• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đánh cây, tắm nước thảo dược, dọn dẹp nhà cửa... và ý nghĩa thực sự của Tết Đoan Ngọ trong văn hóa Việt

Thực hiện: Quang Thái | 19/06/2023

(Tổ Quốc) - Mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm, dân ta lại đón Tết Đoan Ngọ, còn gọi là Ngày giết sâu bọ. Trong ngày này, nên làm gì để gặp may mắn?

Ở nước ta, lễ hội và tục lệ dân gian là một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Với cội nguồn văn minh lúa nước, vòng quay của thiên nhiên đã tạo ra nhu cầu tâm linh vừa thiêng liêng, mãnh liệt lại vừa gần gũi, dân dã. Tết Đoan Ngọ cũng nằm trong những điều thiêng liêng ấy đi suốt dặm dài văn hóa của dân tộc.

Ý nghĩa thực sự của Tết Đoan Ngọ

Lịch sử của dân tộc ta gắn liền với nền văn minh lúa nước từ thời thượng cổ, khi ấy, kỹ thuật sản xuất còn thô sơ, người nông dân về cơ bản phải phụ thuộc vào thời tiết. Nếu không làm tốt công tác tưới tiêu, hạn hán, ngập úng, diệt trừ sâu bệnh ắt ảnh hưởng đến thu hoạch mùa màng.

Thời tiết dịp Tết Đoan Ngọ có ảnh hưởng lớn đến mùa vụ và đời sống người dân. Bởi vậy, ngày Tết Đoan Ngọ đã trở thành một trong những phong tục tập quán có nhiều hoạt động thú vị, là nét đẹp văn hóa làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Cũng chính vì vậy mà ngày Tết Đoan Ngọ được dân gian hoá, gọi gần gũi là Tết giết sâu bọ, hay Tết diệt sâu bọ diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm. 

Tết Đoan Ngọ của ta có ít nhiều ảnh hưởng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ý nghĩa và các hoạt động trong ngày lễ này có nhiều khác biệt. 

Trong ngày Tết Đoan Ngọ, người Trung Quốc tưởng nhớ tới vị trung thần tên Khuất Nguyên, người nước Sở, từ thời Xuân Thu. Trong Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính có viết rằng: "Vì can ngăn vua Hoài Vương không được, bực mình ôm đá gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn. Hôm ấy chính là ngày mồng năm tháng năm. Xứ ấy thương tiếc người trung nghĩa, cứ mỗi năm đến ngày ấy thì làm bánh đường bánh ngọt, cuốn chỉ ngũ sắc ở ngoài rồi đua nhau bơi thuyền ra giữa dòng sông mà ném bánh xuống để cúng ông ấy."

Cùng đón Tết Đoan Ngọ, nhưng người Trung Quốc tưởng nhớ Khuất Nguyên, người Hàn Quốc và Nhật Bản cũng có ý nghĩa riêng, còn dân ta thì "giết sâu bọ" và cầu bình an, khoẻ mạnh. 

Ngày Tết Đoan Ngọ có những hoạt động gì?

Tập tục cúng tổ tiên và nghi thức "giết sâu bọ"

Trong ngày Tết Đoan Ngọ, người dân sẽ chuẩn bị một mâm lễ gồm các vật phẩm như rượu nếp cái, nếp cẩm, hoa tươi, trái cây theo mùa như mận, vải thiều, bánh gio,... để dâng lên tổ tiên lấy thảo. Cũng trong ngày hôm ấy, mọi người sẽ thực hiện nghi thức "giết sâu bọ" bằng cách ăn những lễ vật này.

Tết Đoan Ngọ trong tâm thức người Việt: Gửi gắm mong ước về cuộc sống an lành và khỏe mạnh - Ảnh 1.

