Đảng trong trái tim người Trà Leng - Bài 2: Sát cánh cùng dân
(Tổ Quốc) - Trà Leng ngày nay có nhà sàn truyền thống, đường bê-tông, điện thắp sáng, nước sinh hoạt đầy đủ… Ký ức của các hộ sinh ở Khu dân cư Bằng La luôn nhắc nhớ về những tháng ngày cán bộ Đảng và chính quyền các cấp sát cánh cùng đồng bào vượt lên đau thương làm hồi sinh cả một vùng đất sau bão lũ.
Trong câu chuyện chia sẻ với chúng tôi, ông Phan Quốc Cường - Chủ tịch UBND xã Trà Leng - nhắc đến trận sạt lở kinh hoàng vào tháng 10/2020 mà giọng nghèn nghẹn…
Ông Phan Quốc Cường cho biết, ngay sau khi xảy ra sạt lở vào ngày 28/10/2020, đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - nay là Chủ tịch nước - đã trực tiếp chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương tiến hành cứu hộ cứu nạn và kịp thời hỗ trợ không để bà con bị đói, bị rét.Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 5, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn Trung ương; các lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam cũng đến hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn.
Huyện ủy và chính quyền huyện Nam Trà My ngay lập tức vào cuộc, huy động tất cả nguồn nhân lực, vật lực, cùng sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để khắc phục cơ sở hạ tầng.
"Toàn lực lượng đều vào cuộc, từ cấp Trung ương đến tỉnh, huyện, xã. Với sự chỉ đạo của Đảng ủy xã Trà Leng, UBND xã đã huy động các lực lượng xung kích, vận động nhân dân sử dụng các vật liệu tại chỗ và hỗ trợ lẫn nhau khắc phục tạm thời nhà cửa bị tốc mái, ngã đổ. Đối với hộ ở những nơi không an toàn, chúng tôi vận động di dời đến nơi an toàn, tránh thiệt hại về người và tài sản. Với các hộ gia đình bị thiệt hại về nhà, xã đã tập trung huy động các nguồn lực để cùng nhân dân làm nhà tạm trong khi chờ xây dựng lại nhà mới", ông Cường nhớ lại.
Ông Cường cho rằng, chính phương án "4 tại chỗ" (lương thực tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) đã giúp tháo gỡ hàng loạt khó khăn trong thời điểm đó.
Với phương án nói trên, xã Trà Leng đã xây dựng và củng cố lực lượng dân quân, lực lượng xung kích với số lượng và cơ cấu phù hợp, luôn sẵn sàng trong mọi tình huống; chuẩn bị và vận động tích trữ lương thực trước khi vào mùa mưa, bảo đảm cuộc sống người dân trong trường hợp xảy ra thiên tai và bị chia cắt trong vòng 1 tháng; nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho Ban chỉ huy và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của xã; chuẩn bị các trang thiết bị phòng chống thiên tai và trang thiết bị y tế để bảo đảm công tác khắc phục, sơ cứu ban đầu…
Trong thời gian ngắn, chúng tôi vừa quy hoạch, vừa giải phóng mặt bằng, vừa vận động người dân hỗ trợ đất đai, kêu gọi sự đoàn kết, chung sức chung lòng để giúp những hộ bị thiệt hại ổn định cuộc sống
Nhiệm vụ đặt ra cho huyện Nam Trà My sau đợt thiên tai năm 2020 là phải sớm ổn định chỗ ở và tạo sinh kế mới cho bà con. Theo ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vào cuộc, khảo sát địa điểm tái định cư mới cho người dân.
"Trong thời gian ngắn, chúng tôi vừa quy hoạch, vừa giải phóng mặt bằng, vừa vận động người dân hỗ trợ đất đai, kêu gọi sự đoàn kết, chung sức chung lòng để giúp những hộ bị thiệt hại ổn định cuộc sống.
Ngày 30/4/2021, chúng tôi khánh thành toàn bộ 55 nhà ở các khu tái định cư, trong đó xã Trà Leng là 39 nhà, còn lại là ở xã Trà Vân. Với nhà ở dành cho 15 hộ dân có người thiệt mạng, chúng tôi hoàn thành trong hơn 2 tháng và bàn giao cho các hộ nóc Ông Đề vào tháng 2/2021", ông Dũng cho biết.
