(Tổ Quốc) - Khoa Tim mạch bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa cứu sống thành công 2 ca chấn thương tim và vết thương tim điển hình.
Nguyên nhân bất ngờ dẫn đến ép tim
Trường hợp của bệnh nhân nam (55 tuổi, trú tại Bắc Giang) nhập viện vào ngày 25/6 trong tình trạng bị sốc, chấn thương nặng. Bệnh nhân bị chấn thương tim do tai nạn giao thông khi lái xe, vô lăng đập đột ngột vào ngực.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước – Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. |
Bệnh nhân được tiến hành sơ cứu tại bệnh viện địa phương ở Bắc Giang. Sau đó mới chuyển đến bệnh viện Việt Đức. Bệnh nhân có dấu hiệu bị ép tim. Các bác sĩ tại bệnh viện đã tiến hành chẩn đoán và xác định bệnh nhân bị chấn thương tim cần tiến hành mổ gấp.
Theo Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực, các bác sĩ của bệnh viện Việt Đức đã có kinh nghiệm từ trước, nên khi tiến hành hội chẩn, đã xác định chính xác vị trí chấn thương của bệnh nhân. Nhờ hội chẩn đúng nên ca mổ đã thành công. Bệnh nhân đã xuất viện trong tình trạng sức khỏe tốt.
Trường hợp thứ 2 là một nam thanh niên (25 tuổi, trú tại Mê Linh, Hà Nội) vào viện tối ngày 14/7 cũng trong tình trạng có vết thương tim. Hồ sơ có ghi bệnh nhân bị chấn thương tim do tai nạn bạo lực xuất phát từ những xích mích sau khi sử dụng rượu bia.
Trước khi chuyển lên bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân đã được sơ cứu, khâu vết thương ở bệnh viện Phúc Yên. Khi đến Việt Đức, bệnh nhân có triệu chứng của vết thương tim rất rõ.
Đó là hiện tượng bị “ép tim cấp”, cùng với việc bị mất máu nhiều. Ê-kip bác sĩ của bệnh viện đã nhanh chóng chẩn đoán và đưa bệnh nhân vào phòng mổ. Trong vòng 30 phút mổ cấp cứu, các y bác sĩ đã thực hiện tốt việc xử lý, khâu vết thủng 2cm ở tim bệnh nhân. “Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn, bệnh nhân có thể ra viện trong 1 – 2 ngày nữa” – vị Trưởng khoa cho hay.
Cũng theo vị Trưởng khoa này, nguyên nhân gây ra các vết thương tim ở Việt Nam khác với nhiều quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, 95% các vết thương tim là từ tai nạn bạo lực, các vật nhọn đâm phải. 5% còn lại là do tai nạn lao động gây ra. Chính vì vậy, bệnh viện Việt Đức đã tổ chức công tác đào tạo cho các tuyến, thực hiện nghiên cứu mô hình bệnh tật, có phác đồ chẩn đoán để đạt được xác suất chẩn đoán đạt mức cao nhất.
Chẩn đoán sai sẽ dễ dẫn đến tử vong
Về trường hợp bệnh nhận bị chấn thương tim hay gọi nôm na là “vỡ tim”, ở Việt Nam đã ghi nhận 1 số trường hợp mắc phải bệnh này. Theo ông Nguyễn Hữu Ước: “Bệnh lý vết thương tim, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm từ thời kháng chiến chống Mỹ. Nhưng bệnh lý chấn thương tim hay “vỡ tim” là bệnh lý mới được biết đến. Bởi vì ở nước ta, số lượng gặp các ca này quá ít và chấn thương quá nặng, quá khó để xử lý nó.”
Tuy nhiên, hiện nay, chấn thương tim đã là một hiện tượng phổ biến. Chấn thương tim giải thích sơ qua thì đó là hiện tượng tim bị dập, tụ máu, rách, vỡ. Chấn thương tim nhẹ nhất là cơ tim bị dập . Còn nặng nhất là tim đứt rời hoàn toàn và trôi trong cơ thể người. Đa số, khi bệnh nhân gặp chấn thương tim thường chết ngay trong tai nạn hoặc chết trên đường đến bệnh viện. Vị Trưởng khoa Tim mạch cũng cho hay: “Nếu bệnh nhân bị chấn thương tim, vỡ 1 buồng tim thì khả năng sống sót cao. Còn từ 2 buồng trở lên thì khả năng sống rất thấp, đa số là tử vong”.
Ở Việt Nam, theo ghi nhận, ca phẫu thuật chấn thương tim mổ thành công đầu tiên là vào năm 1973. Đến năm 1995, ghi nhận tiếp 1 ca phẫu thuật thành công chấn thương tim thứ 2. Tuy nhiên, theo báo cáo của giáo sư Đặng Văn Đệ, tính từ năm 1960 – 1995, có 8 trường hợp bị chấn thương tim. Nhưng để xác định được chính xác bệnh lý này, các bác sĩ đã phải tiến hành khám nghiệm tử thi sau khi bệnh nhân chết.
Lãnh đạo khoa Tim mạch cho rằng do chấn thương tim là một bệnh lý khó để chẩn đoán chính xác, dấu hiệu bệnh rất mơ hồ. Do vậy, nhiều khi bệnh nhân bị chẩn đoán sai dẫn tới tử vong. Tuy nhiên cho đến hiện nay, các đơn vị bệnh viện địa phương đều đã chẩn đoán được và xử lý được bệnh lý về chấn thương tim.
Bác sĩ khoa Tim mạch cũng đưa ra khuyến cáo cho mọi người về 2 bệnh lý này. Theo bác sĩ, tai nạn, bạo lực ngày càng nhiều, một trong những thương tổn về tim là cực kì nguy hiểm. Khi gặp trường hợp bị thương ở tim, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện lớn để kịp thời cứu chữa.
Ngoài ra, khi gặp các chấn thương về tim, cần có những biện pháp sơ cứu gấp cho bệnh nhân. Khi bệnh nhân bị chảy máu ra ngoài cần bịt chặt vết thương, tránh mất máu. Đồng thời, tiến hành hồi sức tại hiện trường và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở điều trị.
Thế Công – Hải Lê