• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Danh nhân Đặng Huy Trứ: Người đặt nền móng cho Nhiếp ảnh Việt Nam

14/03/2009 09:55

Cách đây 140 năm, ngày 14/3/1869, hiệu ảnh đầu tiên mang tên “Cảm Hiếu Đường” ra đời, toạ lạc trên phố Thanh Hà (Hà Nội) đã đánh dấu sự khai sinh của Nhiếp ảnh Việt Nam. Người đã đặt nền móng đầu tiên này là danh nhân Đặng Huy Trứ.

Cách đây 140 năm, ngày 14/3/1869, hiệu ảnh đầu tiên mang tên “Cảm Hiếu Đường” ra đời, toạ lạc trên phố Thanh Hà (Hà Nội) đã đánh dấu sự khai sinh của Nhiếp ảnh Việt Nam. Người đã đặt nền móng đầu tiên này là danh nhân Đặng Huy Trứ.

Đặng Huy Trứ (1825-1874) tự Hoàng Trung, hiệu Võng Tân, Tỉnh Trai, quê ở xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đỗ Tiến sĩ năm 1855 dưới triều Nguyễn. Suốt 18 năm làm quan dưới thời vua Tự Đức, Đặng Huy Trứ trải qua nhiều chức vụ, có mối quan hệ rộng rãi với các tầng lớp nhân dân cũng như sĩ phu trong và ngoài nước. Ông đi nhiều, tiếp xúc nhiều và có tầm tư duy quảng bác. Sự nghiệp quan trường của ông đều hướng tới mục đích canh tân đất nước. Ông là nhà cải cách, gieo mầm canh tân dưới thời Nguyễn với những tư tưởng mới trong phát triển kinh tế, phát triển khoa học quân sự, cải cách xã hội… Phan Bội Châu coi ông là "người trồng mầm khai hoá đầu tiên ở Việt Nam".

Năm 1865, khi đi sứ Trung Quốc, tới Hương Cảng với nhiệm vụ “Thám phỏng dương tình”, tức nghe ngóng thái độ của các nước phương Tây đối với ta, ông đã được tận mắt chứng kiến kỹ thuật nhiếp ảnh do người Anh đưa sang, được nhiều người ưa chuộng. Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà nghiên cứu Hoàng Kim Đáng thì tại Hương Cảng, ông đã chụp thử hai bức chân dung: một bức mặc triều phục, một bức ông mặc như thương nhân Trung Quốc và thử vẽ hai bức chân dung nói trên để so sánh. Điều đó cho thấy, ý định học nghề và mở hiệu ảnh ở Hà Nội đã được manh nha định hình ngay trong chuyến đi ấy. Hai năm sau đó, năm 1867, khi lại được cử sang Trung Quốc làm nhiệm vụ, Đặng Huy Trứ đã thuê một người Trung Quốc tên là Dương Khải Trí mua sắm giúp các dụng cụ máy móc về nhiếp ảnh và ông học cách chụp ảnh để về nước mở hiệu ảnh.

Khi trở về nước, ông lấy hiệu Lạc Sinh Công Điếm và cho sửa sang lại thành tiệm chụp ảnh lấy tên là Cảm Hiếu Đường ở phố Thanh Hà, Hà Nội (nay là phố Ngõ Gạch). Hiệu ảnh khai trương ngày 14/3/1869. Bài văn của Đặng Huy Trứ trong ngày khai trương, nhiều câu dường như đã trở thành tuyên ngôn cho nhiếp ảnh Việt Nam: “Xưa nay không ai tái sinh được xương thịt, tuy ứng theo lòng, chụp ảnh tái hiện được tinh thần’, “ngoài nghìn dặm mà vẫn y trước mắt, khiến mọi người đều tỏ được tấm lòng thành hiếu”…

“Cảm hiếu đường” ra đời chỉ sau 30 năm nhiếp ảnh được phát minh (1839), chứng tỏ nghệ thuật ánh sáng này đã du nhập vào nước ta từ khá sớm. Tuy nhiên, phải hơn 20 năm sau đó, nhiếp ảnh Việt Nam mới tiếp tục đạt được những bước phát triển mới khi hiệu ảnh “Khánh Ký” của ông Nguyễn Đình Khánh được mở ở Hà Nội vào năm 1892. “Khánh Ký” đã góp công lớn trong việc đào tạo và phát triển đội ngũ người làm nghề ảnh ở Hà Nội và Việt Nam sau này.

Ngày nay, nhiếp ảnh đã trở nên quen thuộc không chỉ đối với những nghệ sĩ cầm máy mà còn phổ biến trong quảng đại quần chúng. Nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam đang từng bước khẳng định vị trí trong giao lưu văn hoá quốc tế với nhiều giải thưởng quan trọng và uy tín. Chặng đường phát triển ngót một thế kỷ rưỡi với những thành tựu đáng kể đó chính là sự tiếp bước một cách trân trọng giá trị văn hoá đã được đặt nền móng từ năm 1869 bởi người tiên phong của nhiếp ảnh Việt Nam – danh nhân Đặng Huy Trứ.

Theo CPV

NỔI BẬT TRANG CHỦ