Ông Hồ Văn Thanh (40 tuổi) cho hay, trước khi xảy ra mưa lũ và sạt lở, ngôi nhà của gia đình ông tại làng Tắk Pát vừa được dựng, đồ đạc cũng mới sắm sửa. Kinh phí dựng nhà là toàn bộ tài sản gia đình làm lụng, tích cóp trong nhiều năm cùng số tiền đi vay mượn. Nhưng cả nhà ông chưa kịp vào ở trong nhà mới thì dòng lũ lạnh lùng đã cuốn trôi tất cả.
"Tôi trắng tay trong phút chốc. "Tắk Pát" trong tiếng M'Nông có nghĩa là "suối lạnh", dòng nước lũ thật lạnh lùng…", ông Thanh nhớ lại.
Được các cấp chính quyền quan tâm, động viên, ông Thanh gạt nước mắt quyết tâm đứng dậy, xây dựng lại cuộc sống. Ngày khánh thành KDC Bằng La, ông ngỡ ngàng khi được nhận nhà mới.
Ông Thanh bày tỏ: "Nhà sàn truyền thống, đường bê-tông, điện thắp sáng, nước sinh hoạt đầy đủ… Tôi cùng bà con KDC Bằng La rất biết ơn Đảng, biết ơn chính quyền tỉnh, huyện, xã, cùng tấm lòng của người dân cả nước đã yêu thương Trà Leng".
Vui cái bụng khi có nơi ở ổn định, người dân Bằng La lên nương rẫy trồng cây quế, cây sắn, cây dược liệu… và chăn nuôi với sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng như huyện Nam Trà My về cây giống, con vật nuôi, nhất là cây quế - loại cây chủ lực của địa phương.
Ông Thanh cho biết, cây quế một năm thu hoạch được 2 vụ, thường vào tháng 4 và tháng 8 âm lịch. Ngoài việc khôi phục diện tích nương rẫy, người dân cũng đã chuyển sang phương pháp trồng gối vụ để quế cho thu hoạch đều.
Trong vụ sạt lở năm 2020, Hồ Văn Trí (lúc đó 20 tuổi) cùng 3 em mất cả cha lẫn mẹ. Sau khi chuyển về sống tại KDC Bằng La, Trí cùng các em được các cấp chính quyền và các nhà hảo tâm quan tâm hỗ trợ tiếp tục học tập.
Đến nay, Trí đã tốt nghiệp khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, trở về quê nhà và đảm nhận vị trí Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Trà Leng.
Ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Trà My chia sẻ, một trong những điều làm nên hiệu quả trong công tác hỗ trợ, giúp đỡ người dân tại xã Trà Leng ổn định cuộc sống là sự đoàn kết, đồng thuận giữa chính quyền và người dân.
"Đảng ủy, chính quyền huyện và xã luôn đặt người dân làm trung tâm. Mọi chủ trương, chính sách đều vì lợi ích của người dân nên công tác tuyên truyền, vận động người dân làm theo hết sức thuận lợi", ông Hùng nhấn mạnh.
Ở Trà Leng, đồng bào dân tộc M'Nông chiếm 98,48%. Theo đó, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được tuyên truyền thường xuyên để bà con hiểu và tham gia, chẳng hạn như đăng ký thoát nghèo; xây dựng nông thôn mới và khu dân cư kiểu mẫu; sắp xếp dân cư, quản lý bảo vệ rừng, phát triển sản xuất...
"Có 11 hộ đăng ký thoát nghèo; không có hộ thiếu đói, không có trường hợp tảo hôn; 28 hộ được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế. Đời sống bà con ngày càng được cải thiện, văn minh", ông Phan Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng, bày tỏ vui mừng.
Cũng theo ông Cường, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân ở KDC Bằng La giống cây trồng, vật nuôi, giúp bà con tiếp cận các nguồn vốn để phát triển kinh tế; đầu tư cơ sở hạ tầng trường lớp nhằm bảo đảm việc học tập của con em, đồng thời tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân…
Kỳ tiếp: Giữ gìn bản sắc văn hóa