn mười bảy, tóc em vừa chấm ngang vai. Con đường em về mưa bay, hoa tím trôi theo mỗi ngày..." Giọng hát trầm ấm lại cất lên pha lẫn chút buồn ...
Thời gian trôi. Anh Quang vẫn bộn bề với công việc, rảnh rỗi lại hát những bài hát cũ, tôi vẫn đi về trên con phố xưa, thỉnh thoảng lại thơ thẩn ra sông. Một chiều, đang thiu thiu trong giấc ngủ mộng mị, tôi nghe vọng từ nhà anh tiếng đàn lúc mạnh mẽ, dồn dập, lúc chìm nghỉm trong thanh vắng. Tôi linh cảm có điều gì lạ đang xảy ra với anh Quang, không nén nổi lòng mình tôi mạnh dạn tắt qua giàn thiên lý thấy anh đang ôm đàn, đôi mắt thất thần nhìn vô định.
- Có chuyện gì mà trông anh khác thế? Tôi hỏi.
- Lâu nay có thư chị Ngoan không em? Anh hỏi mà đôi mắt vẫn nhìn xa xăm. Hôm nay nữa là tròn sáu năm chị xa anh, em có nhớ không?
Quả là tôi không nhớ, nhưng trông vẻ não nùng của anh tôi không thể nào chịu nổi, nhưng nói cho cùng sự chịu đựng của tôi lúc đó có thấm vào đâu so với ngày anh nhìn chị bước lên xe hoa cùng người con trai khác.
- Thôi quên chị ấy đi, anh nhớ mãi làm gì, mà chị ấy cũng có còn nhớ anh đâu. Tôi an ủi.
- Sao! Chị ấy quên anh ư? Không, không đời nào. Chị ấy sẽ trở về. Anh tin như thế.
- Anh tin thế ư? Chị ấy không về nữa đâu. Vừa rồi thư cho em chị bảo ở bên đó chị mới được sống đúng nghĩa là sống. Giờ chị có tất cả, biệt thự, xe hơi, tiện nghi và cả tình yêu của người chồng nữa Tây nữa Ta ấy nữa. Chị bảo chị đang hạnh phúc. Thế thì anh bảo chị về lại làm gì ! Tôi cố thuyết phục.
Hạnh phúc ư? Chị ấy đã quên anh rồi ư? Sự thất vọng hiện rõ trên từng nét mặt, tôi hoảng hốt khi thấy anh giật mạnh dây đàn, nhưng đã lỡ đâm lao rồi, phải theo lao thôi. Một chút hối hận trào lên trong tôi nhưng tôi kịp nén lại, bởi tôi không muốn nhìn thấy một anh Quang ủ rủ buồn rầu, lúc nào cũng ôm khư khư hình bóng cũ để đến nổi quên cả tuổi thanh xuân... Tôi muốn anh mãi là một anh Quang đẹp trai, một anh Quang hào hoa phong nhã, mỗi lúc ôm đàn hát say sưa trông như một nghệ sĩ thực thụ...
Hôm sau tôi ra vườn như thường lệ, đâp vào mắt tôi là chiếc đàn vỡ nằm trơ trọi, toang hoác bên giàn thiên lý tím ngắt. Giận mình, giận anh, tôi đứng chôn chân sững sờ trân trân nhìn vào nó mà không hề nghĩ đến việc chạy sang nhà anh hỏi cho ra nhẽ. Khi tôi giật mình nhận ra sự thiếu vắng tiếng đàn của anh thì anh đã không còn ở gần bên tôi như trước nữa.
Tranh của Hoàng Phượng Vĩ (ảnh: mythuathaiphong)
Vậy là điều chị mong muốn đã rơi tõm vào biển thời gian mênh mông và chìm trong sự câm lặng đến lạnh lùng của tôi. Giờ chỉ còn mình tôi mỗi ngày đi về trên con phố cũ. Tôi thầm cảm ơn số phận đã run rủi tạo cho tôi có dịp ngày nào cũng được hoài niệm với tuổi thơ của mình. Những âm thanh của bài hát cũ đã xa dần, thì ra là tôi đã rẽ sang con phố khác.
Chị Ngoan sẽ trở lại thăm quê. Tôi mong điều đó và ao ước giá được gặp lại anh dù chỉ một lần. Và dù có thế nào đi nữa, tôi sẽ chẳng bao giờ quên, một chiều hè đã khắc sâu vào ký ức của tôi bằng ánh mắt và giọng hát ấm áp của anh. Đó là lần cuối cùng anh hát cho tôi nghe. Những giai điệu ngọt ngào ấm áp đã khép lại cánh cửa tâm hồn mười tám của tôi một ký ức lung linh sắc cầu vồng.
Sau này khi tôi yêu Phan, tôi không kể cho anh nghe chuyện cũ. Tôi cũng không biết vì sao. Có lẽ tôi giấu Phan vì muốn Phan hưởng trọn niềm vui rằng Phan là mối tình đầu của tôi. Phan tin như thế nhưng trái tim bảo rằng tôi đang dối. Đêm đêm, hình ảnh chiếc đàn vỡ toang trơ trọi cứ ám ảnh làm tôi sợ. Tôi sợ sự lừa dối, dối anh, dối Phan và dối cả chính mình. Tôi cầu mong sự tái ngộ của chị và anh Quang. Để một ngày nào đó tôi thanh thản ngả đầu vào ngực Phan kể cho Phan nghe...
Truyện ngắn Nguyễn Thị Lê Na