Trong cuốn Tìm hiểu nghi lễ cưới hỏi, thờ cúng trong dân gian của tác giả Hà Hoài Dung có nhắc tới tục giết sâu bọ. "Theo quan niệm người xưa, trong cơ thể con người tồn tại một số loài sâu bệnh cần phải trừ khử do đó người ta tổ chức giết sâu bọ vào ngày mồng 5 tháng 5 là ngày chúng xuất hiện. Ngay trong sớm mồng 5, khi mới ngủ dậy, người ta sẽ ăn hoa quả hoặc cơm rượu (rượu nếp) để tiêu diệt sâu bệnh. Điều này có thể không có cơ sở khoa học song tập tục này đã trở thành tập quán lâu đời của người Việt."

Nhà khảo cứu Phan Kế Bính cũng nhắc rất rõ đến tập tục này trong Việt Nam phong tục: "Sáng sớm hôm ấy, ăn rượu nếp, trứng luộc, kê, bánh đa, đào, mận, muỗm, dưa hấu, uống nước dừa. Người lớn thì uống rượu hoà ít tam thần đơn, hoặc hồng hoàng, gọi là giết sâu bọ. Trẻ con ăn xong thì bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để trừ trùng" (hồng hoàng ở đây là rượu hùng hoàng, tuy nhiên theo thời gian khoa học đã cho thấy hùng hoàng có chất độc arsenic nên ngày càng ít dùng, hiện nay tục uống rượu này cũng không còn mà người dân thay bằng tục ăn rượu nếp cái, nếp cẩm). 

Hay như "giữa buổi trưa hôm ấy thì làm cỗ cúng gia tiên", trong ngày này, thời tiết nóng nực nên mâm lễ cúng gia tiên cũng chỉ là hoa quả, bánh trái, bánh gio, bánh bá trạng, rượu nếp để giảm bớt cái nóng của mùa hè.

"Đánh cây" vào giờ Ngọ

Xưa kia, dân gian còn có tục khảo cây, hay còn gọi là đánh cây. Lễ nghi này được thực hiện vào chính Ngọ (12 giờ trưa) ngày Tết Đoan Ngọ. Những cây bị khảo này thường là các loại cây ăn quả bị "tịt" không ra quả hoặc quả đèo bòng, sâu bệnh. 

Tết Đoan Ngọ trong tâm thức người Việt: Gửi gắm mong ước về cuộc sống an lành và khỏe mạnh - Ảnh 2.

Tục khảo cây là tập tục thú vị trong ngày Tết Đoan Ngọ của dân ta.

Tục khảo cây thường sẽ có hai người tham gia. Một người trèo lên cây đóng vai là thân cây, người còn lại đứng dưới cầm dao gõ vào gốc hoặc thân cây và hỏi. Chẳng hạn như hỏi tại sao không ra quả, doạ nạt chặt cây nếu như năm sau không ra quả,... Người trên cây vờ trả lời bằng giọng điệu sợ hãi như vì thiếu phân, sâu bệnh,... nên chậm ra quả, hứa hẹn năm sau sẽ sai quả hơn,... Tục này nhằm tượng trưng cho việc xua đuổi sâu bọ, bảo vệ mùa vụ cây trái.

Ngày nay, tục này cũng dần đi vào quên lãng, chỉ có ở nông thôn, một số nơi vẫn thực hiện nghi thức này vào ngày Đoan Ngọ.

Quét dọn nhà cửa, hái thuốc, treo vòng ngải hoặc xương bồ lên cửa

Không cứ ngày lễ Tết, việc dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng thì lúc nào cũng cần. Tuy nhiên, trong ngày quan trọng hơn như Tết Đoan Ngọ cũng cần chu đáo thêm. 

Phan Kế Bính có nói thêm rằng, sau khi cúng gia tiên thì "đi hái lá mồng năm, bất cứ lá gì bạ gặp lá gì cũng hái, mà nhất là hay hái lá ích mẫu, lá cối xay, lá muỗm, lá vối,... Đem về ủ rồi phơi khô, về sau đem nấu uống, cho rằng uống thế thì lành". 

Tết Đoan Ngọ trong tâm thức người Việt: Gửi gắm mong ước về cuộc sống an lành và khỏe mạnh - Ảnh 3.

