• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đánh giá tác động môi trường: Vẫn còn những lỗ hổng

Thời sự 06/12/2008 15:48

(Toquoc) - Khi những dòng sông…đều thối, môi trường sống bị huỷ hoại nghiêm trọng bởi các doanh nghiệp, dư luận mới giật mình đặt câu hỏi, trước khi các dự án được cấp phép thì vai trò báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án được thể hiện như thế nào?

(Toquoc) - Khi những dòng sông… đều thối, môi trường sống bị huỷ hoại nghiêm trọng bởi các doanh nghiệp, dư luận mới giật mình đặt câu hỏi, trước khi các dự án được cấp phép thì vai trò báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án được thể hiện như thế nào?

Tiến sĩ Vũ Quang (Bộ môn Luật Kinh doanh, ĐH Quốc gia Hà Nội), một trong những giảng viên giảng dạy môn Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) đầu tiên của Việt Nam, đã trả lời phỏng vấn Điện tử Tổ quốc về các vấn đề liên quan tới “số phận” của các ĐTM hiện nay.

Kết luận của hội đồng thẩm định mới chỉ mang tính tư vấn

- Thưa ông, vai trò của ĐTM hiện nay được thể hiện như thế nào?

+ ĐTM đóng vai trò to lớn trong việc BVMT và phát triển bền vững. Là một chế định lớn trong Luật BVMT, nó được đặt ra để các chủ thể phải thực hiện nghĩa vụ pháp lý trong lĩnh vực BVMT, xem xét hành vi của các chủ thể nhằm ngăn chặn, kiểm soát những tác động xấu tới môi trường. Người Mỹ đi đầu trong việc sáng tạo, thực thi và hiệu quả vấn đề này, sau đó nhiều nước khác đã áp dụng kinh nghiệm này. Những năm 80, Việt Nam bắt đầu triển khai thí điểm ĐTM, tới năm 1993 khi có Luật BVMT thì ĐTM chính thức có chế định trong đó nhưng thực tế thì chưa được quan tâm.

Phải mãi tới năm 2005, chế định này mới được thiết kế lại và phân thành ba loại: nhóm lớn nhất là các dự án quy hoạch chiến lược kinh tế - xã hội (chủ yếu do Quốc hội, Chính phủ quyết định có triển khai hay không); nhóm hai: các doanh nghiệp khác (hiện có khoảng 300.000 doanh nghiệp - theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - nhóm đông nhất, nhiều nhất); thứ ba là các nhóm nhỏ chủ hộ kinh doanh cá thể… khi đăng ký kinh doanh chỉ cần cam kết bảo vệ môi trường.

Tôi cho rằng, việc phân loại này là cách thức kiểm soát các hoạt động ảnh hưởng tới môi trường một cách hiệu quả hơn.

Về ĐTM, pháp luật Việt Nam đã quy định khá cụ thể, chi tiết, rõ ràng với một kỹ thuật không kém tân kỳ. Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia Đông Nam Á có đưa ĐTM vào Luật BVMT, không phải quốc gia nào cũng làm đâu.

Còn trả lời cho câu hỏi, vai trò của ĐTM thực tiễn như nào thì tôi có thể khẳng định chế định pháp lý về ĐTM đóng góp hết sức quan trọng trong việc BVMT. Nhưng thực tế, môi trường vẫn tiếp tục bị tàn phá.

- Như vậy, theo Tiến sĩ,  dưới khía cạnh một chuyên gia luật, thì ĐTM còn có lỗ hổng chăng?

+ Theo tôi báo cáo ĐTM là quan trọng nhưng hiện nay việc thực thi còn liên quan tới nhiều vấn đề: cán bộ, nguồn lực, phương tiện nữa nhưng tôi muốn nói sâu về các khía cạnh pháp lý liên quan tới việc tổ chức thẩm định.

Về hội đồng thẩm định (HĐTĐ) ĐTM của một dự án, tôi cho rằng việc phân cấp theo quy định của luật chưa được tốt. Đơn cử, dự án chiến lược do Quốc hội và Chính phủ đưa ra mà Bộ Tài nguyên - Môi trường lập báo cáo ĐTM thì liệu Bộ có dám phản bác?

Hoặc cũng với phân cấp, dự án nhỏ do cấp tỉnh quyết định đầu tư hay không, trong khi các tỉnh đang đua nhau trải thảm đỏ hút đầu tư. Liệu sẽ có tỉnh hạ một phần các tiêu chí môi trường để có được dự án? Chưa kể, chủ tịch tỉnh có quyền quyết định dự án được đầu tư hay không, cũng chính tỉnh lập HĐTĐ báo cáo ĐTM.

Một vấn đề khác của HĐTĐ, pháp luật quy định kết luận của nó chỉ mang tính chất tư vấn. Điều này sẽ được hiểu là nghe hay không nghe theo ý kiến HĐTĐ là do chủ quan của người có thẩm quyền quyết định cho dự án triển khai mà thôi.

