Đảng trong trái tim người Trà Leng - Bài 4: Đảng viên đi trước…
(Tổ Quốc) - Góp phần vào sự đổi thay của xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), ngoài nỗ lực của các cấp chính quyền, không thể không kể đến những cán bộ đảng viên ở cơ sở đã dành nhiều tâm sức chăm lo cho cuộc sống của người dân sau thảm họa thiên tai. Họ là những tấm gương sáng bên dòng sông Leng.
Thời tiết ở Trà Leng hay thất thường, có khi buổi sáng thì trời nắng như đổ lửa, nhưng buổi chiều thì mưa ào xuống rồi tạnh rất nhanh. Anh Nguyễn Xuân Ngọc (29 tuổi), Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Trà Leng đi cùng chúng tôi đến Khu dân cư (KDC) Bằng La thì trời cũng vừa đổ mưa. Anh hồ hởi khoe rằng, xã vừa tổ chức giải bóng đá giao lưu giữa các thôn ngay tại sân bóng của khu tái định cư mới này.
Trong mỗi lời kể của anh Ngọc về giải bóng đá giao lưu của các thôn, chúng tôi thấy toát lên một niềm vui lớn, bởi đây không chỉ là hoạt động dành cho thanh niên mà còn cho cả bản làng, đồng thời cũng là một trong những minh chứng rõ nét về sự hồi sinh của Trà Leng sau thảm họa mưa lũ và sạt lở.
"Mình mừng vì bà con đã an cư để yên tâm sản xuất và đời sống tinh thần cũng được nâng lên. Bà con ngày càng tin vào Đảng và chính quyền", anh Ngọc nói.
Nhận công tác tại xã Trà Leng từ năm 2015, anh Nguyễn Xuân Ngọc là một trong những người được chứng kiến sự thay đổi của xã từ đó đến bây giờ. Ngọc kể lại, thời điểm xảy ra sạt lở tại làng Ông Đề, anh đang được phân công công tác tại Văn phòng Đảng ủy xã Trà Leng. Chiều tối 28/10/2020, khi đang tham gia cứu hộ một trường hợp gặp nạn ở trung tâm xã, anh nhận được chỉ đạo đến làng Ông Đề để tìm hiểu về tình hình sạt lở khiến nhiều người chết và mất tích.
Mưa to, đường sạt lở nặng, dù khoảng cách chỉ vỏn vẹn 4km, nhưng phải mất hơn 2 giờ lội bộ, anh mới tiếp cận được hiện trường. Nắm được thông tin sạt lở, anh lại tức tốc quay ngược trở ra báo cáo tình hình với lãnh đạo xã để thông tin ra huyện. Trong quá trình di chuyển làm nhiệm vụ, Ngọc cùng với mọi người cũng đã ứng cứu, đưa một bé gái bị thương nặng do sạt lở đến nơi điều trị.
Những ngày sau đó, cùng với các lực lượng, anh tiếp tục tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai. Chứng kiến cảnh hoang tàn của bản làng, nhiều thi thể được tìm thấy trong lớp bùn đất ngổn ngang và cả tiếng khóc đến khản giọng của những người sống sót, anh Ngọc không khỏi xót xa.
Sau đợt mưa lũ và lở đất, người Ca Dong ở xã Trà Dơn - quê nhà của anh Ngọc - đã hiến 6 ha đất cho bà con M'Nông của xã Trà Leng để làm khu tái định cư. Trong niềm vui vì sự gắn kết giữa người Ca Dong và M'Nông ở hai địa phương, anh cũng tham gia gùi đồ đạc, thực phẩm giúp 39 hộ chuyển từ nơi ở tạm về nơi ở mới.
Tháng 7/2021, khi người dân Trà Leng dần ổn định cuộc sống ở KDC Bằng La, anh Nguyễn Xuân Ngọc sang nhận công tác ở Ủy ban MTTQ Việt Nam xã. Với nhiệm vụ mới, anh càng sát sao, gần dân hơn. Người cán bộ trẻ này đến từng nhà để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và vận động người dân thực hiện nếp sống văn hóa, tham gia các buổi hội họp tại nhà sinh hoạt cộng đồng.
