(Tổ Quốc) - Ngày 13/9, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đã tổ chức Lễ dâng hoa, dâng hương kỷ niệm 85 năm ngày mất của nhà cách mạng Nguyễn Chí Diểu (15/9/1939-15/9/2024).
Buổi lễ được tổ chức tại Di tích lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu (thôn Thanh Vinh, xã Phú Mậu, TP Huế). Đến tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành và đông đảo học sinh, sinh viên.
Theo Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, nhà cách mạng Nguyễn Chí Diểu sinh năm 1908, xuất thân trong gia đình nhà Nho có truyền thống hiếu học, tại thôn Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang (nay là thôn Thanh Vinh, xã Phú Mậu, TP Huế). Trong thời gian học tập tại trường Quốc Học Huế (1925-1927), ông đã tham gia các phong trào yêu nước như phong trào đòi thả tự do cho cụ Phan Bội Châu, phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh,... Năm 1927, ông bị buộc nghỉ học vì tham gia bãi khóa tại trường Quốc Học.
Từ năm 1928 đến tháng 9/1929, ông đã tích cực tham gia với tư cách Uỷ viên Kỳ bộ Trung kỳ (Đảng Tân Việt) và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Đây là quá trình chuyển hóa từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa cộng sản của người thanh niên yêu nước Nguyễn Chí Diểu. Cuối năm 1929, ông được cử vào Sài Gòn hoạt động. Sau Hội nghị hợp nhất và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), ông trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo đầu tiên của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và sau đó được bầu làm Bí thư tỉnh Gia Định.
Phát huy khí thế cách mạng, ông đã lãnh đạo và phát động nhiều phong trào đấu tranh ở các xí nghiệp; các cuộc bãi công của công nhân nhà máy điện Chợ Quán, nhà máy xe lửa Dĩ An. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng ở Gia Định và Chợ Lớn, nhà cách mạng Nguyễn Chí Diểu trở thành mục tiêu theo dõi của thực dân Pháp. Tháng 10/1930, ông bị thực dân Pháp bắt giam, kết án tù khổ sai chung thân và lưu đày ra nhà tù Côn Đảo. Thời gian bị giam tại hầm xay lúa ở nhà tù Côn Đảo do cuộc sống cực khổ, không khí bụi bặm, ngột ngạt khiến sức khỏe của ông sa sút và mắc bệnh lao phổi nghiêm trọng.
Tháng 6/1936, ông được trả tự do và trở về Huế. Tại quê hương, nhà cách mạng Nguyễn Chí Diểu đã đóng góp rất lớn trong việc khôi phục, xây dựng các tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở Thừa Thiên Huế giai đoạn 1936 - 1939. Với trách nhiệm và tâm huyết của một người chiến sĩ cộng sản, ông đã tận tâm, tận lực cống hiến cho sự nghiệp cách mạng cho đến những giây phút cuối đời. Ngày 15/9/1939, ông đã trút hơi thở cuối cùng và được an táng tại nghĩa trang mang tên cụ Phan Bội Châu.
Lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cho biết, hoạt động kỷ niệm 85 năm ngày mất của nhà cách mạng Nguyễn Chí Diểu nhằm thể hiện sự tưởng nhớ và tôn vinh người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế, người chiến sĩ cộng sản trung kiên, mẫu mực, một lòng vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Thông qua hoạt động ý nghĩa này sẽ góp phần phát huy hơn nữa giá trị lịch sử Di tích lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu và trong việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần học tập trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.