Làm sao, kết luận của HĐTĐ trước một báo cáo ĐTM có ý nghĩa pháp lý để có thể dừng hay không một dự án. Nếu cho phép quyết định thì chính HĐTĐ cũng phải chịu trách nhiệm một phần nếu dự án triển khai gây tác động xấu về môi trường.

Chủ tịch tỉnh quyết định cho phép dự án đầu tư thì cũng phải có quy định trong luật chịu trách nhiệm pháp lý nếu xảy ra hậu quả về môi trường. Dù có nghỉ hưu cũng phải chịu trách nhiệm, không thể phủi tay, để tránh tư duy theo nhiệm kỳ.

Ngoài ra, các thành phần của HĐTĐ được quy định như hiện nay sẽ không đảm bảo tính khách quan, trung thực trong đánh giá. Luật quy định 50% số thành viên là các nhà môi trường nhưng phải nói rõ có bằng cấp, chứng chỉ như nào, trình độ thực sự tới đâu. Thời gian tới, tôi nghĩ, ý này sẽ được bổ sung vào luật.

Tôi cũng mong, thành phần tham gia HĐTĐ nhất thiết phải có đại diện của dân chứ không phải chỉ là Mặt trận tổ quốc. Nên có cơ chế đề người dân tự bầu ra đại diện tham gia.

Hoặc nên đưa vào luật quy định có đại diện của giới doanh nghiệp trong HĐTĐ sẽ khuyến khích việc cạnh tranh giữa doanh nghiệp với nhau: tại sao dự án của tôi lại khắt khe với môi trường nhưng doanh nghiệp này lại “thoáng” hơn chẳng hạn? Các chủ đầu tư có thể tự “vạch áo cho người xem lưng”.

Nên xây dựng một đạo luật về ĐTM

- Trên thực tế, có nhiều dự án không được thông qua bởi các báo cáo ĐTM chưa, thưa ông?

+ Cũng có nhưng chúng tôi không tiếp cận được bởi việc ĐTM này không công khai. Chỗ này theo tôi cũng cần công khai thông tin nội dung bản báo cáo và kết quả thẩm định. Còn thực tế, luật không quy định công khai tới mức độ nào, người dân không tiếp cận được. Một số dự án tôi được biết cũng đã bị dừng lại nhưng chủ yếu từ phản biện của báo chí.

ĐTM đóng vai trò to lớn trong việc BVMT và phát triển bền vững

(Ảnh: Báo Phú Yên)

- Vậy những vấn đề với ĐTM mà Tiến sĩ vừa nêu đã được kiến nghị chỉnh sửa chưa?

+ Vấn đề này đã được đề cập. Tôi hy vọng, năm tới Quốc hội sẽ bổ sung những tồn tại trên. Ngoài ra, tôi nhấn mạnh việc nên có cơ chế để người dân tham gia. Với ý chí, mong muốn của người dân quanh khu vực dự án, chúng ta sẽ dùng thuyết mặc cả để thương lượng với nhau. Suy cho cùng, chúng ta cũng cần dự án đầu tư nhưng lại phải bảo vệ môi trường, do đó phải thương lượng.

Tôi cho rằng, câu chuyện lớn nhất về môi trường hiện nay là tập quán của người dân và các nguyên tắc kinh tế thị trường phải được tôn trọng mới giải quyết được tương đối vấn đề về môi trường chứ không nhất thiết phải huy động cả hệ thống chính trị vào việc này.

Ngoài ra, cũng cần bổ sung đội ngũ cán bộ liên quan tới môi trường: từ người làm công tác pháp luật (am hiểu môi trường và ngược lại), tới người phụ trách môi trường tại cấp cơ sở. Đội ngũ này vừa thiếu vừa yếu.

Có Phòng môi trường nhưng chủ yếu từ cán bộ địa chính chuyển sang, còn UBND phường thì chủ yếu lo chất thải, vệ sinh môi trường. Trong khi  câu chuyện môi trường không chỉ dừng ở rác thải mà rộng hơn rất nhiều, đòi hỏi cán bộ phải hiểu cả môi trường và pháp luật.

Ngay cả công việc của tôi hiện nay, giảng dạy môn Luật Bảo vệ môi trường nhưng sinh viên cũng coi đó là môn phụ, không quan tâm nhiều. Cả cao học, nghiên cứu sinh cũng thế.

Tôi hy vọng rằng, nên xây dựng một đạo luật về ĐTM riêng chứ không quy định chung trong luật BVMT. Nếu làm được như vậy sẽ phát huy thực sự vai trò của chế định này trong công tác BVMT, phát triển bền vững.

- Xin cảm ơn ông!

Song Đào (thực hiện)

 

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