Cũng ở nhiều nơi, gần ngày Hạ chí - được coi là nóng nhất trong năm, dương khí cực thịnh, lúc này cây lá thu được nguồn nhiệt mặt trời nhiều nhất nên được xem là tốt hơn bình thường.

Trong ngày Tết giết sâu bọ, hai loại cây ngải cứu và xương bồ rất được "trọng dụng" về khả năng giúp loại bỏ năng lượng tiêu cực của con người. Nhà bác học Lê Quý Đôn có nhắc đến xương bồ trong Vân Đài loại ngữ như sau:

Cây xương bồ có 9 đốt là quí, có râu như râu cọp là đẹp; mọc ở trên suối đá, thì thực có tiên khí. Tô Đông Pha có câu thơ nói về chi tử (dành dành) và xương bồ như sau:

"Lục hoa thiềm bặc lâm gian Phật

Cửu tiết xương bồ thạch thượng tiền".

Tạm dịch: 

Dành dành sáu cánh, Phật trên rừng

Xương bồ chín đốt, Tiên trên đá.

Tết Đoan Ngọ trong tâm thức người Việt: Gửi gắm mong ước về cuộc sống an lành và khỏe mạnh - Ảnh 3.

Bó ngải kèm xương bồ hay lá bưởi được treo trước cửa nhà giúp xua đuổi côn trùng.

Nói thêm về tục hái lá này, Phan Kế Bính có nhắc đến tục hái lá ngải cứu rằng: 

"Lại nhiều người đi lấy lá ngải cứu, tuỳ năm nào thì kết hình con thú năm ấy (theo mười hai tiểu hình), như năm Tý thì kết con chuột, năm Sửu thì kết con trâu, năm Dần thì kết con hùm, năm Mão thì kết con mèo,... 

Kết đoạn treo giữa cửa để trừ sự bất tường, và để về sau ai có bệnh đau bụng, thì dùng làm thuốc tốt lắm". 

Tục này xưa thì có chứ nay cũng mai một chẳng còn nơi nào kết hình con giáp bằng lá ngải nữa. Tuy nhiên, ăn bánh lá ngải, hầm với trứng vịt lộn ăn thanh nhiệt hoặc kết hợp với các thảo dược khác để gội đầu, xông mặt thì có.

Tắm nước thảo dược

Trong ngày nóng nực như Tết Đoan Ngọ, nhiều người mua các bó thảo dược như lá bưởi, ngải cứu, xương bồ, hương nhu, từ bi, mùi già,... về đun nước tắm gội, xông mặt để thư giãn. Trong cuốn Hội hè lễ Tết của người Việt, tác giả Nguyễn Văn Huyên còn nhắc thêm đến việc "hôm đó mặt trời lên tới đỉnh điểm, cho nên thời khắc Đoan Ngọ là tốt nhất. Tất cả mọi điều ta làm ngày đó, đặc biệt vào giờ Ngọ, từ 11 đến 13 giờ, đều có một hiệu quả vô cùng song. Mọi người tắm bằng nước đun với rễ cây thơm hay với hoa nhài để xua đi những tà khí. Đàn bà con gái gội đầu mong rằng có mớ tóc "đuôi gà" dài hơn và mềm mại hơn". 

Ngoài ra, trong Việt Nam phong tục cũng nhắc đến nhiều tập tục được thực hiện trong ngày Tết Đoan Ngọ của dân ta như "Tết này ta hay lấy lá móng nhuộm các đầu ngón tay, ngón chân cho trẻ, mà trừ ra ngón tay trỏ và ngón chân trỏ", "nhiều người mua bùa chỉ đeo cho con trẻ. Bùa chỉ kết bằng chỉ ngũ sắc, và lấy những mụn lụa mụn thua kết hoa sen, quả đào, quả khế, quả ớt,... Lại may áo lụa đem đến các cửa chùa, cửa tĩnh in dấu vẽ bùa rồi mặc cho trẻ, có ý để trừ tà ma cho khỏi quấy".

