(Tổ Quốc) - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh như vậy tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017 – 2022.
Tham dự Đại hội có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Đại lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, các Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức Tăng, Ni trong Hội đồng chứng minh, Hội đồng trị sự GHPGVN; Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, Đại sứ quán các nước, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các đoàn đại biểu Phật giáo nước ngoài và toàn thể đồng bào Phật tử Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017 – 2022 (Ảnh: Thành Chung) |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, trong gần hai ngàn năm gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã góp phần to lớn vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước. Phật giáo luôn lấy đức từ bi, hỷ xả, lấy chân - thiện - mỹ để giáo hoá chúng sinh, lấy trí tuệ làm sự nghiệp và phương châm hành đạo.
Từ xa xưa, giáo lý Phật giáo đã thấm nhuần trong đời sống của đông đảo người Việt Nam. Giá trị tốt đẹp của Phật giáo đã góp phần hun đúc nên những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam. Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận thời nào Phật giáo cũng có những đóng góp xứng đáng cho việc bảo vệ và xây dựng đất nước, gắn bó với dân tộc để “Hộ quốc an dân”.
Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017 - 2022 khẳng định sự phát triển về nhiều mặt, sự đoàn kết thống nhất và lớn mạnh của Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, Đại hội tiến hành vào thời điểm rất có ý nghĩa chính trị và xã hội, là năm thứ hai toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 và kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn 2016 - 2021.
Để thực hiện mục tiêu này, cùng với toàn Đảng, toàn dân ta, tăng ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam đã và đang đóng góp nhiều công sức, trí tuệ với những việc làm lợi đạo, ích đời, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, giúp đỡ người già cả, neo đơn, trẻ tàn tật, mồ côi, người khó khăn…Thực hiện các chương trình tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống mới văn minh, tiến bộ.
“Kết quả của những việc làm đó ngày càng khẳng định Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn là một tổ chức tôn giáo có truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc. Đảng và Nhà nước ta đánh giá cao và tin tưởng ở vai trò, sức mạnh và hiệu quả đóng góp của Phật giáo Việt Nam trong kháng chiến giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp đổi mới ngày nay trên nền tảng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết và bình đẳng tôn giáo.”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tại Đại hội.
Đại hội này, ngoài nội dung quan trọng là kiểm điểm công tác nhiệm kỳ vừa qua, thống nhất đề ra phương hướng công tác Phật sự nhiệm kỳ tới; thảo luận, thống nhất việc tu chỉnh Hiến chương và tấn phong giáo phẩm cùng nhiều chương trình Phật sự khác…,đại biểu dự Đại hội sẽ sáng suốt lựa chọn và suy tôn, suy cử những vị chức sắc có đạo hạnh và trí tuệ, đủ uy tín và năng lực, xứng đáng là “thạch trụ tùng lâm” đảm trách các vị trí lãnh đạo trong bộ máy tổ chức của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ đó, động viên tăng ni, Phật tử cùng toàn dân tiếp tục thực hiện tốt các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân, sống hài hoà, đoàn kết hoà hợp giữa Phật giáo với các tôn giáo bạn và các tầng lớp nhân dân...
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với sự phát triển và bùng nổ của khoa học, công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những cơ hội, những thời cơ mới, tạo đà cho đất nước phát triển đi lên song cũng đặt ra những thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có Tăng ni, tín đồ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn tồn tại một số thế lực thiếu thiện chí vẫn thường xuyên có những hành vi chia rẽ, chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo; lợi dụng tôn giáo để phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội và cuộc sống của người dân.
Đảng, Nhà nước tin tưởng ở vai trò, sức mạnh và hiệu quả đóng góp của Phật giáo Việt Nam. (Ảnh: Thành Chung) |
Vì thế, Phó Thủ tướng đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa tới công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, để tăng ni và đồng bào Phật tử ở trong và ngoài nước cùng mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ về quan điểm tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và đoàn kết tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời, hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện để các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng hoạt động theo đúng pháp luật, tạo một môi trường sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ổn định, lành mạnh.
Theo báo cáo của Hội đồng trị sự GHPGVN, công tác từ thiện xã hội là những hoạt động Phật sự đạo đức được Giáo hội quan tâm sâu sắc trong nhiệm kỳ 2012- 2017. Theo đó, Giáo hội đã chỉ đạo các Tăng Ni, phật tử tích cực tham gia tập huấn, chống và giảm thiểu kỳ thị với những người bị nhiễm HIV/AIDS, vận động cứu trợ đồng bào bị thiên tai gần 7.000 tỷ đồng.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đánh giá cao và trân trọng biểu dương những kết quả hoạt động của toàn thể Tăng Ni, phật tử Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong nhiệm kỳ qua.
Ông Trần Thanh Mẫn mong muốn Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò là thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, luôn đoàn kết, đồng hành cùng dân tộc, hưởng ứng và tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”./.
Hà Giang