• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đảng trong trái tim người Trà Leng - Bài cuối: Khi lòng dân đồng thuận

Thực hiện: Nhóm PV | 27/08/2022

(Tổ Quốc) - Bài học kinh nghiệm lớn nhất được rút ra trong quá trình phòng chống thiên tai mà huyện Nam Trà My đã trải qua chính là sự đồng thuận của nhân dân. Nhờ thế, huyện mới có thể sắp xếp dân cư, đưa các hộ vào khu tái định cư để ổn định cuộc sống, tập trung sản xuất, vươn lên thoát nghèo, để bà con ngày càng tin tưởng vào Đảng và chính quyền.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nhấn mạnh về sự kiên cường, tinh thần mạnh mẽ của người dân ở vùng miền núi này khi vượt qua những nỗi đau mất mát, gượng dậy sau thiên tai, ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.

Đảng trong trái tim người Trà Leng - Bài cuối: Khi lòng dân đồng thuận   - Ảnh 1.

* Sau đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2020, huyện Nam Trà My đã đối mặt với rất nhiều khó khăn để khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống cho bà con. Nhìn lại thời điểm 2 năm trước, ông có thể chia sẻ về những khó khăn lúc đó?

- Cơn bão số 9 và 10 vào cuối năm 2020 gây thiệt hại rất lớn cho Nam Trà My. Cụ thể, toàn huyện có 18 người chết, 14 người mất tích, 33 người bị thương, 95 căn nhà sập đổ hoàn toàn, 769 nhà bị tốc mái.

Về sản xuất nông nghiệp, hơn 150 hecta đất bị bồi lấp; hàng trăm con gia súc, gia cầm chết hoặc bị nước cuốn trôi.

Khó khăn lớn nhất là cơ sở hạ tầng bị thiệt hại, hầu hết các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện bị sạt lở nặng, nhiều điểm trường cũng bị hư hỏng, thông tin liên lạc gián đoạn.

Vì vậy, việc tiếp cận hiện trường rất khó khăn, nhất là với xã Trà Leng. Nhiều nơi phải đi bộ một ngày đường mới tiếp cận được hiện trường. Tổng kinh phí thiệt hại lúc đó trên 1.300 tỷ đồng.

Đảng trong trái tim người Trà Leng - Bài cuối: Khi lòng dân đồng thuận   - Ảnh 2.

Hình ảnh tan hoang tại làng Ông Đề (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) được ghi nhận vào thời điểm xảy ra sạt lở cuối năm 2020.

* Huyện Nam Trà My, nhất là xã Trà Leng, hiện mang một diện mạo khác so với thời điểm cách đây 2 năm. Huyện đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nào để có được kết quả như hôm nay?

- Thời điểm xảy ra thảm họa, chúng tôi đã chỉ đạo thực hiện "4 tại chỗ" (lương thực tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), vốn nằm trong phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn mà mỗi xã đã chuẩn bị từ trước. Vì vậy, trong khi chờ lực lượng của Quân khu V, của tỉnh Quảng Nam và của huyện xuống ứng cứu (lực lượng này phải vừa đi, vừa mở đường), với phương án "4 tại chỗ", các lực lượng quân sự, dân quân, công an, thanh niên và cả người dân ngay tại các địa phương đã được huy động để tìm kiếm những người mất tích.

Chính quyền tỉnh, huyện đã tổ chức tiếp tế lương thực, động viên, chia sẻ nỗi đau mất mát của các gia đình; đồng thời tổ chức dựng nhà tạm cho người dân.

Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện chỉ đạo quyết liệt việc khảo sát địa điểm tái định cư mới cho người dân. Trong thời gian ngắn, chúng tôi vừa quy hoạch, vừa giải phóng mặt bằng, vừa vận động người dân hỗ trợ đất đai, kêu gọi sự đoàn kết, chung sức chung lòng để giúp các hộ ổn định cuộc sống. Tôi nhận thấy rõ là khi có sự đồng thuận của người dân thì mọi việc dễ dàng, thuận lợi hơn.

Đảng trong trái tim người Trà Leng - Bài cuối: Khi lòng dân đồng thuận   - Ảnh 3.

* Trong lúc người dân đau buồn vì mất nhà cửa, mất người thân, làm sao để vận động họ về nơi ở mới?  

- Huyện ủy và UBND huyện xác định cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, Mặt trận, các hội, đoàn thể đến từng nhà động viên tinh thần của người dân.

Bên cạnh đó, bằng những hành động cụ thể như làm nhà tạm cho dân ở, tiến tới làm nhà kiên cố cho dân ở lâu dài, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, tiền, trang thiết bị, vận dụng thiết yếu như giường, mùng, mền, chiếu…, chúng tôi đã làm hết sức mình để người dân hiểu rằng, Đảng, Nhà nước, chính quyền không bỏ người dân, mà cùng với nhiều tổ chức, cá nhân luôn quan tâm đến cuộc sống của người dân, huy động các lực lượng khắc phục hậu quả thiên tai và sát cánh với đồng bào để giúp họ ổn định cuộc sống.

Về sản xuất, chúng tôi hỗ trợ con giống và cây trồng. Chính quyền huyện Nam Trà My vận động người dân thay dần diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, cây ăn quả; tăng cường công tác tái đàn trong chăn nuôi.