Cụ Nguyễn Văn Huyên cũng kể thêm về những tục khác trong ngày Tết Đoan Ngọ như "phơi nắng sách vở và đồ đạc để trong năm không bị mốc nữa", nếu trời mưa to đúng giữa trưa thì "nên chặt cây tre để hứng lấy trong ruột tre một thứ nước thần diệu có tính năng chữa được đau mắt và đau bụng", hay như giữa giờ Ngọ, cả đàn ông lẫn đàn bà ngoảnh về phía mặt trời chói chang "lật lông mi lên và nhỏ vào mắt ba giọt nước mưa hoà mấy hạt muối", làm như vậy "mắt sẽ nhìn rõ hơn và sẽ không bị đau nữa",...

Tết Đoan Ngọ ở các quốc gia khác ra sao?

Trung Quốc

Lễ hội Thuyền Rồng mừng Tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc là một trong những lễ hội truyền thống mang ý nghĩa cầu mong sự thành công và sung túc. Vào thời xưa, lễ hội này nhằm tránh tai họa, mọi người sẽ tổ chức các hoạt động khác nhau để cầu phước lành, trong đó có làm bánh bá trạng, treo ngải cứu chèo thuyền rồng.

Tết Đoan Ngọ trong tâm thức người Việt: Gửi gắm mong ước về cuộc sống an lành và khỏe mạnh - Ảnh 4.

Lễ hội Thuyền Rồng là ngày người dân Trung Quốc cầu bình an trong cuộc sống và mong tránh xa bệnh dịch.

Theo quan niệm dân gian, ngải cứu là loại thảo mộc có tác dụng xua đuổi tà khí. Trong Lễ hội Thuyền Rồng, người Trung Quốc sẽ hái ngải cứu tươi từ sớm, bó thành bó hoặc kết hợp với cỏ xương bồ, treo trên cửa ra vào, cửa sổ hoặc đầu giường.

Vào ngày này, người ta buộc những sợi dây nhiều màu sắc quanh cổ tay trẻ em với ngụ ý cầu may mắn, bình an. Hoặc làm túi thơm được gói các loại thảo mộc, gia vị, được treo trên quần áo hoặc trong nhà để xua đuổi khí dữ.

Tết Đoan Ngọ trong tâm thức người Việt: Gửi gắm mong ước về cuộc sống an lành và khỏe mạnh - Ảnh 8.

Theo quan niệm của Trung Quốc, ăn trứng vào buổi sáng ngày Tết Đoan Ngọ có thể giải tỏa phiền muộn, đó cũng là sự may mắn, tốt lành. Ở nhiều nơi, có phong tục chạm vào trứng trong ngày Lễ hội Thuyền Rồng. Đập những quả trứng luộc chín tròn đầy vào nhau sẽ gặp may mắn, vui vẻ và hạnh phúc. Làm bánh bá trạng (bánh tam giác) cũng là truyền thống lâu đời.

Hàn Quốc

Ngày Tết Đoan Ngọ ở Hàn Quốc được gọi là Lễ hội Dano. Lễ hội có lịch sử hơn 1000 năm của vùng Gangneung, tỉnh Gangwon (Hàn Quốc) này đã được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của LHQ (UNESCO) công nhận là kiệt tác mới của thế giới, là di sản văn hóa phi vật thể được truyền khẩu.

Ngoài ra, các hoạt động khác trong ngày Tết Đoan Ngọ ở Hàn Quốc là đấu vật, chơi đu, ăn món bánh đặc trưng là bánh nếp lá ngải, tặng nhau những chiếc quạt giấy nghệ thuật để tỏ ý giúp hạ nhiệt trong mùa hè.

Dano cũng là dịp thực hiện nghi thức cầu mùa màng bội thu sau khi thu hoạch lúa xong. Trong ngày nay, phụ nữ và trẻ em sẽ thực hiện tục gội đầu bằng cây xương bồ. Họ tin rằng làm như vậy giúp tóc suôn mượt và óng khoẻ. 

