(Tổ Quốc) - Bạn có thể áp dụng, điều chỉnh chúng sao cho phù hợp với nghề nghiệp, cuộc sống và tạo ra vận may của riêng mình.
Bạn đã bao giờ gặp gỡ ai đó rồi sau khi lắng nghe câu chuyện của họ thì tự nghĩ: "Người đó quá may mắn" chưa? Đây là một phản ứng rất thông thường. Nhưng nếu phân tích cẩn thận các tình huống, chúng ta học được rằng may mắn không ảnh hưởng nhiều đến thành công.
Susan RoAne, sau 50 cuộc phỏng vấn với các lãnh đạo doanh nghiệp, phát hiện ra rằng ngoài khả năng tập trung, làm việc chăm chỉ và ý chí kiên trì, những người may mắn này cũng sở hữu một vài đặc điểm phản trực giác cho phép họ giải quyết vấn đề và tận dụng tối đa các cơ hội đến với mình.
Dưới đây là 8 điều người thành công thường làm trong khi hầu hết những người khác lại cố gắng tránh:
1. Làm quen với nhiều người
Xã giao là cách tốt nhất để làm tăng những cơ hội, sự tình cờ và vận may trong cuộc sống của chúng ta, bởi nó cho phép chúng ta kết nối với những người mà chúng ta chưa biết. Bạn không bao giờ biết người đó thực sự là ai cũng như những thông tin mà họ sở hữu. Cho dù bạn đang ở trong môi trường kinh doanh hay đang trò chuyện với người lạ trong kỳ nghỉ, bạn gần như chẳng mất gì để tiếp cận người khác và xây dựng mạng lưới quan hệ của mình.
2. Nói chuyện phiếm
Trong khi nhiều người có thể nghĩ rằng tám chuyện là tầm thường và không cần thiết, những người tự tạo ra may mắn coi các cuộc trò chuyện như vậy là một cách tạo kết nối và dẫn đến những mối quan hệ và thông tin quan trọng hơn mang tính đổi đời.
3. Nghe lỏm
Mặc dù việc biết lắng nghe sẽ có ích với chúng ta một cách tuyệt vời, bạn cũng có thể gia tăng cơ hội mà không cần quá chủ động trong cuộc trò chuyện. "Hóng hớt" là điều mà những người thành công làm được. Đôi khi việc tình cờ nghe thấy một cái gì đó - một thông tin hoặc một ý tưởng sẽ dẫn tới một hành động, một sự khai sáng.
Hãy chú ý đến những chi tiết người khác nói.
4. Tận dụng các mối quan hệ
Nếu công việc tại công ty mơ ước của bạn đang cần tuyển người thì đừng ngại hỏi bạn bè, đồng nghiệp cũ hoặc anh em họ của bạn nếu họ có thể kết nối bạn với những người làm việc ở đó. Ngay cả khi nó không thành công như đã hy vọng thì bạn cũng đã phát triển một mối quan hệ có giá trị.
5. Giúp đỡ và cần giúp đỡ
Những người thành công không chỉ hỗ trợ, họ còn cho người khác biết mình cần giúp đỡ và cần như thế nào. Họ thừa nhận sự giúp đỡ và bày tỏ lòng biết ơn.
Khi nữ tỷ phú tự thân Sara Blakely lần đầu tiên ra mắt đồ lót định dáng Spanx, những tên tuổi lớn như Neiman-Marcus, Bloomingdale và Saks đã đồng ý bán sản phẩm của cô. Tuy nhiên, cô vẫn cần sự hỗ trợ. Vì vậy, cô đã liên lạc với người quen để nhờ họ mua Spanx khi đi mua sắm tại các cửa hàng. Đổi lại, cô hứa sẽ gửi họ một tấm séc như lời cảm ơn.
Hơn hai thập kỷ sau, cô ấy vẫn trụ lại trong nghề kinh doanh là vì không ngại tận dụng mạng lưới quen biết của mình.
6. Không theo con đường chính thống
Những người thành công thường quyết định không đi theo con đường chính thống. Jansen Chan là một ví dụ. Anh tốt nghiệp trường kiến trúc UC Berkeley, nhưng sau hai năm làm kiến trúc sư, anh quyết định theo đuổi đam mê sáng tạo và thiết kế bánh ngọt. Vì vậy, anh sang Pháp học tập, học việc với các đầu bếp và được thuê làm đầu bếp bánh ngọt tại quán Oceana ở New York.
Hiện nay, anh là giám đốc mảng bánh ngọt tại Trung tâm ẩm thực quốc tế. Anh vẫn sử dụng các kỹ năng thiết kế của mình, nhưng hiện tại những sáng tạo của anh có thể ăn được và rất ngon miệng.
Hãy lựa chọn con đường mà bạn muốn thay vì con đường của người khác.
7. Không ‘đốt cầu’
Người thành công không rũ bỏ hoàn toàn các mối quan hệ của mình. Dù là rời bỏ một công việc, một mối quan hệ, một sự nghiệp hay một căn phòng, tạo ra sự chia tay tích cực sẽ cho phép mọi người vẫn giữ được sự gắn kết và quay trở lại mà không có cảm giác khó khăn, cay đắng hay bối rối.
8. Nói "có" thường xuyên
Anna Bertacchi Rinaldi, bạn và khách hàng của Susan RoAne đã quyết định quay lại học đại học khi đã trưởng thành. Khi mới vào học, một người phụ nữ tại nhà thờ mà cô hay tới, Elizabeth, đã hỏi đi nhờ xe cùng Anna. Đó là một đêm Anna được nghỉ và cô ấy đã muốn từ chối để ở nhà. Nhưng cô ấy đã đồng ý và hai người phụ nữ đã phát triển một tình bạn tốt.
Khi máy tính của Anna hỏng, cô nhận ra việc thay máy mới nằm ngoài khả năng chi trả của mình. Cô nói với Elizabeth trong một cuộc trò chuyện điện thoại rằng cô sợ mình có thể phải bỏ học. Hai tuần sau, con trai của Elizabeth đã gọi và hỏi thăm Anna rồi cậu chi trả tiền học phí còn lại của cô.
Tấm bằng tốt nghiệp đã thay đổi cuộc đời cô và giúp cô có được công việc mơ ước. Chính khoảnh khắc Anna đồng ý với đề nghị chung xe của Elizabeth đã tạo nên sự khác biệt.
Biết được tám điều trên, bạn có thể áp dụng, điều chỉnh chúng sao cho phù hợp với nghề nghiệp, cuộc sống và tạo ra vận may của riêng mình.