(Tổ Quốc) - ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng cần phải đánh thức, phát triển 3 động lực nội sinh, đó là: Khu vực nông nghiệp, văn hóa và du lịch - những lĩnh vực thực sự là "chủ công" của đất nước.
Ngày 4/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội dành cả ngày tiến hành thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Nông nghiệp, văn hóa và du lịch là lĩnh vực "chủ công"
Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn, kinh tế tăng trưởng chậm, lạm phát tăng cao nhưng Việt Nam nổi lên nhiều điểm sáng.
Trong đó, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam tăng 4 bậc, chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, chỉ số Chính phủ điện tử tăng 15 bậc, đặc biệt chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu tăng 8 bậc và đứng hạng thứ 17/194 quốc gia.
Chúng ta tiếp tục duy trì ổn định chính trị, kinh tế, xã hội và lạm phát được kiểm soát tốt trong 10 năm qua; bình quân từ năm 2015 đến nay lạm phát được kiểm soát ở mức 3%; cán cân thương mại tiếp tục thặng dư và xuất siêu liên tục từ năm 2016 đến nay; nợ công trên GDP được kéo giảm, tạo dư địa để tiếp tục đầu tư các dự án lớn. Kinh tế tăng trưởng khá, ước cả năm tăng trưởng khoảng 7%.
Để hoàn thành các mục tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân cần quan tâm đến các sản phẩm nông sản, thủy sản, công nghệ số mang thương hiệu Việt Nam; tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Việc Quốc hội chuẩn bị thông qua các dự án luật, nghị quyết tại Kỳ họp này là một trong những biện pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế.
Ngoài ra, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, tiêu dùng nội địa tuy có sự phục hồi mạnh, trong 9 tháng tăng trưởng 8,8% nhưng vẫn còn thấp so với trước dịch COVID-19. Do đó, cần phải có chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng, nhất là giảm thuế cũng như khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Bên cạnh đó là quan tâm đến việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội, bảo hiểm và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025...
Cũng theo đại biểu, ngoài việc khuyến khích phát triển các động lực mới như khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chúng ta cần phải đánh thức, phát triển 3 động lực nội sinh, đó là: Khu vực nông nghiệp, văn hóa và du lịch.
"Đây là những thế mạnh của Việt Nam chúng ta từ đặc điểm kinh tế chính trị - xã hội, điều kiện thiên nhiên, v.v.. Ba lĩnh vực này mới thực sự là "chủ công" của đất nước. Do đó, rất mong Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa đến 3 lĩnh vực này", đại biểu bày tỏ.
Cần có các giải pháp quyết liệt triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Văn Thi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong nước thì chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc phải ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cơn bão số 3, cơn bão lịch sử 30 năm trên biển và 70 năm trên đất liền đã làm thiệt hại về kinh tế, tính mạng, tài sản nhân dân và theo dự báo có thể giảm tăng trưởng GDP cả năm 0,15%.
Với sự điều hành, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương, KTXH Việt Nam 9 tháng đầu năm đã đạt được nhiều kết quả tích cực ở hầu hết các lĩnh vực. GDP 9 tháng ước đạt 6,82%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch và đặc biệt là chỉ tiêu tăng năng suất lao động, sau 3 năm không đạt thì 9 tháng đầu năm 2024 đã vượt kế hoạch.
Tuy nhiên, kinh tế xã hội nước ta vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đòi hỏi cần phải có các giải pháp quyết liệt hơn để tổ chức thực hiện.
Về giải ngân vốn đầu tư công có tích cực nhưng chưa đạt kế hoạch, tỷ lệ giải ngân chung cả nước 9 tháng đầu năm là 47,29%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần phân tích, nhận diện rõ các nguyên nhân và từ đó có giải pháp cụ thể, phù hợp và hiệu quả đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân các nguồn vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là nguồn vốn sự nghiệp vẫn rất chậm, trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt 11%; Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 8%.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi cho rằng nếu không có các giải pháp quyết liệt triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thì sẽ rất khó đạt mục tiêu năm 2024 Quốc gia giao về mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc; thiên tai ngày càng khốc liệt, bất thường, đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có chính sách, quan tâm hơn đối với công tác bảo vệ, phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn; quan tâm đầu tư cho công tác phòng ngừa, dự báo; và đặc biệt là quan tâm hơn đối với việc đầu tư hạ tầng phòng chống thiên tai để đảm bảo sẵn sàng ứng phó tốt nhất trong mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra.