• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Danh nhân văn hóa Đào Tấn và những đóng góp cho sự nghiệp sân khấu Việt Nam

21/09/2017 22:08

(Cinet) - Nhà thơ, nhà soạn Tuồng lỗi lạc Đào Tấn – danh nhân văn hóa tiêu biểu của đất Bình Định đã có những đóng góp to lớn vào di sản văn hóa Việt Nam, đặc biệt là nền nghệ thuật sân khấu Tuồng Việt Nam với những tác phẩm bất hủ.

(Cinet) - Nhà thơ, nhà soạn Tuồng lỗi lạc Đào Tấn – danh nhân văn hóa tiêu biểu của đất Bình Định đã có những đóng góp to lớn vào di sản văn hóa Việt Nam, đặc biệt là nền nghệ thuật sân khấu Tuồng Việt Nam với những tác phẩm bất hủ.



Đào Tấn (1845 – 1907) sinh ra tại Bình Định, mảnh đất địa linh nhân kiệt. Từ nhỏ, Đào Tấn đã bộc lộ tài năng nghệ thuật và là học trò của nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu. Sinh thời, Đào Tấn là nhà nho yêu nước, 30 năm làm quan, ba lần làm Tổng đốc, bốn lần làm Thượng thư, dốc lòng chăm lo dân và bảo vệ nền văn hóa dân tộc, là một tài năng lớn về nghệ thuật được người đời tôn vinh là hậu Tổ nghệ thuật Hát Bội (Tuồng).

Danh nhân văn hóa Đào Tấn. Nguồn ảnh: Baotintuc.vn

Đóng góp lớn cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật nước nhà



Di sản đồ sộ mà Đào Tấn để lại cho hậu thế là một khối lượng kịch bản Tuồng, vở diễn Tuồng và văn, thơ cũng như lý luận về sân khấu khó ai bì kịp với 1.000 bài thơ- từ, 40 vở tuồng kinh điển và nhiều bài viết đúc kết thành lý luận sân khấu. Trong đó, không thể không kể tới những tác phẩm tuồng nổi tiếng được Đào Tấn chắp bút khi tuổi đời còn rất trẻ như: "Tân Dã Đồn", "Đảng Khấu", "Tam Bảo Thái Giám Thủ Bửu", vở "Vạn Hữu Trình Tưởng" hay "Hoàng Phi Hổ quá giới bài quan", "Hộ Sanh đàn", "Diễn võ đình", "Cổ thành"…  hay tập sách lý luận sân khấu  “Hí trường tùy bút” và bút ký “Mộng Mai văn sao”.



Về tài năng của Đào Tấn, Vua Tự Đức đánh giá ông có “bút pháp như thần”; Vua Thành Thái coi Đào Tấn là bậc thầy.  



Chia sẻ những đóng góp của Đào Tấn đối với sự nghiệp văn hóa nghệ thuật Việt Nam và nghệ thuật Tuồng, NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết, trước thời Đào tấn, trong kho tàng của kịch bản Tuồng truyền thống về đề tài quân quốc đã có hàng trăm vở diễn có giá trị. Trong đó, các nhân vật trung tâm là người sống chết vì chúa, lựa chọn hành động theo “tam cương, ngũ thường” nhưng tới các tác phẩm tuồng của Đào Tấn  nhân vật trung tâm đã nhận định chữ “trung” trong Nho giáo dã chuyển động theo “cái tôi” của nhân vật. Ở đó, các tác phẩm đã nêu cao những tấm gương nhân nghĩa, lòng yêu nước, thương dân, sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa, biết lựa chọn minh chủ khi rời bỏ chúa bạo tàn để tìm về vua sáng. Ông đã phá vỡ khuôn mẫu giáo huấn một chiều trong các đề tài quân quốc.



Đúng như  PGS Tất Thắng đã viết, “Ông (Đào Tấn) đã nổ phát súng vào đề tài quân quốc và bắn chết tươi đạo trung quân mù quáng”



Còn theo GS Hoàng Chương –Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, mặc dù hầu hết chuyện kịch trong Tuồng Đào Tấn mượn từ các chuyện cổ của Trung Quốc, nhưng qua lăng kính tiến bộ của Đào Tấn, qua ý đồ phản ánh hiện thực Việt Nam, Đào Tấn đã việt Nam hóa những câu chuyện đó một cách tinh tế và tài tình.



Với Đào Tấn, nghệ thuật Tuồng không còn là công cụ mua vui, thỏa mãn ý thích cho vua chúa mà là nơi giúp ông góp tiếng nói theo tinh thần thời đại, dùng nghệ thuật Tuồng làm cấu nối giữa tầng lớp nho sĩ với nhân dân và đứng về phe nhân dân để kết tội triều đình quan lại thối nát. Chính điều này đã làm nên sức hấp dẫn của Tuồng Đào Tấn. Đồng thời, mở ra hướng tiếp cận cuộc sống hiện thực với  những quan niệm gần gũi với nhân dân, NSND Lê Tiến Thọ cho biết.
 

Hình ảnh trong vở "Hộ sanh đàn". Ảnh: Gia Linh

Bên cạnh việc cách tân, phá bỏ lối kết cấu chương hồi của Tuồng quân quốc, Đào Tấn cũng là người đầu tiên làm giàu cho làn điệu của nghệ thuật Tuồng khi đưa nhiều điệu Lý, hát Nam vào Tuồng, đưa múa cung đình, múa bài bông vào tuồng để làm giàu ngôn ngữ biểu diễn, thậm chí đưa cả lớp sinh con lên sân khấu, qua đó góp phần thay đổi diện mạo sân khấu tuồng.



Đào Tấn cũng là người sáng lập và chủ trì hoạt động của rạp hát “Như Thị Quan” ở Nghệ An và hai gánh hát kiêm trường đào tạo nghệ thuật tuồng mang tên “Học Bộ đình” tại Nghệ An và Bình Định, nơi đào tạo những nghệ sĩ Tuồng xuất sắc nhiều thế hệ.



Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên chia sẻ, từ hơn một thế kỷ qua, tên tuổi và sự nghiệp của Đào Tấn đã là một niềm tự hào của những người hoạt động văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, từ sau Cách mạng tháng Tám và nhất là từ sau khi đất nước thống nhất, nhiều vở Tuồng của ông tiếp tục được các đơn vị sân khấu cả nước dàn dựng, biểu diễn; thơ và từ của ông được tuyển chọn, biên dịch, giới thiệu rộng rãi trong và ngoài nước; cuộc đời và sự nghiệp sáng tao của ông được nghiên cứu ngày càng toàn diện.

Hình ảnh trong vở tuồng "Sơn hậu". Nguồn: phapluatplus.vn



Cần tiếp tục những nghiên cứu về Đào Tấn



Giáo sư Hoàng Chương cho biết, nhiều vở tuồng của Đào Tấn như "Hộ Sanh Đàn", "Trầm Hương Các", "Quan Công hồi cổ thành", "Khuê các anh hùng"... đã được khai thác biểu diễn và quay thành phim nhựa, phim video, vừa để phục vụ cho công chúng rộng rãi, vừa phục vụ cho các nhà nghiên cứu và giảng dạy ở các trường nghệ thuật sân khấu trong cả nước. Tuy nhiên, so với Đại thi hào Nguyễn Du, thì việc nghiên cứu Đào Tấn còn quá ít. Việc tiếp tục bào tổn và phát huy di sản Đào Tấn là cần thiết và cấp thiết để Đào Tấn không chỉ là hậu Tổ nghề Tuồng, là danh nhân văn hóa dân tộc Việt Nam, mà còn phải là danh nhân văn hóa thế giới. 



Bảo tồn và phát huy các di sản cả danh nhân văn hóa Đào Tấn chắc chắn là một phần không thể thiếu trong sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng và nhân dân ta – Thứ trưởng Vương Duy Biên khẳng định.



Trước hết cần tuyên tuyền quảng bá sâu rông hơn ở trong nước và ngoài nước về cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân văn hóa Đào Tấn cũng như phổ biến có hiệu quả các tác phẩm bất hủ của ông. Thứ trưởng đề nghị, các đơn vị nghệ thuật Tuồng cũng như các đơn vị sân khấu, các kịch chủng trên cả nước nên có kế hoạch tái tạo các kiệt tác của Đào Tấn theo cách mới phục vụ người xem hôm nay. Ông mong muốn tỉnh Bình Định có kế hoạch phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc để phát huy tốt khu nhà thờ Đào Tấn ở quê hương Tuy Phước, Bình Định./.



Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