Nhật Bản

Không cúng tổ tiên và ăn rượu nếp hay mận, vải thiều như người Việt, ở Nhật Bản ngày 5 tháng 5 âm lịch là Ngày tết thiếu nhi, gọi là Kodomo no hi. Ngày Tết thiếu nhi của các bé trai được tổ chức vào ngày 5/5 âm lịch, các bé gái vào 3/3 âm lịch.

Vào ngày này, mọi gia đình đều treo cờ cá chép. Đây là ngày cầu chúc cho tất cả trẻ em luôn được khỏe mạnh và hạnh phúc. Tục lệ treo cờ cá chép trong ngày Tết thiếu nhi của mỗi gia đình Nhật Bản nhằm cầu mong cho các bé sự khỏe mạnh, thành công như cá chép vậy.

Tết Đoan Ngọ trong tâm thức người Việt: Gửi gắm mong ước về cuộc sống an lành và khỏe mạnh - Ảnh 10.

Điều thú vị về màu sắc cờ cá chép được treo đó là chúng sẽ tượng trưng cho mỗi thành viên trong gia đình. Thông thường, cá chép màu đen ở trên cùng tượng trưng cho người cha, tiếp đến cá chép màu đỏ tượng trưng cho người mẹ và cá chép màu xanh dương tượng trưng cho bé trai.

Ngoài cờ cá chép, người dân còn bày búp bê Kintaro. Đây là một vị anh hùng thiếu nhi trong truyền thuyết Nhật Bản, nổi tiếng với sức mạnh phi thường khi còn nhỏ, tựa như Thánh Gióng của Việt Nam. Ngoài ra, người dân cũng sẽ làm bánh gạo nếp với đậu đỏ, bọc trong lá sồi tượng trưng cho cuộc sống suôn sẻ, may mắn.

Những điều kiêng kỵ trong Tết Đoan Ngọ

Không đến nơi vắng vẻ, tắm sông suối vào giờ Ngọ

Khung giờ Ngọ là thời điểm nắng nóng cực độ, không nên ra bờ sông, suối, bãi vực sâu để tắm. Nhiệt độ ngoài trời cao không thích hợp để bơi lội ở ao hồ. Cơ thể đang nóng xuống nước lạnh đột ngột dễ bị chuột rút và các tình trạng nguy hiểm khác. 

Ra ngoài nắng nóng nên che chắn kỹ càng

Hạn chế ra ngoài trời lúc nhiệt độ cao như vậy. Nếu bắt buộc phải đi thì cần mặc kín, che chắn khỏi nhiệt độ cao khiến bạn bị say nắng, cháy nắng. 

***

Nói thêm về những tập tục trong ngày Tết Đoan Ngọ của các nước khác để thấy rằng người Việt luôn có nét riêng, giữ gìn được bản sắc văn hoá của mình. Các hoạt động trong ngày Tết Đoan Ngọ tuy không bắt buộc, đó chỉ là những truyền thống được dân gian lưu truyền và hình thành tập tục. Giống như cụ Nguyễn Văn Huyên trong Hội hè lễ Tết của người Việt cho rằng "Tết Đoan Ngọ thực là lễ kỳ lạ nhất trong lịch sử người Việt" và cũng "diễn ra ngay đúng giữa mùa kinh khủng nhất trong xứ này", đến nỗi "các cách được sử dụng đã được lấy trong kho tàng dân gian xa xưa nhất của địa phương hay là chúng có quan hệ ít nhiều với các tín ngưỡng liên quan đến sự trường thọ".

Dù vậy, việc thực hiện những nghi lễ dân gian ấy cũng góp phần làm giàu thêm đời sống văn hóa của mỗi gia đình nói riêng và của cả dân tộc nói chung. Đó cũng tựa như một lời chúc may mắn, nguyện ước vun vén cho cuộc sống của chúng ta bình an tốt lành hơn mỗi ngày.

NỔI BẬT TRANG CHỦ