Người dân Nam Trà My rất kiên cường. Nỗi đau mất người thân là rất lớn, có những hộ mất hết tài sản, nhưng với tình yêu thương, đùm bọc của cả nước, họ đã nhanh chóng gượng dậy.

Đến nay, có thể nói cuộc sống của bà con đã ổn định. Thậm chí, vùng Trà Leng - nơi thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ và sạt lở năm 2020 - hiện sung túc nhất so với các làng khác. Từ đó, người dân càng tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và chính quyền.

Đảng trong trái tim người Trà Leng - Bài cuối: Khi lòng dân đồng thuận   - Ảnh 4.

Với phương án “4 tại chỗ”, các lực lượng quân sự, dân quân, công an, thanh niên, người dân địa phương đã áp dụng, phát huy được tối đa hiệu quả trong công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai.

* Có nhà ở nhưng phải có phương tiện sinh kế, huyện có những giải pháp gì để hỗ trợ bà con sản xuất, chăn nuôi?

- Ở huyện Nam Trà My chủ yếu là phát triển nông lâm nghiệp, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng: cây sâm Ngọc Linh, cây quế và các cây dược liệu khác nhằm phục vụ chương trình giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới.

Nam Trà My là vùng phát triển cây dược liệu quốc gia, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng cũng phù hợp cho việc phát triển cây dược liệu. Diện tích sâm Ngọc Linh theo quy hoạch là gần 16.000 hecta ở địa bàn 7 xã. Ở Trà Leng chủ yếu là cây quế.

Trước mắt, để người dân ổn định cuộc sống, huyện chủ trương trồng cây quế xen cây ngắn ngày (cây sắn, cây chuối mốc) để lấy ngắn nuôi dài, hạn chế cây keo. 15-20 năm sau, 1 hecta quế có thể thu được 1-2 tỷ đồng. Hy vọng những đổi thay sẽ tiếp tục diễn ra trên vùng đất Nam Trà My, cuộc sống của bà con sẽ khấm khá hơn…

Đảng trong trái tim người Trà Leng - Bài cuối: Khi lòng dân đồng thuận   - Ảnh 5.

* Theo ông, làm cách nào để tránh những thảm họa tương tự?

- Nam Trà My là huyện miền núi cao, địa hình có độ dốc lớn nên khó tránh được sạt lở khi xảy ra mưa lớn, lũ quét.

Theo chủ trương của tỉnh Quảng Nam, chậm nhất tới năm 2025, toàn tỉnh sẽ không còn hộ dân nào sống trong vùng sạt lở, lũ quét. Vì vậy, huyện Nam Trà My quyết tâm thực hiện công tác sắp xếp dân cư để bảo đảm an toàn cho người dân.

Huyện tiến hành sắp xếp dân cư từ năm 2017. Đến năm 2020, huyện đã sắp xếp cho 2.000 hộ và hiện đang sắp xếp cho khoảng 500 hộ. Những khu nào có nguy cơ sạt lở, nhà dân ở khu vực rừng nguyên sinh thì phải di dời để ổn định sản xuất, bảo đảm cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc sắp xếp dân cư là tìm kiếm đất ở bởi địa hình vùng núi hiểm trở. Người dân rất ủng hộ việc sắp xếp dân cư, đưa họ vào ở các khu tái định cư gần nơi sản xuất, nhưng đời sống của họ gặp nhiều khó khăn, không có điều kiện để đóng góp thực hiện chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm".

Đảng trong trái tim người Trà Leng - Bài cuối: Khi lòng dân đồng thuận   - Ảnh 6.

* Trong đau thương, mất mát, Đảng, chính quyền đã đồng hành cùng dân và cũng chính những người dân chất phác ấy đã trọn vẹn niềm tin theo Đảng dựng xây nên diện mạo mới cho Trà Leng hôm nay. Theo ông, bài học kinh nghiệm được rút ra trong việc thực thi những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và cả trong công tác quản lý để tạo nên những bước phát triển mới sau thảm họa là gì?

- Bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, trước hết là phải có sự đồng thuận của nhân dân; mọi chủ trương, quyết sách phải đáp ứng được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân. Chẳng hạn, làm nhà tái định cư thì chúng tôi tiến hành họp rất nhiều lần, bởi phải giải quyết cho được vấn đề làm sao xây nhà mới mà vẫn giữ gìn văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây.

Rồi chúng tôi phải tính toán đầu tư đồng bộ về quy hoạch, mang tính ổn định lâu dài. Khu dân cư phải bảo đảm về hạ tầng giao thông, nước sinh hoạt, điện thắp sáng, các thiết chế văn hóa (nhà văn hóa, sân vận động) và trường học, nhà ở của dân phải gần nơi sản xuất. Như thế, người dân mới có niềm tin và ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước, chính quyền.

Không những vậy, huyện còn có đề án riêng hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, cây con giống, vật nuôi.

Một điều vô cùng quan trọng là kỹ năng ứng phó, thích nghi và sống chung với mưa bão của mỗi người dân. Tỉnh đã có chủ trương mở các chương trình đào tạo kỹ năng ứng phó với thiên tai cho người dân và cho cả các em học sinh. Huyện cũng sẽ tính toán vấn đề này để làm sao nâng cao kỹ năng cho người dân trong việc nhận biết dấu hiệu sạt lở đất, cách cứu hộ khi có tình huống xảy ra…

* Xin cảm ơn ông! 

NỔI BẬT TRANG CHỦ