"Mình mừng vì bà con đã an cư để yên tâm sản xuất và đời sống tinh thần cũng được nâng lên. Bà con ngày càng tin vào Đảng và chính quyền"
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trật Tổ quốc Việt Nam xã Trà Leng Nguyễn Xuân Ngọc
"Lúc mới chuyển về đây, buồn vì mất tài sản, người thân nên một số người dân tỏ ra chán nản. Có người ngày nào cũng uống rượu. Chúng tôi đã động viên, khuyên nhủ bà con tập trung lao động sản xuất, có như vậy mới ổn định cuộc sống, lo cho con cái học hành… Rất mừng là bà con đã nghe theo", anh Ngọc chia sẻ.
Đưa chúng tôi đi thăm KDC Bằng La, anh Ngọc vui mừng cho biết, nhờ xã và huyện làm tốt công tác an sinh xã hội nên đời sống của người dân dần ổn định. Bữa ăn của mọi nhà đều có cơm trắng, rau và thịt, không ai lo đói cái bụng nữa.
"Làm cán bộ Mặt trận của xã Trà Leng, tôi vui mừng khi thấy đồng bào giờ có cái ăn, cái mặc, ủng hộ những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Nước mắt của họ không còn rơi nữa", anh Ngọc nói.
Ở nóc Ông Đề, nỗi đau của người có công lập làng - già Hồ Văn Đề - trong vụ sạt lở có lẽ không thể nào diễn tả hết. Tám người thân của ông gồm con, dâu, rể, cháu đã chết và mất tích.
Ngày đó, già Đề thất thần. Ông khóc. "Cây đại thụ" của Trà Leng tưởng chừng như sụp đổ.
Rồi theo thời gian, cùng với sự quan tâm, động viên của chính quyền các cấp và sự sẻ chia của bao tấm lòng, nỗi đau trong ông dần lắng xuống. Già Đề tích cực vận động bà con về làng mới.
Tết năm 2021, 13 hộ ở làng Ông Đề đón năm mới ở KDC Bằng La với đầy đủ bánh, mứt, hạt dưa... Già Đề đã khóc. Nhưng lần này, già khóc là vì hạnh phúc, vì mừng cho dân làng. Ai hỏi gì, già Đề cũng nói "cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm dân làng".
Về với làng mới, cũng chính già Đề thường xuyên lui tới, chuyện trò, động viên người dân, phần nào là chỗ dựa tinh thần cho bà con dân làng sau thiên tai. Không những vậy, ông cũng hỗ trợ tích cực cho chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động bà con xây dựng nếp sống văn hóa.
Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà nhỏ tại KDC Bằng La, già Đề bày tỏ: "Mình đã từng trải qua bao nhiêu khó khăn như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh mà vẫn còn sống thì phải tiếp tục sống mạnh mẽ, để làm gương cho bà con. Càng phải gương mẫu hơn khi mình là già làng, là đảng viên, người có uy tín của bản làng".
"Người sống vẫn phải tiếp tục sống, giờ đã có nhà cửa, chỗ ở mới an toàn rồi thì phải động viên nhau cố gắng làm ăn, xây dựng lại bản làng. Bà con rất biết ơn Đảng, Nhà nước đã chăm lo cho bà con trong những lúc thiên tai, hoạn nạn", già Đề xúc động.
Chia tay chúng tôi, trên gương mặt của già làng ngoài 80 tuổi có làn da sạm đen, nụ cười đã trở lại.
Clip: Sự đổi thay ở Trà Leng ngoài nỗ lực của chính quyền, còn có đóng góp của những cán bộ Đảng viên cơ sở.
Kỳ cuối: Khi lòng dân đồng thuận